Mận tam hoa đặc sản "rẻ thối" nhưng chẳng mấy người mua
Mận tam hoa chín rộ song thương lái không thể tìm đến mua vì dịch COVID–19.
Mận Tam Hoa, một sản phẩm đặc sản đặc trưng, tiêu biểu của huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, được coi là một biểu tượng của sản phẩm phục vụ tour du lịch đến huyện Bắc Hà. Do có điều kiện tự nhiên về khí hậu và thổ nhưỡng độc đáo, ở vùng núi cao, mận Tam Hoa Bắc Hà có hương vị ngọt thanh độc đáo, quả to, cùi dày, khi chín có màu đỏ rực xen phấn trắng. Vụ mận năm 2021, bà con nông dân huyện Bắc Hà trồng được khoảng 500 ha, sản lượng ước tính đạt trên 3.500 tấn.
Mận tam hoa Bắc Hà trồng đến năm thứ ba sẽ cho thu hoạch. Cây ra hoa vào nửa cuối tháng 2 và bắt đầu chín vào cuối tháng 5.
Tuy nhiên do dịch COVID–19, nhiều địa phương trong cả nước tạm dừng các hoạt động du lịch, dịch vụ nên sức mua thị trường yếu hơn mọi năm, giá mận cũng theo đó giảm khoảng một nửa so với năm trước mà vẫn vắng khách mua, khiến người trồng mận Bắc Hà lo lắng.
Giá mận tam hoa đầu mùa năm nay so với năm ngoái cũng giảm đáng kể do dịch COVID-19, người dân không bán được cho các thương lái. Hơn nữa, các hoạt động vận tải, nhất là các tuyến xe khách đi các huyện, các tỉnh trong nước hạn chế và giá cước vẫn còn cao khiến việc tiêu thụ mận gặp rất nhiều khó khăn.
Mận tam hoa Bắc Hà rât được người Hà Nội ưa chuộng.
Năm ngoái, loại quả to có giá lên tới 50.000 đồng/kg. Có gia đình thương lái thấy đẹp còn mua cả vườn, còn năm nay họ chỉ mua theo thời điểm. Tuy nhiên hiện tại, mận loại một quả to và đều chằn chặn mới có giá 30.000 đồng/kg, loại bé hơn thì 10-15.000 đồng/kg, loại bé hơn nữa chỉ từ 3-5.000 đồng/kg, thấp hơn so với thời điểm năm ngoái rất nhiều.
Chị Vàng Thị Khuyên, dân tộc Tày ở xã Na Hối (nơi có vựa mận tam hoa lớn nhất Bắc Hà) buồn rầu cho biết trên Nông nghiệp VN: Gia đình có trên 200 gốc mận. Cây năm nay rất sai quả và chỉ ít ngày nữa là sẽ chín đồng loạt. Với nông dân Na Hối, mận là cây trồng chủ lực, bao hi vọng cả năm đều trông cả vào vụ mận.
Thế nhưng hiện giá mận quá rẻ mà lại không có người mua. "Sáng sớm nay, có xe ô tô về tận trung tâm huyện thu mua, họ chỉ trả 3.000 - 5.000 đồng/kg mận xô, bà con cũng đành phải bán, vì khi quả đã chín khó giữ lâu", chị Khuyên thở dài.
Theo chị Nguyễn Hà, một tiểu thương bán hoa quả ở Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ trên Vietnamnet thì mận vàng tam hoa Sơn La, Lào Cai có vị chua rôn rốt, ngọt dịu và giòn, thơm đặc trưng nên chị em thành phố rất thích. Mỗi chuyến hàng về khoảng 2-3 tạ, bán hết chị mới lấy chuyến mới. Tuy nhiên, mận tam hoa năm nay bán cũng chậm vì đúng mùa hè nhiều loại hoa quả. Hơn nữa, do dịch bệnh nên sức mua cũng giảm đáng kể.
"Có tiểu thương ở Sài Gòn muốn mua mận vào trong đó rồi bán đi các tỉnh Bình Dương, Cần Thơ. Thế nhưng, giá cước vận chuyển xe khách còn quá cao, ngang bằng tiền mận. Bởi thế nhiều người không dám đặt hàng. Người dân thì không bán được mận nên giá mận năm nay giảm từ 50.000 đồng xuống còn 30.000 đồng/kg quả loại 1. Còn giữ lại chỉ sợ thời tiết xấu như mưa đá làm mận bị rụng quả, nhiều khả năng lại mất trắng", chị Hà nói.
Không chỉ ở Lào Cai, vùng mận tam hoa ở xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) hiện cũng đang vào mùa chín rộ. Với diện tích khoảng 16 ha, hàng năm xã Mường Lống cung cấp ra thị trường khoảng 50 tấn quả. Mận Mường Lống to, giòn, ngọt lâu nay là thức quả được nhiều người ưa thích trong dịp hè nóng nực.
Giá mận tam hoa của Mường Lống xuống thấp nhưng khó tiêu thụ. Ảnh: báo Nghệ An
Tuy nhiên, hiện bà con trồng mận nơi đây đang hết sức lo lắng vì mùa mận đang kỳ chín rộ nhưng không tiêu thụ được. Bà con cho biết, một phần do không có người mua, một phần do thời tiết mưa lớn nên nhiều cây đã rụng quả, thiệt hại không nhỏ.
Anh Hờ Bá Rê, một người dân ở bản Mường Lống 2 cho biết trên báo Nghệ An: Gia đình anh trồng được mấy chục gốc mận, hàng năm thu hoạch cả tấn quả thu về gần 20 triệu đồng. Đầu mùa, giá mận có lúc lên đến 25.000 đồng/kg, sau khi mận chín giá có giảm xuống 15.000 đồng/kg nhưng khách vẫn đặt mua rất nhiều. "Bây giờ sang tháng 6, đang giữa mùa nhưng thương lái không thấy đến thu mua nữa, họ bảo do dịch COVID-19 nên vận chuyển đi rất khó khiến dân bản hạ giá xuống 10.000 đồng/kg vẫn không bán được" - anh Rê ngậm ngùi.
Nguồn: [Link nguồn]
Mới đây, người tiêu dùng lại ngạc nhiên bởi lá bàng tươi được rao bán rầm rộ trên các sàn thương mại điện tử,...