Lý do giá xe máy đảo chiều lao dốc dịp cận Tết nguyên đán

Thời điểm cận Tết, hàng loạt mẫu xe máy như Honda Vision, Air Blade, Yamaha … được bán dưới giá đề xuất tại đại lý nhằm thu hút người mua.

Bán dưới giá đề xuất

Nếu như những năm trước, thời điểm cận Tết nguyên đán luôn là lúc nhu cầu người mua tăng cao kéo giá nhiều mẫu xe hot được điều chỉnh lên theo, năm nay, do lượng mua thấp, nhiều hãng và đại lý xe máy liên tục tung ra các chương trình khuyến mại giảm sâu để thu hút khách.

Theo Nhịp sống kinh tế, Honda Vision đang được một số đại lý chào bán với mức giá từ 29,29 triệu đồng, rẻ hơn một triệu đồng so với đề xuất của hãng. Trong khi đó, Vision bản cao cấp có khóa Smartkey có giá 32,3 triệu đồng, Vision bản cá tính có khóa Smartket có giá 37 triệu đồng.

Không chỉ Vison, tất cả các phiên bản của Honda Air Blade đang được chào bán với giá từ 39,5 đến 53 triệu đồng, thấp hơn giá niêm yết dao động từ hơn 1 triệu đồng cho tới gần 3 triệu đồng, (tùy từng phiên bản và màu sắc).

Hai phiên bản Honda SH 150 CBS và Honda SH 150 ABS có giá bán tại đại lý lần lượt là 96 và 106 triệu đồng, giảm nhẹ 600.000 đồng so với tháng trước. Honda SH 150 ABS giảm tới hơn 6 triệu đồng, dù vẫn có giá cao hơn 10 triệu đồng so với giá đề xuất của hãng.

Các mẫu xe số phổ thông như Wave Alpha và Blade có mức giảm khoảng 500.000 đồng so với giá niêm yết.

Tương tự Honda, Yamaha cũng tung ra nhiều chương trình giảm sâu thu hút người mua. Theo đó, Yamaha Janus được giảm 2 triệu đồng kéo giá xe xuống còn 26,49 triệu đồng cho bản tiêu chuẩn và cao nhất là 30,49 triệu đồng với bản giới hạn. Mẫu xe được Yamaha giảm giá nhiều nhất là FreeGo với mức ưu đãi tới 7 triệu đồng cho phiên bản Đặc biệt và bản Tiêu chuẩn giảm 5 triệu đồng.

Năm nay, do lượng mua thấp, nhiều hãng và đại lý xe máy liên tục tung ra các chương trình khuyến mại giảm sâu để thu hút khách. Ảnh minh họa 

Năm nay, do lượng mua thấp, nhiều hãng và đại lý xe máy liên tục tung ra các chương trình khuyến mại giảm sâu để thu hút khách. Ảnh minh họa 

Đằng sau xu thế sụt giảm của sức mua xe máy

Sức mua xe máy tại Việt Nam sụt giảm mạnh. Theo Thanh Niên, bất chấp việc các nhà sản xuất vẫn nỗ lực thay đổi, tung ra thị trường các phiên bản nâng cấp cũng như mẫu mã mới với nhiều ưu đãi hấp dẫn, sức mua xe máy trong vòng 2 năm trở lại đây bắt đầu có xu hướng lao dốc. Năm 2020, ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến doanh số bán xe máy tại Việt Nam giảm từ 3,25 triệu chiếc còn 2,84 triệu chiếc tức là giảm 12,6% so với năm 2019.

Theo số liệu bán hàng mới nhất vừa được Hiệp Hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) công bố, trong năm 2021 doanh số bán xe máy của 5 thành viên thuộc VAMM gồm: Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM chỉ đạt 2.492.372 xe, giảm 220.243 xe tương đương 8,1% so với năm 2020. Đây là năm thứ 3 liên tiếp doanh số bán xe máy tại Việt Nam sụt giảm.

Sức mua xe máy sụt giảm mạnh bắt nguồn từ nhiều lý do. Trước hết, đó là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khi làn sóng dịch bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng không ít tới "túi tiền" của nhiều người khiến người dân hạn chế đi lại cũng như cân nhắc các khoản chi tiêu không quá cần thiết.

Ngoài ra, các loại xe dịch vụ hay phương tiện giao thông công cộng đang nở rộ tại các đô thị lớn giúp người dùng có nhiều lựa chọn hơn trong việc di chuyển hàng ngày. Đó là chưa kể các dòng xe máy điện cũng đang ngày càng phổ biến tại thị trường trong nước.

Theo Thanh Niên, thông tin từ ABeam Consulting (ABeam Việt Nam) – công ty tư vấn chiến lược hàng đầu Nhật Bản, bên cạnh điều kiện tài chính cải thiện giúp người Việt Nam có thể mua những mặt hàng đắt tiền hơn như ô tô thay vì xe máy. Việc cơ sở hạ tầng ở Việt Nam đang được cải thiện với tốc độ nhanh chóng cũng tác động đến việc người dân giảm mua xe máy.

Vào năm 2010, tỉ lệ giữa số lượng xe máy và ô tô đăng ký tại Việt Nam tăng cao tới mức 55,9 xe máy/ô tô nhưng liên tục giảm xuống chỉ còn 26,7 vào năm 2020. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người tăng liên tục và đạt 2.785 USD vào năm 2020, tăng đáng kể so với 1.317 USD năm 2010.

ABeam Consulting còn chỉ ra rằng trong vòng 10 năm qua, tỉ lệ đường rải mặt toàn quốc tăng từ 64,4% năm 2010 lên 84%, trong đó tỉ lệ này ở khu vực nông thôn tăng từ 37,9% vào năm 2010 lên 68,69%. Tổng chiều dài đường cao tốc cũng tăng hơn 10 lần từ 89 km năm 2010 lên 1.163 km vào năm 2020, giúp kết nối các thành phố lớn ở Việt Nam và hỗ trợ cả việc sử dụng ô tô. Đây chính là những yếu tố giúp một số bộ phận khách hàng chuyển đổi từ xe máy sang sử dụng ô tô.

Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi trong chính nội bộ ngành sản xuất, kinh doanh xe máy cũng là một trong những yếu tố khiến tiêu thụ xe máy tại Việt Nam sụt giảm, nhất là các dòng xe sử dụng động cơ đốt trong (ICE).

Năm 2017, chính phủ đã công bố quyết định chuyển đổi xe hai bánh có động cơ đốt trong (ICE) sang 100% xe điện (EV) vào năm 2030 và tập trung chuyển đổi tại hai Thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, hướng đến mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, giảm số vụ tai nạn giao thông, cũng như giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, góp phần cải thiện chất lượng sống và xây dựng các thành phố phát triển bền vững tại Việt Nam.

Vì vậy, những năm gần đây các nhà sản xuất xe máy, nhất là những “tân binh” như VinFast, Yadea… đang tập trung mở rộng phát triển mẫu mã sản phẩm sang phân khúc xe điện thay vì xe xăng như cách Yamaha, Honda, Suzuki… vẫn đang làm. Sự xuất hiện của xe máy điện cũng góp phần khiến miếng bánh thị phần xe máy dùng động cơ đốt trong (ICE) ngày càng bị đe dọa.

Nguồn: [Link nguồn]

Thanh niên tự chế siêu xe bằng gạch, đại gia nguyện bỏ gần trăm triệu rước về

Sức sáng tạo của người châu Á đúng là “không đùa được đâu”!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đào Vũ ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN