Lúa không có hạt, dân cay đắng cắt cho bò ăn

Sự kiện: Kinh Doanh

Hàng chục ha lúa tại xã Sa Nghĩa huyện Sa Thầy (Kon Tum) không có hạt hoặc bị lép nên người dân đành phải ngậm ngùi cắt phơi cho bò ăn.

Năng suất lúa chỉ còn 10%

Trò chuyện với chúng tôi, gia đình anh Nguyễn Thanh Long, thôn Hòa Bình, xã Sa Nghĩa cho biết, nhà anh có 4 nhân khẩu, mọi thứ chi tiêu của gia đình đều trông chờ vào 500m2 đất trồng lúa nước. Tuy nhiên, năng suất lúa năm nay giảm đến 90% khiến anh vô cùng lo lắng.

Theo anh Long, vụ mùa năm nay gia đình anh gieo trồng giống lúa Bắc Thơm số 9 do Phòng NN&PTNT huyện Sa Thầy cấp. Lúc đầu lúa phát triển tốt, nhưng đến thời điểm trổ bông thì có hiện tượng khô cổ bông, khiến lúa không có hạt.

Lúa không có hạt, dân cay đắng cắt cho bò ăn - 1

Ruộng lúa hơn 500m2 của gia đình anh Nguyễn Thanh Long chỉ thu được hơn 1 tạ. Ảnh: Đ.N

"Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, gia đình đã tiến hành phun thuốc, nhưng đến lúc lúa chín, thu hoạch được thì năng suất giảm đến 80 - 90%. 500m2 đất lúa nước năm nay gia đình chỉ thu được 1 tạ lúa khô" - anh Long buồn rầu cho biết. 

Gần đó, cánh đồng lúa tại thôn Anh Dũng cũng xảy ra tình trạng tương tự. Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Tới, Trưởng thôn Anh Dũng cho biết : Trên địa bàn thôn có đến 200 gia đình rơi vào cảnh mất mùa. Qua kiểm tra thực tế, chúng tôi ghi nhận nhiều ruộng lúa đã bị khô trắng, lúa hoàn toàn không có hạt. Nhiều gia đình đã phải thuê nhân công cắt lúa đem về phơi cho bò ăn”.

Nỗi lo dân đói

Theo nhiều người dân, nguyên nhân mất mùa năm nay ngoài điều kiện thời tiết không thuận lợi thì chủ yếu do lúa bị mắc bệnh đạo ôn cổ bông. Tuy nhiên, vì không được khuyến cáo cách phòng trừ, thuốc phòng trừ bệnh kịp thời nên người dân trở tay không kịp.

Bà Tạ Thị Diệu - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sa Thầy cho rằng, nguyên nhân gây ra hiện tượng lem lép hạt là do thời điểm lúa đang đứng cái làm đòng thì gặp thời tiết bất thường, ngày nóng đêm lạnh, cây lúa không thích nghi kịp nên đã ảnh hưởng tới sự phát triển.

Cùng với đó, trong giai đoạn lúa trổ bông, trên địa bàn xã Sa Nghĩa lại xảy ra nhiều trận mưa dông lớn khiến cây lúa không thể thụ phấn, phơi màu. Ngoài ra, do các cánh đồng của xã Sa Nghĩa nằm ở cuối nguồn nước nên hằng năm thường bị hạn vào cuối vụ, đặc biệt, vụ đông xuân năm ngoái nhiều diện tích lúa gieo sạ muộn đã bị chết cháy.

Trước tình cảnh này, ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Sa Nghĩa lo lắng nói: "Hầu hết các hộ dân trên địa bàn xã chỉ có từ 1 - 2 sào lúa, mỗi năm cấy 2 vụ đủ để đảm bảo lương thực cho gia đình ăn trong cả năm. Năm nay mất mùa, chắc chắn cuộc sống của nhiều hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Hiện xã đang đề nghị lãnh đạo huyện có biện pháp hỗ trợ bà con khắc phục khó khăn nhằm sớm ổn định cuộc sống, nhất là các hộ gia đình thuộc diện khó khăn".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nhật (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN