Lợn “ăn” sổ đỏ của cả người nuôi lẫn đại lý cám

Sự kiện: Kinh Doanh

Giá lợn xuống thấp kỷ lục, tài sản của người chăn nuôi cũng vì thế mà “đội nón ra đi”...

Muôn chiêu ép giá lợn

Kể từ ngày giá lợn xuống thấp, không khí ngột ngạt, lo âu tràn về khắp “thủ phủ” nuôi lợn, xã Ngọc Lũ, Bình Lục, Hà Nam. Từ nhà ra ngõ, đâu đâu cũng được nghe bàn tán về lợn.Theo thống kê, xã Ngọc Lũ hiện có hàng trăm hộ nuôi lợn, hộ nào nuôi ít cũng 50 con, nuôi nhiều thì khoảng 2.000 con. Ước tính trong đợt giảm giá này, các hộ chăn nuôi lợn ở Ngọc Lũ thất thu ít nhất là gần 200 tỷ đồng.

Khi được hỏi chuyện, người dân Ngọc Lũ thường bắt đầu với câu nói chua chát: “Con lợn giờ không ăn cám nữa, mà ăn cả sổ đỏ rồi nhà báo ạ”. Chia sẻ với PV Báo Giao thông, anh Nguyễn Văn Sơn (đội 3, xã Ngọc Lũ) lắc đầu ngao ngán: “Mất hết rồi, đàn lợn nó lấy hết gia tài của tôi rồi”. Được biết, giữa năm 2016, khi giá lợn vẫn còn ở mức khá cao, anh Sơn đã "cắm" sổ đỏ của gia đình để vay vốn đầu tư chuồng trại, mua 150 con lợn giống. Không lâu sau, giá lợn nối đuôi nhau quay đầu giảm. “Đúng kỳ xuất chuồng, giá lợn giảm thê thảm, chỉ hơn 20 nghìn đồng/kg lợn hơi. Trong khi đó, nhà không còn tiền mua cám cho lợn. Cầm cự mãi rồi cũng phải bán tháo cả đàn. Tính ra tôi mất trắng hơn 200 triệu đồng”, anh Sơn kể.

Lợn “ăn” sổ đỏ của cả người nuôi lẫn đại lý cám - 1

Người dân phải “cầm cố” tài sản để duy trì đàn lợn

Không chịu buông xuôi, anh Sơn lại quyết định nuôi thêm đàn lợn 50 con nữa để gỡ gạc. Thế nhưng, giá lợn vẫn xuống không phanh. Lãi mẹ đẻ lãi con, tính tới thời điểm này, đất đai, nhà cửa của anh Sơn đều đã bị ngân hàng phong tỏa. Cùng quẫn, anh Sơn đành làm thuê bốc vác những mong kiếm đủ chi phí trang trải qua ngày...

Vốn đã quay quắt vì lo giá, nay họ lại tiếp tục chống chọi với sự ép giá đến vô lí của những thương lái. Có mặt tại nhà ông Nguyễn Xuân Thủy, xã Phụ Khánh, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ, PV Báo Giao thông ghi nhận có đến hơn 50 con lợn, với cân nặng trung bình hơn 1 tạ/con, vẫn đang ì ạch trong chuồng. “Một ngày cũng có vài người tới hỏi mua nhưng giá quá thấp, họ đều bảo chỉ 9 nghìn đồng/kg, như vậy thì làm sao tôi có thể bán được, bao nhiêu công chăm sóc, vay mượn biết lấy gì bù vào. Đến mua thì họ chê đủ kiểu, lợn đốm không lấy, tai to không lấy, đuôi dài quá phải giảm giá, mấy lượt lái buôn tới đây đều như vậy, quả thực chúng tôi không biết có thể trụ được bao lâu!”, ông Thủy chia sẻ. Nghe tiếng đàn lợn kêu ầm ĩ vì đói, ông Thủy thở dài: “Một ngày cả đàn ăn hết 6 bao cám, tương đương hơn 1 triệu đồng, tiền cám hơn chục triệu đồng một tuần là hết, ngày trước thì tôi cho ăn ba bữa nhưng giờ chỉ cho ăn hai bữa thôi, còn lại tôi đi cắt thêm rau cỏ cho chúng ăn”. Đứng bên cạnh, bà Nguyễn Thị Hải, vợ ông Thủy thất thần: “Từ ngày làm chuồng nuôi lợn nhà tôi đã vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng, đó là chưa tính tiền nợ cám của đại lý... Tôi lo mất ăn mất ngủ, đêm nào cũng chóng mặt chẳng được yên giấc, chỉ lo bây giờ nhỡ lợn mà bệnh nữa thì mất trắng”.

Tương tự, anh Quốc Hòa, chủ trại lợn tại xã Mai Tùng, huyện Hạ Hòa cám cảnh: “Nhà tôi vừa nuôi lợn nái, vừa nuôi lợn thịt. Giờ lợn thịt không bán được mà lợn nái thì vừa đẻ. Không thể nuôi nổi đàn lợn con nữa nhưng "bỏ thì thương, vương thì tội", tôi đành thả cả đàn lên khu đồi gần nhà cho chúng tự kiếm ăn, hay có ai cần thì mang về nuôi chứ gọi cho cũng không ai lấy nữa rồi”.

Đại lý thức ăn chăn nuôi cũng khốn đốn

Không chỉ người chăn nuôi, theo ghi nhận tại xã Ngọc Lũ, nhiều hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TACN) cũng đang đứng trước cảnh “tay trắng” vì giá lợn tụt giảm. 10 năm mở đại lý TACN với số lượng tiêu thụ 80-100 tấn cám/tháng, song những ngày này, cửa hàng TACN của ông Trần Đăng Chiến chỉ còn lại thưa thớt một vài bao cám. “Chúng tôi dựa vào người chăn nuôi mà sống, giờ không may rơi vào tình cảnh này quả thực “tiến không được, lùi không xong”, chỉ còn mong chờ vào chủ trương của Nhà nước để giãn nợ và vực giá lợn lên”. Được biết, số tiền nợ đọng trong dân của gia đình ông Chiến hiện đã lên tới 10 tỷ đồng. Để bù lại, ông Chiến đã phải “cắm” cả chục tấm sổ đỏ. “Ngôi nhà này chúng tôi đã cầm với trị giá 1 tỷ đồng. Ngoài ra, không chỉ có sổ đỏ của bố mẹ đẻ, anh em ruột trong nhà mà tôi còn cầm cả sổ đỏ của… bố vợ”, ông Chiến nói.

Không thể cầm cự được, cửa hàng kinh doanh TACN của chị Nguyễn Thị Hạnh, tới nay đã phải đóng cửa. Theo lời chị Hạnh, tới thời điểm này, toàn bộ tiền vốn của gia đình chị nằm trong dân lên tới 6 tỷ đồng, trong đó ngót nghét 5 tỷ đồng là tiền đi vay ngân hàng, thậm chí là “tín dụng đen” lãi suất cao. “Điều tôi lo lắng nhất, không chỉ là căn nhà của hai vợ chồng bị mang đi thế chấp mà trong đó còn có sổ đỏ của bố mẹ, anh em… Nếu không thu hồi được nợ, chúng tôi không biết phải xử lý thế nào? Không biết còn mặt mũi nào để nhìn người thân”, chị Hạnh vừa nói vừa bật khóc.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, nếu giá lợn không cải thiện trong thời gian tới, người chăn nuôi bỏ nghiệp thì sẽ tạo ra hiệu ứng “domino” kéo theo người kinh doanh TACN, thuốc thú y, bán thịt… đều “chết” theo. “Nếu để sụp đổ ngành chăn nuôi heo, vì chu kỳ dài thì phải 15 - 20 tháng sau mới có thể khôi phục lại nên bằng mọi giá, chúng ta không để cho điều này xảy ra”, ông Dương nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Đăng (Báo Giao thông)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN