Khi doanh nghiệp cấm... phong bì cho quan chức

Ra quy định, nhân viên không được tặng quà cho quan chức. Nếu tặng quà mang tính xã giao, tặng quà cho quan chức chính phủ không được quá 25 USD. Thậm chí việc mời đối tác ăn cơm hay uống cốc cà phê với quan chức chính phủ cũng phải báo cáo.

Chỉ có 29% doanh nghiệp triển khai chính sách liêm chính

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi Công bố báo cáo khảo sát Hiện trạng thực hành liêm chính trong kinh doanh và nhu cầu hỗ trợ xây dựng năng lực của doanh nghiệp do VCCI tổ chức.

Bà Trần Thị Kim Thu, Chuyên gia thống kê, Công ty tư vấn quản lý OCD cho biết, qua khảo sát 180 doanh nghiệp tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM có 55% doanh nghiệp cho rằng liêm chính gắn liền với những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức và quy phạm phạm pháp luật, hạn chế tham nhũng, hối lộ. Tuy nhiên chỉ có 29% doanh nghiệp triển khai chính sách liêm chính minh bạch.

Khi doanh nghiệp cấm... phong bì cho quan chức - 1

Ảnh minh họa

Có đến 43% doanh nghiệp cho biết “thỉnh thoảng” gặp khó khăn khi giao dịch với cơ quan quản lý nhà nước như thuế, hải quan, ngân hàng…Đặc biệt, doanh nghiệp da giày, ngân hàng và chế biến lương thực thực phẩm có tần suất gặp khó khăn cao nhất.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới với một loạt các FTA đã ký kết và kết thúc đàm phán nhưng kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp được nghe về yêu cầu minh bạch và cạnh tranh trong Hiệp định FTA chỉ chiếm 54%, không biết chiếm 43%. Tỷ lệ này cao ở các doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, da giày và dệt may.

Minh bạch, liêm chính có lợi như thế nào?

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc triển khai liêm chính có tác dụng rất lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp. Vấn đề phòng, chống tham nhũng, kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Đây cũng là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.

Tuy nhiên, ông Vinh cho biết nhiều doanh nghiệp vẫn băn khoăn: Nếu tham gia phòng chống tham nhũng rồi bị cắt điện, nước, rồi gây khó khăn trong việc thông quan thì làm sao? Có những doanh nghiệp nói họ chủ yếu tập trung sản xuất, làm ra lợi nhuận, làm sao chống được tham nhũng?

“Nếu doanh nghiệp liên kết lại với nhau để thực hiện chính sách liêm chính thì tham nhũng, hối lộ sẽ được giảm thiểu và đẩy lùi. Bởi lẽ, vai trò phòng chống tham nhũng của doanh nghiệp hiện nay là không thể phủ nhận”, ông Vinh nói.

Ông Nguyễn Văn Qúy, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Công ty TNHH General Motors Việt Nam cho biết công ty ông coi thực hiện liêm chính, minh bạch trong kinh doanh là nhiệm vụ mục tiêu đặt ra hằng năm, có chiến lược kinh doanh chiến thắng bằng sự minh bạch.

Cụ thể, công ty tổ chức đào tạo cho cán bộ công nhân viên hiểu biết thế nào là minh bạch, chống tham nhũng, xung đột hữu ích. Theo quy định, nhân viên không được nhận quà, tặng quà cho quan chức. Nếu tặng quà mang tính xã giao, tặng quà cho quan chức chính phủ không được quá 25 USD. Thậm chí việc mời đối tác ăn cơm hay uống cốc cà phê với quan chức chính phủ cũng phải báo cáo.

“Thực tế khi chúng tôi thực hiện liêm chính, không chi tiền mặt, không tặng quà cho quan chức trong những ngày lễ Tết nên lúc đầu có một số công chức, cơ quan nhà nước cũng thấy điều này không được bình thường so với các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên sau đó họ đều hiểu, thông cảm, tôn trọng sự minh bạch, liêm chính của doanh nghiệp và giúp đỡ chúng tôi. Họ hiểu đây là chính sách của công ty chứ không phải cá nhân 1 người nào đặt ra, có ý gì hay có sự phân biệt đối xử trong quan hệ đối ngoại”, ông Qúy cho biết.

Ông Trịnh Minh Anh, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế cho rằng liêm chính, minh bạch trong kinh doanh là vấn đề nhạy cảm nhưng Việt Nam đang rất cố gắng bằng những định chế, cam kết, quy định trong các Hiệp định.

Các Hiệp định đều hướng tới tính minh bạch, hỗ trợ các DN tiếp cận thông tin, giảm thiểu những tiêu cực trong kinh doanh, giúp DN tránh rủi ro về pháp lý, kinh doanh thuận lợi và bền vững hơn.

Theo ông, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã có nhiều tiến bộ trong thực hành liêm chính đó là môi trường kinh doannh được công khai rõ ràng và sự phân biệt được giảm dần.

Cụ thể, trước đây, Việt Nam thường “bám” theo cơ chế “xin-cho”, kế hoạch hóa tập trung, bây giờ chúng ta dần dần tiến tới xóa bỏ hoàn toàn cơ chế này. Phân biệt đối xử giữa DN nhà nước và DN tư nhân cũng đã được giảm thiểu. Các quy định về mua sắm công, quy định về đấu thầu…đều được minh bạch hóa.

Chính vì thế ông nhấn mạnh: Các “Các DN muốn ăn ngon ngủ yên thì hãy kinh doanh đúng pháp luật, đúng cam kết”.

“Trong WTO, FTA, TPP… đều nhấn mạnh tới các quy định minh bạch và những DN vi phạm đều phải xử lí kể cả các DN nước ngoài có hành vi tham nhũng, bóp méo kinh doanh… để môi trường kinh doanh của chúng ta dần tốt lên”, ông Minh Anh cho biết.

Tại hội thảo, Ông Florian Beranek, Chuyên gia cao cấp về Trách nhiệm Xã hội UNIDO cũng đưa ra lời khuyên: “Nếu Việt Nam muốn tham gia chuỗi toàn cầu phải đẩy mạnh liêm chính để tạo được sự tin tưởng với các đối tác. Khi tham gia vào chuỗi giá trị, phải đổi mới, sáng tạo, tạo ra giá trị cao hơn.Và chỉ có liêm chính mới có thể tạo ra không gian mở đấy”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN