Khăn lau "siêu sạch" nguồn gốc từ đâu?

Sau khi đăng bài "Vạch mặt chân tướng khăn lau siêu sạch", tòa soạn đã nhận được ý kiến của bạn đọc đề nghị biết rõ hơn về nguồn gốc xuất xứ của loại khăn này.

Ngày 29/3, phóng viên có buổi làm việc với Quản lý bán hàng của trang mạng Voucherhot. Anh này giới thiệu tên Huy. Anh Huy cho biết: Với mặt hàng khăn lau dầu mỡ "siêu sạch", Voucherhot nhập hàng từ một trung gian chuyển hàng về từ Trung Quốc, qua đường biên giới không đăng ký hải quan. "Chúng tôi nhận hàng cũng chỉ được giới thiệu là từ Trung Quốc chứ không rõ thành phần, nguồn gốc thực của khăn "siêu sạch" này".

Khăn lau "siêu sạch" nguồn gốc từ đâu? - 1
Loại khăn "siêu sạch" không rõ thành phần xuất xứ bán trôi nổi ngoài thị trường.

"Lô này nhập về theo đơn đặt hàng của một đơn vị quảng cáo bán hàng trên kênh truyền hình, nhưng do khi nhận hàng từ Trung Quốc về thì kích thước khăn không đều, cái to cái nhỏ, không đúng như yêu cầu đặt hàng nên bị hủy. Do đó, tôi đành bán lẻ cho người tiêu dùng", vị quản lý bán hàng của Voucherhot cho biết.

Nói về quảng cáo quá sự thật, với kinh nghiệm có được và là người trong nghề, anh Huy cho rằng: Bên bán không hướng dẫn thông tin sản phẩm. Vì thế, để quảng cáo trên mạng và giới thiệu cho khách hàng, chúng tôi tự dịch thông tin trên sản phẩm. Việc làm này không chỉ áp dụng với khăn "siêu sạch" mà với đa số sản phẩm đưa ra quảng cáo. Nhiều sản phẩm đã có tính năng rồi thì chỉ thêm thông tin vào cho nó hay, hấp dẫn thêm.

"Đôi khi quảng cáo sản phẩm cũng nói quá lên một chút để bán hàng. Còn hiệu quả sử dụng cũng chỉ được tới 50%. Voucherhot sẽ trả lại tiền nếu những khách hàng mua sản phẩm mà không hài lòng và hứa sẽ kiểm tra kỹ lại chất lượng của sản phẩm này", anh Huy khẳng định.

Khăn lau "siêu sạch" nguồn gốc từ đâu? - 2
Loại khăn nào cũng siêu sạch, vạn năng... người tiêu dùng khó có thể chọn lựa.

Theo luật sư Nguyễn Thành Công, Văn phòng luật Đông Phương, hành vi vi phạm quy định về kích thước chữ, ngôn ngữ sử dụng, đơn vị đo lường, quảng cáo trên nhãn hàng hóa (Điều 24 Nghị định 54/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa) sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng - 4 triệu đồng tùy mức độ vi phạm.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tạm đình chỉ lưu thông hàng hóa vi phạm; buộc khắc phục vi phạm về nhãn hàng hóa theo quy định đối với các hành vi vi phạm trên. Ngoài ra, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu hành vi đó cấu thành tội phạm) về "Tội lừa dối khách hàng" theo Điều 162 Bộ luật Hình sự.

"Để đánh giá thành phần, chất lượng sản phẩm phải có cơ sở khoa học chứng minh. Phòng thí nghiệm phải là phòng đạt chuẩn quốc gia, quốc tế. Kết quả phân tích xét nghiệm mẫu hàng tại những phòng thí nghiệm này là cơ sở cho người tiêu dùng khiếu nại".

Ông Đỗ Ngọc Chính (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Tư vấn về tiêu dùng, Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hương Nguyên (Kiến thức)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN