Khaisilk bội tín và mối nguy hàng Trung Quốc núp bóng

Sự kiện: Kinh Doanh

Một số doanh nghiệp Việt chỉ lo nhập hàng Trung Quốc về gắn mác hàng Việt bán kiếm lợi nhuận.

Vụ khăn lụa của thương hiệu nổi tiếng Khaisilk bị phát hiện vừa gắn mác “Made in Vietnam” vừa gắn mác “Made in China” khiến người tiêu dùng thất vọng, phẫn nộ.

Tuy nhiên, không chỉ Khaisilk lừa dối người tiêu dùng mà tình trạng hàng Trung Quốc (TQ) núp bóng hàng Việt để kiếm lợi bất chính cũng diễn ra khá phổ biến.

Khaisilk bội tín và mối nguy hàng Trung Quốc núp bóng - 1

Không ngóc đầu nổi vì hàng TQ

Nhận xét rằng hiện nay hàng TQ gắn mác Việt quá nhiều và vụ Khaisilk bán hàng “Made in China” nhưng nhập nhằng xuất xứ chỉ là cái kim trong bọc, ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty Minh Long Hưng, cho hay: Mấy ngày gần đây, khi khảo sát thị trường để chuẩn bị hàng hóa phục vụ cho mùa Tết, nhân viên kinh doanh của công ty báo về có đến 70% quần áo bán ở các kênh truyền thống là hàng TQ gắn mác Việt Nam và Thái Lan.

Để kiểm chứng độ chính xác của thông tin trên, ông Sinh đã đích thân đi mua một chiếc áo thun với giá 80.000 đồng. Dù chiếc áo thun này gắn mác hàng Việt nhưng với con mắt của người trong nghề, ông biết chắc 100% đó là hàng TQ.

“Gần đây người Việt e ngại, không dám mua hàng TQ vì chất lượng kém, nguy cơ độc hại cao. Do vậy hàng TQ giấu nguồn gốc xuất xứ, không dám để mác “Made in China” nữa. Khách hàng chỉ phát hiện được đó là hàng TQ khi người bán sơ hở cắt không hết mác. Doanh nghiệp (DN) của tôi thuộc diện nhỏ, vậy mà để xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối… cũng phải bỏ ra hơn 10 tỉ đồng. Nhưng chúng tôi không ngóc đầu lên nổi vì không cạnh tranh lại với kiểu làm ăn chụp giật, lấy mác hàng Việt gắn vào hàng TQ để che giấu nguồn gốc xuất xứ” - ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty Minh Long Hưng, bức xúc.

Không riêng mặt hàng quần áo thời trang mà rất nhiều sản phẩm như trái cây, dầu gội, bột giặt, bột nêm... của các thương hiệu nổi tiếng cũng bị làm giả từ TQ và gắn mác Việt Nam.

Khaisilk bội tín và mối nguy hàng Trung Quốc núp bóng - 2

Sau khi bị phát hiện bán hàng “Made in China” nhưng nhập nhằng xuất xứ, cửa hàng Khaisilk (ảnh lớn) tại TP.HCM đóng cửa. Ông chủ Khaisilk Hoàng Khải (ảnh nhỏ) thừa nhận bán khăn “Made in China” và cúi đầu xin lỗi. Ảnh: HOÀNG GIANG

TQ làm giả hàng Việt xuất khẩu

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cảnh báo một hiện tượng rất đáng lo ngại. Đó là gần đây đã xuất hiện tình trạng hàng TQ làm giả xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế và hưởng lợi nhuận cao.

“Đây thực chất là một hình thức gian lận thương mại, lẩn trốn thuế tinh vi của công ty nước ngoài móc ngoặc khi bị các thị trường lớn đánh thuế chống bán phá giá cao. Đây cũng là hiện tượng biến tướng của đầu tư nước ngoài với nhiều hành vi lẩn tránh thuế do chính công ty nước ngoài thực hiện” - TS Hiếu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, TS Hiếu cũng chỉ rõ có sự tiếp tay của một số công ty Việt Nam. Theo đó, các công ty này nhập khẩu hàng hóa nguyên kiện, thậm chí sản phẩm hoàn thiện từ TQ vào Việt Nam rồi đóng mác “Made in Vietnam” và xin giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam xuất sang một số nước nhằm lẩn trốn thuế.

“Điều này ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh trong nước. Bởi một số DN Việt chỉ lo nhập hàng TQ về gắn mác hàng Việt bán kiếm lợi nhuận. Trong khi đó, các DN Việt làm ăn chân chính phải đầu tư tiền bạc, trí tuệ, công sức xây dựng nhà máy, tạo việc làm cho lao động trong nước, nộp nguồn thuế cho ngân sách lại bị cạnh tranh cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Đại diện một số DN còn than phiền gần đây người TQ còn trực tiếp đầu tư vào Việt Nam, qua Lào, Campuchia… và dán mác của những nước này xuất khẩu đi các nước để né thuế. Thậm chí hàng TQ dán nhãn hàng Thái, chui vào hội chợ Thái Lan tổ chức ngay tại Việt Nam.

Hạ đo ván doanh nghiệp chân chính

Doanh nhân Việt Nam nhập hàng TQ về rồi dán mác hàng Việt bán vì giá rẻ, trốn được thuế. Chính điều này giết dần sản xuất trong nước, làm giảm sút niềm tin người tiêu dùng với hàng Việt.

“DN làm ăn chân chính chắc chắn bị vạ lây trước tình trạng hàng TQ núp bóng hàng Việt. Đây là đánh tráo khái niệm, gian lận, lừa đảo khách hàng và người tiêu dùng để trục lợi. Do đó, cơ quan nhà nước phải giải quyết triệt để vấn nạn này, có như vậy những DN làm ăn đàng hoàng mới phát triển đươc” - ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty Minh Long Hưng, đề nghị.

Tương tự, đại diện Công ty Bóng đèn Điện Quang đề nghị nói việc thông tin về nguồn gốc hàng hóa không rõ ràng, gây hoang mang cho người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng đến các DN uy tín. “Chúng tôi mong muốn Nhà nước cần đưa ra rào cản kỹ thuật để hạn chế hàng kém chất lượng hoặc hàng mua từ TQ về rồi dán mác hàng Việt” - đại diện Công ty Bóng đèn Điện Quang nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng bản thân các DN Việt Nam làm ăn chân chính cũng phải có biện pháp tự bảo vệ mình bằng cách đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, minh bạch các thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng, sản phẩm, kênh phân phối… để người tiêu dùng tin tưởng. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong quá trình điều tra hành vi sản xuất, tiêu thụ hàng giả mạo nhãn hiệu Việt.

Qua mặt cơ quan chức năng (?)

Theo luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, nhiều DN Việt chủ động sang TQ đặt hàng rồi “đàng hoàng” đi vào bằng cửa chính ngạch nhập vào nước ta. Sau đó tháo mác “Made in China”, gắn vào mác “Made in Vietnam”.

“Bên cạnh đó còn có tình trạng DN Việt đặt hàng rồi dán nhãn hàng Việt Nam ngay tại cơ sở sản xuất bên TQ, sau đó đi theo đường tiểu ngạch vào nội địa để ăn chênh lệch giá” - ông Xoa nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tú Uyên - Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN