Hàng trăm ngư dân làm “chui” cho tàu cá TQ

Tình trạng ngư dân, lao động phổ thông tại một số huyện ven biển ở Thanh Hoá đi làm “chui” cho tàu cá Trung Quốc đã đến mức báo động.

Trong văn bản gửi Tổng cục Thuỷ sản, về số người đi làm “chui” cho tàu cá Trung Quốc, Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hoá khẳng định có 162 ngư dân, còn báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh này khẳng định số lao động “chui” là 1.560 người.

Từng xảy ra chết người

Tính đến ngày 14.5.2013, toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.560 LĐ tập trung ở các huyện ven biển đi làm thuê trái phép tại Trung Quốc. Trong đó, huyện Hậu Lộc có 272 người, Hoằng Hóa có 275 người, TX.Sầm Sơn có 188 người, huyện Quảng Xương có 762 người, huyện Tĩnh Gia có 63 người. Số LĐ làm việc trên bờ là 1.512 người, LĐ làm việc trên tàu cá 48 người. Số người bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt, trục xuất về nước là 49 người. Có 5 LĐ “chui” bị chết; trong đó có 3 người chết do đắm tàu, 1 người chết vì đột tử và 1 người chết do bị dân Trung Quốc đánh (Nguồi: Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh).

Theo con số khảo sát của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh thì những LĐ làm việc trên bờ được trả với mức lương 4-6 triệu đồng/tháng; LĐ đánh bắt cá có mức thu nhập 8-10 triệu đồng/tháng. Song, điều đáng nói là tính mạng của những LĐ này có nguy cơ không được bảo đảm. Nếu xảy ra rủi ro, họ sẽ phải gánh chịu phần thiệt thòi về phía bản thân mình. Hơn thế, với số lượng lớn LĐ đi làm việc “chui” ở Trung Quốc đang đẩy các ngành chức năng lâm vào tình cảnh khó khăn trong quản lý nhân sự.

Những LĐ sang Trung Quốc làm việc “chui” chủ yếu thông qua con đường visa du lịch hoặc thông qua anh em, bà con rồi xuống tàu đi đánh cá tự do cho các ông chủ Trung Quốc. Những vấn đề liên quan đến chế độ, tiền lương, tiền công, hai bên tự ý thỏa thuận mà phần thiệt luôn đứng về phía NLĐ. Mục đích của cư dân ven biển Thanh Hóa lên tàu ngư dân Trung Quốc đánh cá thuê ngoài việc được hưởng mức lương khá cao, họ còn nhắm vào mục đích học hỏi kinh nghiệm nghề nghiệp tiên tiến như kéo lưới đôi, lưới rê hỗn hợp. Song, do thiếu hiểu biết nên NLĐ đang tự đánh cược tính mạng của mình vì miếng cơm manh áo.

Và thực tế đã từng xảy ra sự việc đau lòng. Năm 2012, có 5 LĐ sang Trung Quốc làm việc “chui” bị tử nạn, trong đó có 3 người chết trên biển. Những nạn nhân chết do đắm tàu gồm các anh: Nguyễn Văn Đông (SN 1979), Phạm Văn Mùi (SN 1979), Bùi Văn Đại (SN 1979), cả ba LĐ này đều trú tại huyện Hậu Lộc.

Hàng trăm ngư dân làm “chui” cho tàu cá TQ - 1

Các tàu cá của Thanh Hóa chỉ giải quyết được nhu cầu việc làm cho một bộ phận LĐ. Ảnh: Anh Tuấn

Cụ thể, vào tháng 3.2011, anh Phạm Văn Mùi, và vợ là Triệu Thị Huệ làm hộ chiếu phổ thông sau đó cùng nhau sang Trung Quốc qua con đường cửa khẩu Móng Cái kiếm việc làm. Cặp vợ chồng này tới xã Khay Thau, huyện Cay Đa Luống (tỉnh Quảng Đông). Tại đây, chị Huệ đi rửa bát thuê, sau đó được nhận vào bóc tôm cho Cty Giang Chung với mức lương tính theo sản phẩm đạt khoảng 2.000NDT/tháng (khoảng 6 triệu đồng). Về phần mình, anh Mùi đi đánh bắt hải sản trên biển cho các chủ tàu Trung Quốc với mức thu nhập 6-9 triệu đồng.

Tương tự, vợ chồng anh Nguyễn Văn Đông - Nguyễn Thị Hạnh, Bùi Văn Đại - Nguyễn Thị Mùi cùng sang địa phương nêu trên vào tháng 7.2011 và tháng 1.2012. Cả ba người đàn ông đều đi đánh cá trên biển. Và trong chuyến đi biển định mệnh khởi hành ngày 31.1.2012, biển đã vĩnh viễn cướp đi sinh mạng của ba người đàn ông Việt Nam. Vào ngày 2.2.2012, khi 14 LĐ trên con tàu của ông chủ Tham Dốt (trú xã Khay Thau) đang đánh bắt hải sản thì sóng to, gió lớn ập đến đánh chìm. Cả 14 nhân mạng đều trôi dạt trên biển, may mắn có 4 người Trung Quốc được một tàu bạn cứu sống. 10 người còn lại, trong đó có anh Mùi, Đông, Đại đã vĩnh viễn vùi xác ngoài biển khơi.

Cơ quan nhà nước kêu khó quản lý

Tại công văn của Sở NNPTNT báo cáo Tổng cục Thủy sản khẳng định, việc NLĐ sang Trung Quốc làm việc “chui” là hành vi bất hợp pháp, vi phạm các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng này là vô cùng khó khăn. Sở NNPTNT đã có văn bản gửi 6 huyện, thị ven biển yêu cầu ngăn chặn việc tham gia LĐ, đánh bắt hải sản trái phép của ngư dân tỉnh Thanh Hóa cho các chủ tàu cá Trung Quốc. Chủ động tuyên truyền để người dân hiểu về điều kiện cần thiết khi tham gia xuất khẩu LĐ. Phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, khuyến khích ngư dân đi làm việc thuê trên các tàu cá Trung Quốc...

Mặt khác, các DN, chủ tàu khai thác hải sản trong nước cũng cần xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trên biển theo định mức hiện hành của Nhà nước để trả công LĐ tương xứng với kết quả của NLĐ đặc thù trên biển. Được biết, hiện nay UBND tỉnh đang giao cho Sở LĐTBXH phối hợp với các đơn vị liên quan đưa ra giải pháp nhằm thu hút các DN về đầu tư kinh doanh tại các huyện ven biển nhằm thu hút lực lượng LĐ với hàng trăm nghìn người. Nhưng đây đang là câu chuyện của tương lai, hiện tại, vấn đề quản lý, theo dõi đối với số LĐ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê đang gặp rất nhiều khó khăn.

Chiều 15.5, làm việc với PV, đại tá Lê Minh Chương - Trưởng phòng trinh sát Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh (BĐBP) - cho biết: Không phải tới thời điểm này, mà từ mấy năm nay BĐBP vẫn đang theo dõi sát hoạt động của ngư dân ven biển. Tuy nhiên để ngăn chặn tình trạng LĐ sang Trung Quốc đi làm tự do gặp rất nhiều khó khăn. Bởi đa phần, NLĐ sang bên kia biên giới đều không báo cáo chính quyền địa phương. Cũng theo đại tá Chương thì việc người dân ven biển đi làm thuê cho các tàu cá Trung Quốc cũng như làm việc cho các DN trên đất liền đơn thuần chỉ là vì cuộc sống mưu sinh. Vì không chỉ có BĐBP mà ngay cả lực lượng chức năng của Trung Quốc cũng truy lùng gắt gao những LĐ nhập cư bất hợp pháp để tham gia đánh bắt hải sản thuê cho chủ tàu bản địa. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Tuấn (Báo Lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN