Gỡ “nợ xấu” cho ngành nông sản

Các DN cà phê, thủy sản... cho rằng, do một thời gian dài phải chịu lãi suất cao (17%), trong khi xuất khẩu nông sản khó khăn nên các DN đã lâm vào tình trạng nợ đọng lớn.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám ngày 15/8 cho biết, Bộ này đang đánh giá lại các doanh nghiệp (DN) nông sản có vay vốn ngân hàng, phân tích xử lý nợ theo lộ trình Ngân hàng Nhà nước đưa ra để sớm giải quyết vấn đề nợ xấu của các DN ngành này.

Trước đó, các DN cà phê, thủy sản... cho rằng, do một thời gian dài phải chịu lãi suất cao (17%), trong khi xuất khẩu nông sản khó khăn nên các DN đã lâm vào tình trạng nợ đọng lớn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Viết Mạnh- Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định: Việc nói lãi suất cao gây khó cho DN xuất khẩu thời gian qua chưa hẳn đã "chuẩn". Lý do là xuất khẩu nông sản (mua-bán xuất khẩu) chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Các DN đã phải tính toán hết các chi phí, có lãi thì mới làm nên không thể nói lãi suất cao đẩy DN vào tình cảnh nợ xấu.

Gỡ “nợ xấu” cho ngành nông sản - 1

Các DN đã phải tính toán hết các chi phí, có lãi thì mới làm nên không thể nói lãi suất cao đẩy DN vào tình cảnh nợ xấu.

Ông Nguyễn Tiến Đông - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng NNPTNT cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng, lãi suất cao chỉ là tác nhân rất nhỏ trong việc các DN cà phê, cá tra nợ xấu. Nguyên nhân theo ông Đông là do các DN cà phê VN kinh doanh trên sàn nhưng lại không cạnh tranh được với DN ngoại nên đã bị thua lỗ. Chưa kể, hầu hết các DN có nợ xấu đã dùng tiền không đúng mục đích mới dẫn đến rủi ro, kể cả cà phê, cá tra, basa; còn nếu chỉ thu mua chế biến xuất khẩu nông sản đơn thuần thì không đến nỗi phải lâm vào nợ xấu. Ông Đông ví dụ, nhiều DN đã phải lấy nợ nuôi nợ, vay ngoài lãi suất cao để bù vào các khoản kinh doanh thua lỗ; có DN còn đầu tư cả vào bất động sản... tất cả dẫn đến vỡ nợ, nợ khó đòi...

Thực tế, nếu không được gia hạn, dãn nợ thì nhiều DN xuất khẩu nông sản không thể sản xuất kinh doanh được nữa. Ông Mạnh cho biết, ngân hàng hiện đã cho ngành cà phê vay vốn để tái canh cây cà phê trong 3 năm, xem như một cách "cứu" ngành cà phê. Tới đây các tỉnh trồng cà phê như Lâm Đồng, Đăk Lăk sẽ ký các chương trình vay vốn mới.

Thứ trưởng Tám cũng cho rằng, cũng nên nhìn nhận khách quan khó khăn của các DN xuất khẩu nông sản. Do một thời gian dài khó xuất khẩu nên DN bị đọng hàng, không có tiền. Hiện giá các mặt hàng như cà phê, cá tra, thịt... đã tăng lên, thị trường có triển vọng nên nếu được kiên trì cơ cấu lại nợ và thúc đẩy xuất khẩu thì các DN nông sản của VN sẽ vượt qua được khó khăn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Nguyễn (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN