Giá trị thực của sữa dê Danlait vẫn là ẩn số
Khi phóng viên gợi ý mang sản phẩm đi kiểm nghiệm thêm tại một đơn vị thứ 3 để đảm bảo tính minh bạch và công bằng, giám đốc công ty Mạnh Cầm - Đặng Quang Mạnh cho rằng: việc đó không cần thiết.
Trước đó, trên các diễn đàn thông tin, sản phẩm thực phẩm bổ sung sữa dê Danlait liên tục có những chia sẻ về việc nhập nhèm nhãn mác và xuất xứ. Trong khi công ty TNHH Mạnh Cầm – đơn vị nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam khẳng định sản phẩm có nguồn gốc từ Pháp, một số ý kiến cho rằng nó có xuất xứ từ Trung Quốc, gây hại cho sức khỏe trẻ nhỏ.
Sự việc ngày càng rắc rối khi việc kiểm nghiệm chất lượng sữa được viện Pasteur công bố không đạt chuẩn. Tuy nhiên, sau đó viện này lại đính chính việc kiểm định có “nhầm lẫn”.
Sáng nay, trong cuộc họp báo, ông Đặng Quang Mạnh - Giám đốc Mạnh Cầm khẳng định: sản phẩm thực phẩm bổ sung sữa dê Danlait đã được chứng thực là sản phẩm xuất xứ từ Pháp. Công ty FIT tại Pháp đặt hàng và xuất khẩu sang Việt Nam, do Mạnh Cầm độc quyền phân phối.
Về chất lượng của sản phẩm, vị giám đốc này đảm bảo sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn đăng ký trên nhãn mác và được Bộ Nông nghiệp - Nông lương - Lâm sản Pháp và Bộ Y tế Việt Nam cấp phép.
Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận, công ty đã mắc một số sai sót như cung cấp thông tin trên nhãn phụ chưa đủ và đã sửa chữa theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.
Đến nay, giá trị thực sản phẩm sữa dê Danlait vẫn là ẩn số
"Chúng tôi xin gửi lời xin lỗi tới quý khách hàng thời gian qua Công ty đã có thiếu sót trong việc ghi tem mác phụ và không làm chủ được thông tin để người tiêu dùng có lúc hiểu sai về sản phẩm. Chúng tôi tin tưởng tuyệt đối vào chất lượng sản phẩm của mình cũng như kết quả xét nghiệm sản phẩm của các cơ quan chức năng Pháp và Việt Nam", ông Mạnh bày tỏ.
Ông Mạnh cũng cho biết, những thông tin thiếu chính xác về sản phẩm sữa Danlait trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng nặng nề về uy tín cũng như kinh tế của Mạnh Cầm.
Giá sữa ở Việt Nam vẫn luôn là vấn đề nóng của thị trường tiêu dùng. Việc tăng giá sữa diễn ra thường kỳ trong năm, thậm chí là nhiều lần trong năm.
Từ đầu tháng 3 năm nay, các hãng sữa ngoại tăng giá khoảng 10-15%, sữa nội tăng 7-10%. Điều đáng nói là giá sữa tại Việt Nam chỉ tăng mà chưa khi nào giảm, dù đây là mặt hàng thuộc danh mục 14 mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý giá. Chưa kể, giá sữa tại Việt Nam theo đánh giá luôn cao hơn gấp nhiều lần so với nước ngoài.
Sữa dê Danlait được bán tại thị trường Việt Nam với giá 450.000 đồng/lon. Trong khi đó, sản phẩm này được bán tại Pháp là 4 Euros (hơn 100.000 đồng/lon). Trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin này, ông Herve Lanoe - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty FIT tại Pháp cho biết: không có giá 4 Euros. Tuy nhiên, mức giá cụ thể, ông này lại không tiết lộ.
"Giá sản phẩm phụ thuộc vào công thức để chế biến. Với sản phẩm sữa này thì giá không phải là 4 Euros. Mặt khác, giá thành sữa còn phụ thuộc vào nguyên liệu. Hiện nay, trên thế giới nguyên liệu về sữa đang khan hiếm, giá nguyên liệu rất cao nên giá của sữa Danlait không phải là 4 Euros", ông Herve Lanoe nói.
Khi phóng viên gợi ý mang sản phẩm đi kiểm nghiệm thêm tại một đơn vị thứ 3 để đảm bảo tính minh bạch và công bằng, giám đốc công ty Mạnh Cầm - Đặng Quang Mạnh cho rằng: việc đó không cần thiết.
"Sản phẩm Danlait được sản xuất tại Pháp và tuân thủ các quy định, kiểm định an toàn của Pháp và Việt Nam trước khi đến tay người tiêu dùng. Sản phẩm của chúng tôi là sản phẩm hoàn toàn đảm bảo chất lượng. Chính vì thế việc đưa đến một cơ quan kiểm nghiệm thứ 3 để làm các xét nghiệm là không cần thiết", ông Mạnh nhấn mạnh.
Thời gian vừa qua, dư luận đã liên tục phản ánh và đề cập đến câu chuyện sữa dê nhập khẩu mang nhãn hiệu Danlait xuất hiện trên thị trường Việt Nam, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Điều này đã khiến khá nhiều người tiêu dùng tỏ ra hoang mang và đặt câu hỏi về sự thực của vụ việc. Ngay sau đó, đội Quản lý thị trường số 12 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã có buổi làm việc tại trụ sở của Công ty TNHH Mạnh Cầm - đơn vị phân phối độc quyền sản phẩm này tại Việt Nam. Sau khi kết thúc buổi làm việc, quản lý thị trường đã quyết định thu giữ hơn 6.000 lon sản phẩm để xác minh, làm rõ. Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí tại buổi họp báo mới đây của Bộ Công Thương, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường cho biết, Công ty TNHH Mạnh Cầm đã mắc phải rất nhiều sai phạm. Trong đó có sai phạm về dán nhãn trên sản phẩm sữa. |