Giá rau xanh tại Đà Nẵng tăng chóng mặt sau mưa lũ lịch sử

Trận lũ lịch sử vừa qua đã khiến các vùng trồng rau tại Đà Nẵng thiệt hại nặng. Nguồn rau xanh thiếu hụt trong khi nhu cầu của người dân tăng khiến giá rau tăng mạnh

Nguồn cung rau xanh tại các chợ truyền thống phục vụ người dân Tp.Đà Nẵng đến chủ yếu từ tỉnh Quảng Nam và một phần đến từ các làng rau trên địa bàn thành phố. Một số ít đến từ tỉnh Gia Lai, Quảng Ngãi.

Những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lớn, các làng rau tại tỉnh Quảng Nam cũng như Tp.Đà Nẵng ngập chìm trong nước.

Cụ thể, theo thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Tp. Đà Nẵng, trận mưa lịch sử tối 14/10 đã làm hư hại 50,6 ha rau màu trên toàn thành phố. Trong đó, quận Cẩm Lệ 14,2 ha, Ngũ Hành Sơn 12 ha, huyện Hòa Vang 24,4 ha. Các vùng rau tại tỉnh Quảng Nam như huyện Thăng Bình, huyện Đại Lộc cũng tương tự.

Chia sẻ với báo Công Thương, ông Bùi Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Rau Túy Loan (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) cho biết mưa lớn đêm 14/10 đã “nhấn chìm” làng rau. “Đến hết ngày 15/10 chúng tôi vẫn chưa vào khu trồng rau được do nước còn lớn”, ông Dũng thông tin.

Còn tại làng rau La Hường (quận Cẩm Lệ), ông Trần Văn Hoàng, Chủ nhiệm Hợp tác xã rau La Hường cho biết hơn 7,5 ha rau màu của bà con bị nước nhấn chìm. “May mắn là chúng tôi đã kịp thu hoạch phần lớn rau nên chỉ hư hại khoảng hơn 2 ha rau muống và hơn 1 ha rau màu khác”, ông Hoàng cho biết.

Nguồn rau xanh thiếu hụt, giá rau xanh cũng theo đó mà tăng mạnh. Ngày 17/10, ghi nhận của VietNamNet tại các chợ ở TP. Đà Nẵng cho thấy giá rau xanh đồng loạt tăng.

Lượng rau xanh tại các chợ ít hơn so với ngày thường. Ảnh: VietNamNet

Lượng rau xanh tại các chợ ít hơn so với ngày thường. Ảnh: VietNamNet

Tại các chợ truyền thống như chợ Cồn, chợ Đống Đa (quận Hải Châu), chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu),... lượng rau xanh ít hơn so với ngày thường. Giá rau thì tăng mạnh từ 50%, thậm chí gấp đôi so với ngày thường. Cụ thể như rau muống, rau mùng tơi, rau ngót ngày thường có giá từ 10.000 đến 15.000 đồng/bó nay lên đến 20.000 đến 25.000 đồng/bó; rau khoai 10.000 đồng/bó nay có giá bán 15.000 đồng; giá các loại rau thơm cũng tăng mạnh từ 40.000 đồng/kg tăng lên 80.000 đồng/kg; cà chua tăng giá thêm 5.000 đồng/kg...

Trong khi đó, các mặt hàng lagim như bầu, bí đao, bí đỏ, khoai tây, mướp đắng, súp lơ, cải bắp,... giá tăng khoảng 3.000-5.000 đồng/kg. Tại các siêu thị, giá rau xanh cũng ghi nhận tăng nhẹ và giảm số lượng so với ngày thường do nguồn cung gián đoạn cục bộ.

Bà Nguyễn Thị Dung (một hộ trồng rau tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cho hay: "Một luống rau trung bình thu hoạch 50 bó cải thì bây giờ chỉ vớt vát được 10 bó, còn lại ngập úng và hư hại. Vì vậy, giá rau những ngày này tăng khá cao nhưng người trồng như chúng tôi cũng chẳng vui vẻ gì".

Bà Mai Thị Cam (55 tuổi, tiểu thương hàng rau chợ Đống Đa), cho biết, sau lũ, rau xanh tại các làng rau trên địa bàn thành phố bị hư hỏng, dẫn tới khan hiếm nguồn rau xanh.  Để đáp ứng nhu cầu của người dân, một số loại củ, quả và nông sản từ Đà Lạt và Gia Lai được nhập về thêm. Tuy nhiên, do vận chuyển đường xa, giá cước cao nên giá thành nhích lên so với ngày thường.

"Các làng rau ở thành phố ngập hư hết nên không có bán, giá rau giờ tăng lên. Bây giờ chủ yếu các quán nhậu, quán ăn lấy rau chứ người mua lẻ hầu như không chọn mua rau, hoặc mua số ít vào những ngày này", bà Cam nói.

Giá tăng khiến nhiều người dân khi đi chợ mua rau cũng phải “nâng lên đặt xuống”. Chị Hoàng Thị Chiến (ngụ quận Hải Châu) chia sẻ: “Giá nhiều loại rau bây giờ đắt gấp đôi. Bình thường rau là thứ dễ mua, dễ ăn nhất nhưng nay không dám mua nhiều vì giá quá cao. Sáng nay, tôi mua bó rau ngót nhỏ 25.000 đồng, đắt quá nên hạn chế ăn rau vậy”.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa và phục vụ vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, Sở đã đề nghị Cục Quản lý thị trường TP tăng cường công tác kiểm tra, xử lý bình ổn giá thị trường, không để xảy ra trường hợp găm hàng, trục lợi do mưa lũ.

Bên cạnh đó, quán triệt ban quản lý các chợ tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh, hộ tiểu thương họp chợ, không lợi dụng mưa lũ để đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý. Ban quản lý các chợ, theo dõi, giám sát hàng hóa tại chợ, phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm các trường hợp tiểu thương có hành vi găm hàng chờ tăng giá hoặc lợi dụng mưa lũ để nâng giá bất hợp lý.

Các đơn vị siêu thị, trung tâm thương mại, các đầu mối cung ứng hàng hóa thiết yếu tăng cường dự trữ hàng hóa, không để xảy ra trường hợp tăng giá đột biến hay khan hiếm hàng hóa, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Đặc biệt đề nghị các đơn vị đầu mối sẵn sàng bố trí con người, phương tiện để cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, nhu yếu phẩm, lương thực... nhằm kịp thời ứng cứu cho người dân tại các khu vực bị chia cắt khi có yêu cầu huy động từ thành phố và các địa phương.

Nguồn: [Link nguồn]

Khó đỡ với giá mít Thái và sầu riêng ở miền Tây

Mặc dù cùng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhưng giá mít Thái và sầu riêng ở miền Tây lại tăng, giảm khác nhau.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hoa ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN