Giá gạo xuất khẩu tăng, có nên trồng thêm lúa?

Theo các chuyên gia, ngành trồng lúa cần giữ sản lượng, tăng chất lượng, giảm chi phí sản xuất để người nông dân có lợi nhuận tốt hơn.

Mới đây, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) thông tin kế hoạch nâng diện tích lúa thu đông (vụ 3) ở ĐBSCL từ 650.000 ha lên 700.000 ha (tức tăng 50.000 ha) để đón thời cơ giá gạo xuất khẩu tăng và nhu cầu tiêu thụ tăng.

Nên tập trung tăng chất lượng gạo

Theo tính toán của Cục Trồng trọt: Với năng suất trung bình 5,7 tấn/ha vụ ở vụ thu đông, nếu tăng thêm 50.000 ha, sẽ có thêm khoảng 325.000 tấn lúa, tương đương khoảng 200.000 tấn gạo để tăng cường xuất khẩu. Với giá xuất khẩu gạo như hiện nay, việc tăng thêm 50.000 ha lúa thu đông có thể đem về hơn 100 triệu USD.

Điều kiện tự nhiên thuận lợi nên nhiều vùng ở ĐBSCL có thể trồng ba vụ lúa mỗi năm. Ảnh: HD

Điều kiện tự nhiên thuận lợi nên nhiều vùng ở ĐBSCL có thể trồng ba vụ lúa mỗi năm. Ảnh: HD

Ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt, cho biết việc khuyến cáo tăng diện tích trồng lúa vụ 3 là vì giá lúa tăng, người nông dân hưởng lợi. Tuy nhiên, tùy vào thổ nhưỡng, diện tích có thể trồng lúa của các địa phương mới có thể tăng thêm.

Theo Bộ NN&PTNT, đến thời điểm này tổng diện tích gieo trồng lúa của nước ta năm 2023 vẫn đảm bảo đạt 7,1 triệu ha, sản lượng 43-43,5 triệu tấn lúa (tương đương với 27-28 triệu tấn gạo) tăng trên 452.000 tấn lúa so với năm 2022. Sản lượng lúa sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và xuất khẩu.

Ông Đinh Minh Tâm, Phó Giám đốc Công ty Cỏ May, cho rằng cơ quan quản lý hay chính quyền địa phương chỉ có thể khuyến cáo, thông tin còn việc tăng thêm diện tích trồng lúa phụ thuộc chính vào nông dân. Lúa được giá, lợi nhuận nhiều thì họ sẽ tự tăng thêm diện tích.

Lúc này, các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu, đánh giá kỹ về nhu cầu thị trường trong thời gian tới để đưa ra thông tin định hướng cho doanh nghiệp (DN), nông dân.

Ông Tâm cho biết với điều kiện tự nhiên thuận lợi nên nhiều vùng ở ĐBSCL có thể trồng ba vụ lúa mỗi năm. Tuy nhiên, không phải tỉnh nào cũng trồng được, thậm chí trong một tỉnh có huyện trồng được vụ 3, có huyện không. “Thực tế năng suất lúa thu đông nhiều vùng trồng không hiệu quả, gặp nhiều rủi ro” - ông Tâm chia sẻ.

GS-TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, đánh giá ngành nông nghiệp khuyến cáo tăng thêm diện tích trồng lúa vụ 3 bởi đây là cơ hội rất tốt cho hạt gạo Việt Nam trong bối cảnh các nước ở khu vực châu Á đều bị ảnh hưởng bởi hiện tượng El Niño và biến đổi khí hậu. Thế nhưng khi tăng vụ, trồng lúa cao sản thì ắt phải sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Chi phí vật tư lớn mà giá lúa gạo không cao khiến lợi nhuận của nông dân thấp, gặp lúc mất giá thì lỗ.

Do đó, theo GS Tòng Xuân, tăng sản lượng không quan trọng bằng việc tăng chất lượng hạt gạo, giảm chi phí sản xuất để nông dân vừa bán được giá lúa cao vừa thu được nhiều lợi nhuận hơn và bền vững hơn.

GS Tòng Xuân nhận định DN, địa phương phải cùng hợp tác xây dựng kế hoạch sản xuất, đầu tư cho nông dân. Khi trồng lúa cần làm sao cho ít sâu bệnh; sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh hiệu quả để cho năng suất cao nhất và làm ra hạt gạo tốt nhất. Nông dân cũng phải thay đổi, không sản xuất manh mún, nhỏ lẻ mà buộc phải hợp tác với nhau, hình thành các hợp tác xã, các chuỗi cung ứng nguyên liệu lúa tốt nhất cho DN.

Nghịch lý giá gạo xuất khẩu và trong nước

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết giá lúa tươi một số giống hiện ở mức 7.800-8.000 đồng/kg, tăng trên 1.000 đồng/kg so với đầu tháng. Chưa bao giờ giá lúa tăng nhanh, tăng cao như vậy và nông dân đang hưởng lợi.

Ông Bình cho rằng nghịch lý là giá lúa trong nước tăng cao nhưng giá xuất khẩu tăng không tương xứng khiến các DN xuất khẩu gạo gặp khó khăn. “Với giá lúa tươi 8.000 đồng/kg thì giá gạo (loại gạo trắng 5% tấm) phải có giá bán 670-680 USD/tấn DN mới có lợi nhuận. Trong khi thực tế giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có tăng nhưng chỉ ở mức 620-630 USD/tấn, nếu ký bán giá này thì DN sẽ thua lỗ” - ông Bình nêu quan điểm.

Ông Bình cũng cho rằng giá lúa trong nước đang tăng kiểu do tâm lý, được các thương lái “thổi giá”. Vì hiện nay đầu ra xuất khẩu gặp khó, các DN không dám ký hợp đồng mới, tạm ngưng xuất vì lo giá lúa tăng nữa mua vào là lỗ.

“DN tập trung đàm phán hợp đồng cũ với khách hàng kéo dài thời gian giao hàng, có thể vào đầu năm sau. Còn các hợp đồng mới đã lỡ ký, với giá lúa trong nước tăng vượt giá xuất khẩu cũng phải thương thảo lại với khách hàng giao hàng vào vụ thu hoạch đông xuân” - ông Bình nhận định.

Theo phân tích của ông Đinh Minh Tâm, Phó Giám đốc Công ty Cỏ May, giá lúa gạo thế giới sẽ giảm khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm, hạn chế xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Giá lúa gạo hiện nay tăng vì lúc này chỉ có Việt Nam đang thu hoạch vụ hè thu, đúng lúc Ấn Độ ngừng xuất khẩu.

Tuy nhiên, vài tháng tới khi các nước như Thái Lan, Ấn Độ vào vụ thu hoạch cuối năm, khi đó Việt Nam cũng thu hoạch vụ thu đông. Ngoài ra, có khả năng nguồn cung tăng, tồn kho do lệnh cấm xuất khẩu buộc Ấn Độ phải xuất khẩu gạo trở lại, khi đó giá gạo thế giới sẽ quay đầu giảm.

Vì vậy, theo ông Tâm, giá gạo sẽ tăng trong thời gian ngắn và sẽ giảm, đây là cơ hội nhưng DN phải theo dõi sát thị trường, tính toán để đàm phán ký hợp đồng sao cho có lợi, tăng liên kết nông dân với DN, giảm các trung gian thương lái. “Khi thị trường lên giá, DN và nông dân cùng chia lợi nhuận và khi thị trường xuống giá, các bên cùng nhau san sẻ rủi ro” - ông Tâm chia sẻ.

Tránh rủi ro, doanh nghiệp phải ký hợp đồng dài hạn

GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng: Để tránh rủi ro khi giá gạo tăng cao, DN cần ký hợp đồng xuất khẩu dài hạn với đối tác nhập khẩu. Ví dụ, ký các hợp đồng tương lai, xác định giá gạo tương lai. Trong các hợp đồng tương lai, có những điều khoản điều chỉnh giá lên xuống. Nếu có biến động, hai bên ngồi lại thỏa thuận để tránh bị thiệt hại.

“Điều này không chỉ có lợi cho DN mà cho cả người nông dân. Bởi nông dân sẽ hợp tác sản xuất, liên kết thành chuỗi cung ứng, doanh nghiệp có nguồn để xuất khẩu.

Ngành lúa gạo dù đã có nhiều DN đang làm tốt chuỗi liên kết với nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ. Thế nhưng vẫn còn tình trạng nông dân trồng tự phát, thương lái gom theo kiểu thương lái, DN chờ thương lái thu gom.

Giá gạo trong nước tăng nhanh trong thời gian gần đây. Ảnh: TÚ UYÊN

Giá gạo trong nước tăng nhanh trong thời gian gần đây. Ảnh: TÚ UYÊN

Nguồn: [Link nguồn]

Giá gạo tăng cao nhất trong 15 năm, đại lý không dám nhập thêm hàng để bán

“Từ trận lụt lịch sử của Hà Nội năm 2008 đến giờ, đây là thời điểm giá gạo tăng nhanh nhất và cao nhất. Tôi không dám nhập thêm hàng để bán”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN