Giá cả tăng phi mã, mua bánh mì cũng phải đắn đo

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Người Đức có lý do chính đáng để lo lắng về giá tiêu dùng tăng. Với lạm phát ở mức cao nhất trong 30 năm qua, những người thiếu thốn nhất ở nước này sẽ là người bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đó là một ngày mưa và lạnh giá trong tháng Giêng, không phải là điều kiện dễ chịu cho các tình nguyện viên đang chờ đợi dưới lều dựng bên ngoài Bonner Tafel, một cửa hàng thực phẩm ở thành phố Bonn, miền Tây nước Đức. Tuy nhiên, nhiệt độ lạnh như vậy là điều kiện lý tưởng cho rau và các sản phẩm tươi sống khác mà họ thu thập trước đó từ các siêu thị xung quanh. Không đủ độ tươi để bán ở chợ, những loại thức ăn thừa sẽ sớm được phân phát miễn phí cho những người dân nghèo khó, bao gồm cả những người hưu trí, các gia đình trẻ và những người thất nghiệp đang cố gắng kiếm sống.

Giá cả tăng phi mã, mua bánh mì cũng phải đắn đo - 1

Các số liệu vừa công bố cho thấy, trong tháng 2 năm nay, tỷ lệ lạm phát tại Đức đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này trái ngược hoàn toàn với năm 2020, khi lạm phát Đức chỉ đạt mức 0,5% và cao hơn đáng kể so với mục tiêu lạm phát 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đặt ra cho khu vực đồng euro, trong đó có nước Đức.

Giá tiêu dùng đang tăng phi mã trên toàn cầu. Đà leo thang của chi phí năng lượng được cho là một trong những nguyên nhân chính dù các lệnh hạn chế đi lại trong thời kỳ dịch bệnh gần được dỡ bỏ. Việc nguồn cung năng lượng hạn chế không bù đắp kịp sự gia tăng đột ngột trong nhu cầu đã khiến khủng hoảng “bão giá” ngày càng nghiêm trọng.

“Sẽ có những sự xáo trộn trên thị trường năng lượng, điều này là dễ hiểu. Giá cả sẽ tăng lên và người tiêu dùng chịu tác động rất nhiều”, ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) cho biết.

“Giá nhiên liệu tăng, chi phí vận tải cũng cao, nên nhiều loại hàng hóa cũng tăng giá theo. Không chỉ ở trạm xăng, mà ngay cả khi đi siêu thị, người tiêu dùng cũng sẽ cảm thấy họ phải chi nhiều hơn cho những nhu cầu cơ bản”, ông Dirk Engelhardt, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp, Vận tải và Logistics Đức nói.

Điều này chắc chắn sẽ gây ra thêm nhiều khó khăn cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khi cơ quan này đang nỗ lực điều chỉnh lại các dự báo kinh tế để đối phó với các hệ lụy do căng thẳng Nga-Ukraine gây ra. Từ chỗ chỉ cần tập trung vào việc rút gọn các chương trình kích thích kinh tế, giờ đây ECB cần phải đánh giá kỹ lưỡng hơn các tác động kinh tế từ cuộc xung đột địa chính trị, nhất là khi nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn.

“Mỗi lần đổ xăng là mất 100 euro, trong khi trước đó chỉ 80 euro. Dẫu vậy, 20 euro không ảnh hưởng đến tôi quá nhiều. Những người dân thu nhập thấp đến đây xin đồ ăn mới đáng lo cơ”, một tình nguyện viên của Tafel giải thích. “Giờ đây việc mua một cái bánh mì hay một lít sữa cũng cần phải cân nhắc để có thể tiết kiệm tiền.”

Báo The Guardian trước đó trích lời Isabella Weber, Phó Giáo sư kinh tế tại Đại học Massachusetts Amherst cho biết, lợi dụng lạm phát, rất nhiều các tập đoàn lớn có sức ảnh hưởng trên thị trường đã đẩy nhanh giá nhiều mặt hàng và thu lợi. Giới chức Đức sau đó đã phải áp đặt mức giá giới hạn cho một số loại thực phẩm, bao gồm đường, sữa bò và chân giò.

Nguồn: [Link nguồn]

Giá xăng dầu tăng, nhiều người chuyển sang xe điện

Khi các loại chi phí hàng hóa đồng loạt tăng mạnh theo giá xăng dầu, nhiều người tiêu dùng chủ động chuyển sang sử dụng các loại xe điện để tiết kiệm chi phí và góp phần...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huy Nguyễn (Theo DW) ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN