Giá 1kg lợn hơi chỉ bằng giá... bát phở

Chưa bao giờ giá lợn hơi xuất chuồng của bà con nông dân lại rẻ như hiện nay. Từ đầu tháng 3 đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm, từ 37.000 đồng/kg, xuống 32.000 rồi 30.000 đồng/kg - chỉ bằng giá 1 bát phở ở Hà Nội!

Càng nuôi càng lỗ

Hai xã Cát Quế và Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội) vốn nổi tiếng với nghề chăn nuôi lợn, những ngày này đi đến đâu cũng bắt gặp những tiếng thở dài ngao ngán của người chăn nuôi khi giá lợn đang giảm không phanh. Anh Hoàng Văn Cường ở xã Dương Liễu đã nuôi lợn hơn 10 năm nay, trung bình mỗi lứa anh nuôi 100 con, lúc nhiều khoảng 150 con, vậy mà ở thời điểm này anh đang hết sức lao đao.

Dẫn chúng tôi ra xem đàn lợn 90 con (khoảng 100 - 120kg/con), đã quá lứa xuất chuồng hơn tháng nay nhưng vẫn phải nuôi cố, anh Cường ngao ngán nói: “Đáng ra, đàn lợn này đã được xuất từ tháng trước, nhưng giá thấp quá, tuần trước tôi vừa phải bán 1 tấn lợn hơi giá chỉ có 31.000 đồng/kg. Nếu giá không tăng, càng nuôi càng lỗ, với giá lợn hiện nay cứ 100kg lợn hơi lỗ 600.000 - 800.000 đồng”. Cũng may nhà anh Cường chủ yếu nuôi lợn bằng thức ăn thừa xin được từ các nhà hàng, quán phở trên Hà Nội, nên còn đỡ tiền thức ăn.

Ông Cao Văn Tuyến - Phó phòng Kinh tế huyện Hoài Đức cho biết, huyện Hoài Đức hiện có khoảng 50.000 con lợn và khoảng 300.000 con gia cầm. Gần tháng nay, giá thức ăn tăng, trong khi đó giá lợn hơi liên tục giảm, dao động từ 32.000 - 37.000 đồng/kg tùy theo loại lợn. Gà cũng dao động từ 25.000 đồng/kg (gà trắng), 60.000 - 70.000 đồng/kg gà nuôi thả bộ.

“Với giá này, hầu hết người chăn nuôi đang lỗ, hoặc hòa nếu đi xin được đồ ăn thừa về nuôi” - ông Tuyến nói. Còn ông Mầu Tiến Dũng - cán bộ chăn nuôi, thú y xã Cát Quế cho hay: “Thực ra, giá thịt lợn trong những năm qua đã giảm liên tục, ngoại trừ năm 2011 có một đợt tăng đột biến. Với giá 1kg thịt lợn hơi mà chỉ mua được bát phở, nông dân chỉ có lỗ”.

Cũng giống tình trạng như ở Cát Quế, người chăn nuôi ở các xã Ngọc Lũ, An Nội (Bình Lục, Hà Nam) đang hết sức khốn đốn. Anh Nguyễn Văn Ba (đội 2, xã Ngọc Lũ) trước đây mỗi lứa nuôi khoảng 300 con lợn thịt, nhưng thời gian gần đây giá lợn hơi liên tục giảm, nên anh chỉ dám nuôi 200 con. “Chúng tôi đang rơi vào thế “tiến thoái, lưỡng nan”. Bán cũng lỗ, mà nuôi càng lỗ nặng. Với giá cám hiện nay, ít nhất giá lợn phải đạt 40.000 - 42.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới có lãi, chứ giá lợn 32.000 - 35.000 đồng/kg, nếu bán sẽ lỗ 600.000 - 700.000 đồng/tạ lợn hơi”.

Cám vẫn tăng giá

Ngược lại với giá thịt lợn hơi, thời điểm này đang xảy ra nghịch lý là giá cám vẫn tăng 20-30%, càng khiến người chăn nuôi thêm khốn khó. Ông Nguyễn Văn Toán ở thôn Đồng Tâm, xã Kim Long (Tam Dương, Vĩnh Phúc), đang nuôi 2.000 gà thịt, hết sức lo lắng khi giá gà thịt đã giảm từ 50.000 đồng/kg xuống còn 37.000 - 38.000 đồng/kg.

Cần phải bình ổn giá thức ăn chăn nuôi

Trao đổi với NTNN, đại biểu Quốc hội Võ Thị Dung (TP.HCM) nói: “Hiện người nông dân đang phải tự bơi trong cơ chế thị trường. Từ việc giá cả vật tư đầu vào như con giống, thức ăn, thuốc thú y cho đến đầu ra sản phẩm, chúng ta vẫn chưa có một cơ quan xuyên suốt để lo, quản lý, mà vẫn để thị trường chi phối, mặc cho người nông dân tự lo là chính”. Bà Dung đề xuất: “Chúng ta cần có chính sách để bảo hộ cho sản xuất nông nghiệp trong nước, chứ không thể cứ vin vào chuyện gia nhập WTO mà bỏ mặc được. Cụ thể, cần có chính sách bình ổn giá thức ăn, phân bón, giảm lãi suất vốn vay cho sản xuất nông nghiệp, thậm chí bằng 0% để kích thích sản xuất”.

Ngọc Lê (ghi)

Theo ông Toán, từ năm 2012 đến nay, giá cám đã tăng 150.000 đồng/bao 25kg. Cụ thể năm 2012, cám loại 25kg/bao có giá 270.000 đồng/bao, giờ 420.000 đồng/bao.

“Nghịch lý là giá cám liên tục tăng, giá lợn, gà thì giảm. Nếu theo đúng quy luật thị trường, giá lợn, gà xuất chuồng giảm thì giá cám cũng phải giảm theo. Đằng này, giá cám cứ tăng, còn giá lợn, gà liên tục giảm, cứ thế này các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như chúng tôi chỉ còn nước bỏ nghề” - ông Tâm nói.

Cũng như giá thức ăn cho gà, giá thức ăn cho lợn cũng tăng vùn vụt. Anh Hoàng Văn Kỳ ở đội 12B, xã Dương Liễu, đang nuôi 100 lợn thịt, đã đến kỳ xuất chuồng nhưng chưa dám bán vì giá thấp.

Anh Cường cho biết thêm, không chỉ giá cám công nghiệp tăng từ 400.000 lên 500.000 đồng/bao 25kg, mà giá bột sắn cũng tăng từ 1.600 đồng lên 2.200 đồng/kg; cám gạo tăng từ 6.000 lên 8.000 đồng/kg.

“Nếu Nhà nước không có giải pháp để can thiệp giúp giảm giá cám cho nông dân chúng tôi, thì chúng tôi còn chịu thua thiệt so với các doanh nghiệp ngoại” - anh Kỳ nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), trong thời gian gần đây, đàn lợn khôi phục chậm do người chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn, nhất là giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng trong khi giá các sản phẩm chăn nuôi giảm thấp.

Từ đó, các hộ gia đình đang có xu hướng giảm, điển hình tại tỉnh Quảng Nam, tổng đàn lợn giảm 12,1% so với cùng thời điểm điều tra năm 2012. “Chăn nuôi gia cầm cũng đang có xu hướng phát triển chậm lại do giá bán giảm, giá thức ăn tăng cao, người chăn nuôi không có lãi” - ông Dương nhận định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Tùng (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN