Gần một nửa cà phê 'dạo' không có... caffeine

Theo số liệu của Vinatas mới được công bố, khoảng 1/3 tổng số mẫu khảo sát cà phê tại một số tỉnh thành phố lớn của Việt Nam có rất ít hoặc thậm chí không có caffeine.

Người Việt tiêu thụ 16,8 tỷ ly cà phê/năm

Theo báo cáo về ngành cà phê Việt Nam do Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (xuất bản ngày 6/1/2016), niên vụ 2015/2016, tiêu thụ cà phê rang xay nội địa tại Việt Nam ước đạt 2,25 triệu bao, tương đương 135 triệu kilogram cà phê nguyên liệu (135,000,000 kilogram) (mỗi bao cà phê là 60 kilogram theo chuẩn của ngành cà phê quốc tế).

Dựa trên tiêu chuẩn của Specialty Coffee Association of America (Hiệp Hội Cà Phê Đặc Biệt Hoa Kỳ), để pha một ly cà phê 150ml cần trung bình từ 8 tới 8,5 gram cà phê hạt (cà phê nguyên liệu), tương ứng với 0,008 kilogram cà phê (nếu pha loãng) – 0,0085 kilogram cà phê (nếu pha đặc). Như vậy: 1 kilogram cà phê (nguyên liệu) nếu pha loãng có thể pha được: 1/0,008 = 125 ly cà phê; 1 kilogram cà phê (nguyên liệu) nếu pha đặc có thể pha được: 1/0,0085 = 118 ly cà phê.

Gần một nửa cà phê 'dạo' không có... caffeine - 1

Như vậy, với 135 triệu kilogram cà phê nguyên liệu, ta có thể pha chế được tối đa: 135.000.000 (kilogram cà phê) x 125 ly = 16,875 tỷ ly cà phê (nếu pha loãng).

Con số 16,875 tỷ ly cà phê này là dựa vào tiêu chuẩn pha cà phê espresso (ly nhỏ và đậm). Người Việt Nam có xu hướng pha chế cà phê với dung tích lớn hơn và pha loãng hơn để chế biến thành các loại thức uống khác nhau (như cà phê sữa, cà phê đá, vv). Như vậy, với 135 triệu kilogram cà phê nguyên liệu, số ly cà phê người Việt tiêu thụ còn có thể lớn hơn con số 16,8 tỷ ly cà phê này rất nhiều.

Cà phê không có... caffeine

Ngày 11/7 vừa qua, Hội Tiêu Chuẩn và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Việt Nam (Vinatas) đã công bố bảng báo cáo khảo sát cà phê trên thị trường một số tỉnh và thành phố trong thời gian qua. Sau 3 đợt khảo sát từ tháng 5 đến tháng 7/2016, trên các mẫu cà phê bột và cà phê nước tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Sóc Trăng và Lâm Đồng, kết quả cho thấy tổng cộng có tới 9 mẫu cà phê hoàn toàn không phát hiện hàm lượng caffeine.

Cụ thể, tháng 6-7/2016, trong 253 mẫu khảo sát thực hiện tại 4 tỉnh thành phố gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Sóc Trăng, có tới 05 mẫu không có caffeine đã được tìm thấy tại các quán cà phê nhỏ (quán cóc); căn tin bệnh viện; cà phê vỉa hè, cà phê bệt và xe đẩy. Kết quả khảo sát cũng cho thấy tới 1/3 tổng số mẫu khảo sát có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1g/lít). Theo kết quả khảo sát căn cứ trên địa điểm chọn mẫu cho thấy có gần một nửa (47,54%) các mẫu cà phê lấy từ các quán nhỏ, xe đẩy, vỉa hè, và căn tin bệnh viện, có hàm lượng caffeine rất thấp, thậm chí các mẫu tại các địa điểm cà phê bệt, xe đẩy thì hoàn toàn không có hàm lượng caffeine.

Trong tháng 5/2016 một khảo sát tiến hành nhanh trên 25 mẫu nước cà phê tại TP.HCM và Bình Dương cũng phát hiện 02 mẫu hoàn toàn không có caffeine.

Ngày 25/6/2016, Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng) công bố: có 02 mẫu không có hàm lượng caffeine trong 100 mẫu cà phê bột tại các cơ sở sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 28/100 mẫu có hàm lượng caffeine < 1,0% (không đạt yêu cầu).

Người Việt tiêu thụ 16,8 tỷ ly cà phê/năm và với kết quả công bố của Vinatas, có thể thấy con số đáng báo động về tình trạng cà phê không chứa caffeine hay hàm lượng caffeine rất nhỏ. Nói cách khác, người tiêu dùng Việt đang ngày ngày "thưởng thức" gần 50% những đồ uồng mang mác cà phê chứ không phải là cà phê tại các quán cà phê xe đẩy, căng tin bệnh viện và vỉa hè.

Tuyên chiến với cà phê "bẩn"

Liên quan tới vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm, Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm - trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Hiện nay có hai loại cà phê: cà phê nguyên chất 100% và cà phê độn ngũ cốc rang cháy. Việc độn đậu nành, bắp rang cháy vào cà phê hoàn toàn không độc. Nó giống việc bạn ăn cơm độn khoai, độn bắp vậy. Nhưng nếu người bán bán cà phê trộn đậu trộn bắp nhưng khẳng định họ bán cà phê nguyên chất 100% thì đó không còn là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mà là vấn đề gian lận thương mại. Chúng ta cần xác định đánh vào lỗi gì”.

“Chính thói quen uống cà phê pha sẵn, cà phê bột của người Việt tạo điều kiện cho gian lận thương mại phát triển vì có nhiều loại ngũ cốc rang lên màu sắc rất giống cà phê, vị cũng giống cà phê nhưng giá thành lại rẻ hơn cà phê thật rất nhiều. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn xảy ra ở nhiều nước khác. Cà phê mua ở lề đường rất rẻ, chỉ 3.000–6.000 đồng/ly so với giá bán 30.000–60.000 đồng/ly ở tiệm. Chính thói quen uống vị cà phê đậm đắng pha sẵn tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất cà phê độn chất thêm phụ gia để phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng”, ông Thịnh nhận định.

Nhằm giúp người tiêu dùng không rơi vào "ma trận" cà phê "bẩn", PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh khuyến nghị: “Phải thay đổi thói quen. Như các nước khác từng áp dụng, tất cả người bán cà phê nên được khuyến khích bán cà phê hạt đã rang, người mua có thể dễ dàng xác định đó có phải là cà phê thật hay không và xem quá trình rang xay tại chỗ. Áp dụng cách thức này sẽ tránh việc độn ngô, đậu nành vào, đảm bảo cà phê nguyên chất 100%. Nếu có lừa thì người bán chỉ lừa được những người uống cà phê tách ngoài đường”.

Còn theo chuyên gia William Robert Frith Jr, Chuyên gia quốc tế về kiểm soát chất lượng cà phê ở Mỹ, rất khó để nói về thị trường người tiêu thụ ở Việt Nam, vì họ thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, và sẽ đưa ra những nhận định khác nhau. Nhiều người không đủ khả năng để đánh giá chất lượng một ly cà phê “chuẩn”, vì vậy họ chỉ quan tấm đến giá cả. Vì quá tập trung vào giá thành thấp, nên nhiều công ty sản xuất đã “đi đường tắt” và làm cho sản phẩm của họ trở nên rẻ hơn – nghĩa là làm cắt giảm phần cà phê, hòa trộn với các loại hạt khác (bị rang cháy), hoặc thêm hương vị làm giảm chất lượng cà phê. Tất cả những điều này đều là hành vi tồi tệ, bởi nó tạo ra “sản phẩm cà phê” chứ không còn là cà phê thật nữa. Ví dụ: người tiêu dùng sử dụng sản phẩm có chất lượng thấp bị rang cháy quá nhiều, sẽ dẫn đến nhiều căn bệnh ung thư không thể cứu chữa. Sản xuất trong môi trường không hợp vệ sinh, sẽ “góp phần” vào việc hủy hoại sức khỏe con người.

Vấn nạn cà phê "bẩn", cà phê "nhái" không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế mà đặc biệt gây hại tới sức khỏe của người tiêu dùng khi hàng ngày thu nạp vào cơ thể những mầm mống của bệnh ung thư.

"Là một trong những nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, người tiêu dùng Việt nói chung, người yêu cà phê Việt nói riêng xứng đáng uống một ly cà phê nguyên bản. Vậy để tiên phong, các nhà sản xuất cà phê lớn nên minh bạch thành phần, nếu trộn thì ghi rõ cà phê trộn ngay trên bao bì, nếu nguyên bản thì ghi rõ là nguyên bản vì chúng tôi có quyền được biết", chuyên gia ngành hàng cà phê Nguyễn Quang Bình đề nghị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Trang (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN