EVN kiến nghị điều chỉnh giá bán lẻ điện kịp thời theo biến động thông số đầu vào

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết năm 2023 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất - kinh doanh

Trong tham luận gửi đến hội thảo "Cơ chế, chính sách, giải pháp đảm bảo phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn 2050" do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức ngày 28-7, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết năm 2023 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

EVN cho biết đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh năm 2023

EVN cho biết đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh năm 2023

Theo EVN, nếu thanh toán tiền điện theo đúng hợp đồng thì theo tính toán dự kiến bắt đầu từ tháng 7-2023 đến tháng 12-2023, doanh nghiệp sẽ thiếu hụt dòng tiền. Để đảm bảo dòng tiền thanh toán chi phí mua than, dầu, khí phục vụ sản xuất điện, hiện EVN đang nợ tiền của các đơn vị phát điện.

Thời gian tới, EVN có khả năng không cân đối đủ tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc cung cấp đủ điện.

Giai đoạn 2020 - 2022, EVN đã cắt giảm chi phí sửa chữa lớn theo định mức từ 10-50% do không cân đối được nguồn vốn. Năm 2023, do không cân đối được tài chính, EVN tiếp tục cắt giảm. Việc sửa chữa tài sản tiếp tục bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an toàn vận hành hệ thống điện.

"Ông lớn" ngành điện cho biết thêm năm 2023 kế hoạch đầu tư xây dựng là 94.860 tỉ đồng. Với kết quả sản xuất kinh doanh lỗ, EVN không thể trả nợ đúng hạn, đồng thời các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ khó khăn hơn trong việc phê duyệt các khoản vay, hạn mức vay cho EVN. Ngoài ra chi phí, lãi suất các khoản vay tăng lên do đánh giá mức độ rủi ro tăng thêm đối với bên cho vay.

Tại tham luận, để đảm bảo cân đối tài chính của EVN cũng như đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn tới, EVN đề nghị Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương có giải pháp tháo gỡ khó khăn tài chính cho EVN.

Theo đó, EVN kiến nghị điều chỉnh giá bán lẻ điện đầy đủ và kịp thời theo biến động các thông số đầu vào. Về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, EVN kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cho phép EVN tiếp tục được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện trong thời gian tới để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh.

Để có cơ sở xem xét việc điều chỉnh giá điện các lần tiếp theo trong năm 2023, giá điện tăng không giật cục và có lộ trình, EVN kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

EVN cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho EVN vay không lãi suất để thanh toán tiền điện cho các đơn vị phát điện, đàm bảo kịp thời mua nguyên liệu phục vụ phát điện.

Cùng với đó, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cho phép EVN tạm thanh toán tiền mua điện ở mức phù hợp khả năng tài chính của EVN cho các đơn vị phát điện đến khi giá bán lẻ điện được điều chỉnh kịp thời và phản ánh đầy đủ các chi phí.

Bên cạnh đó, EVN mong muốn Chính phủ và các bộ chấp thuận khoản lỗ sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 - 2023 của EVN là "do thực hiện chính sách".

Nguồn: [Link nguồn]

Đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần

Bộ Công Thương vừa đưa ra phương án mới về việc sửa đổi cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân để xin ý kiến các bên liên quan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Chiến ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN