"È cổ" đóng phí trứng gà

Việc xuất trứng bán ra thị trường phải đóng ít nhất 5 loại phí, bao gồm phí hành chính, phí sát trùng, vệ sinh thú y… Thậm chí, nếu tính đầy đủ các loại phí phải đóng có thể còn hơn con số 5.

Thông tư 04 của Bộ Tài chính về quy định thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y mới có hiệu lực từ ngày 1.3.2012. Tuy nhiên, hiện nay với nhiều chủ trang trại, hộ chăn nuôi, việc thực thu phí là quá cao, do quá trình thực thi họ phải “làm luật” nhiều lần.

Gà an toàn, trứng vẫn phải... kiểm dịch

Ông Đặng Đình Tiên- Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (Chương Mỹ, Hà Nội) là một trong những “đại gia” về nuôi gà đẻ hiện nay. Khi nghe nói về các loại phí kiểm dịch trứng, ông không khỏi lắc đầu ngao ngán.

Ông Tiên hiện có 10 trang trại nuôi gà lớn nhỏ, trung bình 7.000- 8.000 con/trại. Mỗi ngày trang trại của ông xuất bán ra thị trường từ 30.000-50.000 trứng và phải chịu một khoản chi phí kiểm dịch không nhỏ.

“Trong bối cảnh ngành chăn nuôi liên tiếp gặp nhiều biến động cung cầu, nhiều nông sản, thực phẩm liên tục rớt giá, trong đó giá trứng gia cầm giảm cao nhất lên tới giảm 40%. Việc đóng phí nhiều lần cũng là gánh nặng của người chăn nuôi. Đây là một bất cập, chúng tôi đề nghị điều chỉnh những khoản phí này cho phù hợp hơn”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn

Theo ông Tiên, hiện nay, việc xuất trứng bán ra thị trường phải đóng ít nhất 5 loại phí, bao gồm phí hành chính, phí sát trùng, vệ sinh thú y… Thậm chí, nếu tính đầy đủ các loại phí phải đóng có thể còn hơn con số 5. Tuy nhiên, việc thống kê, phân loại các loại phí thời điểm này công ty ông chưa làm được, vì… quá nhiều loại chồng chéo lên nhau.

“Chỉ 2 tháng gần đây, chúng tôi đã lỗ gần 2 tỷ đồng do giá gà, giá trứng xuống thấp. Lo trả nợ trước, lo tính các loại phí sau. Nếu tình hình giá cả cứ như thế này, thì dù có bao nhiêu loại phí cũng đành khất nợ”- ông Tiên cho biết.

Còn theo một chủ trang trại nuôi gà ở huyện Ba Vì (Hà Nội), việc đóng phí theo quy định như hiện nay đang có sự chồng chéo và gánh nặng này người chăn nuôi phải chịu. Đặc biệt, theo chủ trang trại này, việc thực thi quy định đang có nhiều kẽ hở, gây khó khăn cho người chăn nuôi, dễ dàng để các nhân viên thú y, trạm kiểm dịch “lách luật” làm tiền.

“Gà đẻ được nuôi theo hướng an toàn, đã được cơ quan thú y kiểm dịch, nhưng trứng của gà an toàn đẻ ra vẫn phải làm các khâu kiểm dịch khác”- chủ trang trại này bức xúc.

Theo tìm hiểu của PV, phản ánh về gánh nặng phí, lệ phí đối với trứng gia cầm của nhiều chủ trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi là chính xác.

Ông Nguyễn Thanh Sơn- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) thừa nhận: “Việc thu phí như hiện nay, đã làm tăng giá thành sản phẩm và gây ảnh hưởng đến việc lưu thông, tiêu thụ sản phẩm trứng gia cầm”.

Ông Sơn cũng cho rằng: “Việc quy định quá nhiều khoản phí đối với gia cầm, sản phẩm gia cầm (trong đó có trứng gia cầm) theo Thông tư 04 dù mới có hiệu lực hơn 4 tháng, nhưng đã bộc lộ rõ bất cập”.

"È cổ" đóng phí trứng gà - 1

Việc đánh phí chồng chéo đang gây gánh nặng cho người chăn nuôi

Quy định chặt, quản lý lỏng

Nhiều người cùng đóng phí cho 1 quả trứng

Hiện nay, một quả trứng để tiêu thụ được ra thị trường, có nhiều người sẽ cùng phải đóng phí, đó là: Người chăn nuôi, người thu gom, người vận chuyển, người bán hàng… Đó là chưa kể, trong quá trình chăn nuôi, người chăn nuôi còn phải chịu thêm rất nhiều loại phí kiểm dịch cho chính con gà đẻ ra quả trứng. Thậm chí, ngay cả khi con gà đẻ trứng được chứng nhận an toàn dịch bệnh, nhưng khi đẻ nó ra quả trứng, người chăn nuôi vẫn phải mất phí kiểm dịch cho chính quả trứng đó.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, tại Thông tư 04 của Bộ Tài chính có quy định, người chăn nuôi hoặc các doanh nghiệp phải mất phí 50 đồng/quả/lần kiểm dịch. Bán một quả trứng gà, người dân cũng chỉ thu về được 1.500 đồng. Với 5 lần phí kiểm dịch, tổng cộng phí kiểm dịch cho mỗi quả trứng đã trên 200 đồng.

Quy định phí là vậy nhưng thực tế ngành thú y địa phương cũng không thể kiểm soát được 100%. Bởi lẽ, việc kiểm dịch trứng gia cầm phần lớn dựa vào sự tự giác của các chủ trang trại, doanh nghiệp. “Chúng tôi đến chi cục thú y đăng ký kiểm dịch, thì họ mới cử người xuống để kiểm tra”- ông Nguyễn Văn B- chủ trang trại gà ở Tiên Lữ (Hưng Yên) cho biết.

Theo ghi nhận của PV, do phí kiểm dịch cao, nên nhiều chủ trại gà đã tiêu thụ trứng… không kiểm dịch. “Nếu vận chuyển ra các tỉnh ngoài thì bắt buộc phải làm các thủ tục kiểm dịch, nhưng nếu cung cấp trứng địa bàn nội tỉnh thì không nhất thiết phải làm.

Hơn nữa, đối với những trang trại quy mô nhỏ, có thể xé lẻ để bán cho thương lái. Lực lượng thú y không thể trực 24/24 giờ tại các trại gà vì thế việc xuất trứng đi không thể kiểm soát được”- một chủ trại gà ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) tiết lộ.

Ông Danh Út - Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Không phù hợp

"È cổ" đóng phí trứng gà - 2

Tôi rất giật mình khi biết được một quả trứng của người nông dân khi đến tay người tiêu dùng phải đóng nhiều loại phí như thế. Ở đây tôi chưa nói đến những thiệt hại về kinh tế nhưng việc phải liên tục đóng phí như thế sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực, xin - cho giữa người dân và cơ quan công quyền. Nếu vậy, việc phải nhiều lần đóng phí kiểm dịch chưa chắc chất lượng sản phẩm đã được kiểm soát chặt. Thậm chí, không loại trừ trường hợp do quá nhiều loại phí, người dân có thể trốn đóng, rồi lách luật, sản phẩm tưởng sạch chưa chắc đã sạch và an toàn cho người tiêu dùng.

Đằng sau câu chuyện thu phí quả trứng là biểu hiện của sự bất cập trong quản lý, đó là quá nhiều đầu mối, quá nhiều sự sách nhiễu đến người dân. Ngoài quả trứng, hiện các mặt hàng khác như phân bón, lúa gạo... cũng đang chịu cảnh nhiều tầng nấc, trung gian. Muốn nền nông nghiệp nước nhà đi lên, phát triển thì ngành chức năng nhất thiết phải rà soát, loại bỏ ngay các tầng nấc, các khâu trung gian, các loại phí... vô lý đó.

Ông Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế: Bất bình thường!

"È cổ" đóng phí trứng gà - 3

Trước tiên phải nói rằng, việc kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm của các sản phẩm chăn nuôi là điều hết sức cần thiết đối với mọi nền kinh tế. Riêng với Việt Nam, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thì điều này lại tối cần thiết bởi chúng ta đang đàm phán, thực thi các hiệp định về an toàn thực phẩm với khu vực châu Á Thái Bình Dương, với EU...

Làm tốt việc kiểm dịch, vệ sinh thực phẩm cũng là cách để hội nhập với thế giới về cái gọi là tiêu chuẩn sạch, an toàn vệ sinh... Tuy nhiên, không phải vì điều đó mà chúng ta lại quá lạm dụng kiểm dịch để gây khó khăn cho người nông dân.

Chuyện một quả trứng phải 5 lần đóng phí kiểm dịch là điều không thể hiểu nổi, một điều bất bình thường của xã hội. Điều này một mặt chứng tỏ sản xuất của chúng ta quá luộm thuộm, nhiều đầu mối, mặt khác cũng thể hiện tư duy quản lý yếu kém của các cơ quan nhà nước. 5 lần kiểm dịch là từng ấy lần đóng phí ngoài việc gây phiền hà, bức xúc cho người nông dân, còn làm tăng chi phí của toàn xã hội. Cụ thể là người tiêu dùng phải bỏ thêm tiền, còn cơ quan nhà nước thì phải tăng người đi kiểm tra, người thu phí...

Chính vì vậy, các bài báo của PV tôi cho rằng đã đánh trúng vấn đề, cảnh báo hiện tượng chèn ép, gây bức xúc cho người nông dân.

Văn Hoài (ghi)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Thông (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN