Đường nội thừa, người dùng vẫn phải mua giá cao

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) lại vừa đưa ra con số còn tới 400.000 tấn đường tồn kho. Hiện đang vào mùa vụ sản xuất, nên thời gian tới, đường tồn kho tiếp tục tăng lên. Nguyên nhân đường ế, theo VSSA, chủ yếu do đường cát nhập lậu từ Thái Lan qua đường biên giới Tây Nam ngả Campuchia chiếm lĩnh 70 – 80% thị phần thị trường khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Khảo sát thị trường, cho dù VSSA có đang kêu ca ế ẩm, dư thừa, nhưng giá đường sản xuất nội địa bán lẻ đến người tiêu dùng vẫn cao ngất. Ngày 18/2, mặt hàng đường trắng (RE) đóng túi 1kg đang có giá phổ biến tại các chợ lẻ, cửa hàng, siêu thị trên địa bàn TP.HCM ở mức 20.000 – 21.500 đồng/kg tuỳ loại. Trong khi đó, loại đường cùng phẩm cấp bị VSSA “liệt” vào danh sách nhập lậu lại chỉ có 17.000 đồng. Như vậy, cùng một loại đường cát trắng, chất lượng như nhau, nhưng giá bán lẻ đến tay người dùng lại có sự chênh lệch khá cao, lên tới 3.000 – 4.000 đồng/kg.

Mức chênh lệch giữa giá đường nội và đường ngoại còn lớn hơn rất nhiều khi đối tượng sử dụng là những doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Theo so sánh của một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, từ cuối năm ngoái đến nay, giá đường nhập khẩu đang ở mức khá thấp, về đến cảng khoảng 11.000 – 12.000 đồng/kg, thấp hơn 4.000 – 6.000 đồng/kg so với đường sản xuất trong nước. Mỗi năm, doanh nghiệp này cho hay phải cần tới khoảng 5.000 tấn đường, riêng mùa tết sử dụng tương đương 2.000 tấn nên số tiền “đội” lên là rất lớn nếu mua đường nội.

Đường nội thừa, người dùng vẫn phải mua giá cao - 1

Các sản phẩm bánh kẹo giá thành cao có phần do phải sử dụng đường nội giá cao.
Ảnh: Lê Quang Nhật

Giải thích lý do giá đường trong nước cao hơn đường nhập lậu từ Thái Lan, đại diện VSSA vẫn lặp lại những biện minh cũ kỹ: đường lậu trốn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng, trong khi quy mô sản xuất mía đường ở Thái Lan theo nông trại, sản lượng rất lớn nên giá mía thấp và giá thành sản xuất đường thấp.

Từ nhiều năm nay, ngành đường đang được hưởng chính sách bảo hộ, nhưng rốt cục, cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp vẫn phải mua đường giá cao. Xem ra, chính sách bảo hộ từ nhiều năm nay vẫn không giúp nâng sức cạnh tranh ngành mía đường, trong khi người tiêu dùng phải ăn đường giá đắt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đặng Hoàng (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN