Doanh nghiệp Việt vẫn kiểm soát được thị trường nội địa

Theo kết quả khảo sát của Hội Doanh nghiệp Việt Nam chất lượng cao, có 63% người được khảo sát cho biết thích dùng hàng Việt, kế đó là hàng Nhật 11%, hàng Mỹ 6%, hàng Thái Lan 5%.

Kết quả khảo sát của Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) về mức độ yêu mến hàng Việt của người tiêu dùng năm 2014 từ gần 20.000 phiếu, thực hiện tại 12 tỉnh, thành vừa mới được công bố đã cho thấy: Có 63% người được khảo sát cho biết thích dùng hàng Việt, kế đó là hàng Nhật 11%, hàng Mỹ 6%, hàng Thái Lan 5%. Nếu chọn mua hàng hóa theo xuất xứ, có đến 80% người được phỏng vấn chọn hàng Việt, hàng hóa ngoại nhập chỉ chiếm một phần nhỏ dưới 5%.

Doanh nghiệp Việt vẫn kiểm soát được thị trường nội địa - 1

Đại diện các doanh nghiệp nhận danh hiệu HVNCLC. 

Bà Vũ Kim Hạnh- Chủ tịch Hội DN HVNCLC cho biết: Mục tiêu chính của cuộc bình chọn là lập danh sách các DN có sản phẩm sản xuất tại Việt Nam đạt chất lượng cao được người tiêu dùng tin tưởng. Kết quả bình chọn có 522 DN đạt chứng nhận HVNCLC gồm: 42 DN lần đầu tiên đạt danh hiệu HVNCLC, 42 DN đạt liên tục danh hiệu này trong 19 năm liền, 339 DN đạt liên tục trong 3 năm gần đây (2013 - 2015), 39 DN đạt lại danh hiệu này sau nhiều năm không đạt.

Cũng theo bà Hạnh: Từ kết quả cuộc điều tra cho thấy có đến hơn 80% người tiêu dùng được phỏng vấn đều lựa chọn hàng Việt. Điều này cho thấy DN Việt vẫn đang kiểm soát được thị trường nội địa. Vì vậy nếu DN cải thiện sản phẩm theo hướng tốt hơn nữa thì người tiêu dùng sẽ không quay lưng với hàng Việt Nam.

"Ngưỡng cửa hội nhập với AEC cũng như chuẩn bị cho TPP và EU đã rất gần, vì thế DN Việt phải chủ động, làm chủ cuộc chơi, chiếm lĩnh thị phần lớn trong nước và đủ mạnh để cạnh tranh. Kinh tế chưa qua khó khăn, làn sóng thâu tóm DN của các tập đoàn nước ngoài đang rất mạnh mẽ. DN Việt cùng lúc phải thực hiện 2 việc lớn là vượt qua thách thức và tạo sức bật mới"- bà Vũ Kim Hạnh nhắn nhủ.

Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công Thương, các DN cũng không nên chủ quan, sẽ dễ rơi vào tình trạng bị tụt lùi so với hàng hóa ngoại nhập.

“Có được lòng tin của người tiêu dùng là lợi thế lớn nhất cho hàng Việt cạnh tranh trên thị trường trong thời gian tới. Do vậy, DN cần nắm bắt, tiếp tục phát huy và không ngừng nâng cao sức cạnh tranh. Đặc biệt là cần phải đầu tư nhiều mặt để đứng vững trên thị trường”- ông Tuấn Anh nhận định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Hải ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN