Doanh nghiệp vận tải chây ì giảm giá: Cần biện pháp mạnh hơn

Bộ GTVT và Bộ Tài chính liên tiếp có công văn đôn đốc, chỉ đạo các địa phương quản giá cước vận tải trên địa bàn. Tuy nhiên, doanh nghiệp vận tải vẫn chây ì việc giảm giá.

Bộ Tài chính lại phải ra văn bản

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Bộ GTVT đề nghị tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải. Theo phân tích của Bộ Tài chính, kể từ đầu năm 2015 đến tháng 10/2015, giá xăng dầu đã điều chỉnh giảm nhiều đợt. Điều này góp phần bình ổn giá thị trường chung và hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Doanh nghiệp vận tải chây ì giảm giá: Cần biện pháp mạnh hơn - 1

Giá xăng dầu giảm sâu nhưng giá cước vận tải vẫn giậm chân tại chỗ (Ảnh chụp trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chiều 23/12). Ảnh: Như Ý.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, từ giữa tháng 9/2015 đến nay, giá xăng dầu tiếp tục có xu hướng giảm. Đặc biệt ngày 18/12/2015, giá xăng, dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm sâu. Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT tiếp tục phối hợp chỉ đạo các Sở GTVT địa phương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải. Trong đó, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô, rà soát lại giá nhiên liệu hiện nay và giá nhiên liệu tính trong phương án giá cước để kê khai lại giá cước vận tải phù hợp xu hướng giảm giá nhiên liệu.

Theo Thứ trưởng Hiếu, Bộ GTVT cần chỉ đạo các hiệp hội vận tải ô tô tuyên truyền, vận động các đơn vị vận tải trên địa bàn kê khai giá và niêm yết giá cước theo quy định và đảm bảo đúng quy luật thị trường, phù hợp mức giảm giá nhiên liệu đầu vào.

Trước đây, Bộ Tài chính cũng nhiều lần ra văn bản đốc thúc sở tài chính ở các địa phương vào cuộc. Trên thực tế, chắc chắn cơ quan chức năng địa phương nắm rõ việc giám sát kê khai giá. Tuy nhiên, qua nhiều đợt xăng dầu giảm giá, dường như các cơ quan chức năng vẫn chưa buộc nổi doanh nghiệp vận tải giảm giá. Thậm chí, Thủ tướng cũng từng lên tiếng về việc doanh nghiệp vận tải chây ì giảm giá cước. Trong khi đó, đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết, thời gian vừa qua, lợi nhuận từ việc giảm chi phí nhiên liệu là không nhỏ.

Rút giấy phép: Chờ Chính phủ

Trả lời phóng viên Tiền Phong ngày 23/12, Vụ Vận tải Bộ GTVT cho hay: Thời gian qua, giá nhiên liệu trên thế giới cũng như trong nước biến động liên tục theo xu hướng giảm rõ rệt và có tác động tích cực đến thị trường nói chung và thị trường kinh doanh vận tải bằng ô tô nói riêng. Để kiểm soát tốt chặt chẽ giá cước vận tải, lãnh đạo vụ này cho biết, đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ GTVT ký gửi công văn đến các Sở GTVT đốc thúc công tác quản lý giá và kê khai giá tại đơn vị vận tải đường bộ trên địa bàn.

Để tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, kiểm soát giá cước theo sức ép dư luận, Bộ GTVT đang nghiên cứu các giải pháp căn bản hơn; trong đó nghiên cứu, bổ sung các quy định về xử lý vi phạm về quản lý giá cước khi sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. “Chúng tôi đang nghiên cứu áp dụng biện pháp rút giấy phép kinh doanh vận tải nếu doanh nghiệp không chịu giảm giá cước. Tuy nhiên, nếu không sửa đổi nghị định (Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ), chưa thể rút giấy phép doanh nghiệp chậm kê khai giá cước khi nhiên liệu giảm” - lãnh đạo Vụ Vận tải Bộ GTVT cho hay.

Ngoài ra, liên bộ Tài chính-GTVT đang khẩn trương rà soát các quy định trong Thông tư 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Trong đó, hai bộ sẽ xem xét để bổ sung các quy định về thời điểm phải kê khai lại giá cước khi có biến động về giá nhiên liệu. “Chúng tôi sẽ hướng đến quy định cụ thể, khi giá xăng dầu tăng với tỷ lệ bao nhiêu sẽ buộc doanh nghiệp phải kê khai lại giá cước” – đại diện Vụ Vận tải nói.

Theo kết quả kiểm tra giá cước của ba đoàn thanh tra của liên bộ Tài chính - GTVT trong tháng 9 và tháng 10, doanh nghiệp vận tải ở 63 tỉnh, thành phố thực hiện giảm giá cước ở mức từ 1% đến 35,6%. Việc giảm giá cước vận tải đã và đang diễn ra ở các tỉnh thành phố. Tuy nhiên, việc giảm giá cước chưa đồng đều.

Để chuẩn bị phục vụ nhu cầu đi lại dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, Bộ GTVT và Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường lực lượng kiểm tra và xử lý vi phạm trong kê khai, niêm yết giá cước.

Tính từ giữa tháng 9 đến nay, xăng RON 92 giảm 390 đồng/lít, dầu diesel giảm 1.250 đồng/lít. Như vậy, giá xăng RON 92 tăng 2 lần với tổng mức tăng 800 đồng/lít, giảm 5 lần với tổng mức 1.730 đồng/lít; giá dầu diesel tăng 2 lần với mức tăng 790 đồng/lít, giảm 4 lần so với tổng mức giảm 2.120 đồng/lít.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Đức - Sỹ Lực (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN