Điện máy quảng cáo nổ ngăn được Covid-19

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Sau hàng loạt sản phẩm bịa đặt về công dụng chống virus SARS-CoV-2 như bút, thẻ đeo, khăn ướt, kem bôi mũi... bị "vạch trần", nay lại đến một số mặt hàng điện máy được quảng cáo có khả năng "diệt Covid-19"

Dịch Covid-19 tiếp tục lây lan với tốc độ khá nhanh ở nhiều địa phương trong những tháng gần đây là cơ hội cho nhiều cửa hàng điện máy "hốt bạc" nhờ bày bán sản phẩm được cho là có chức năng khống chế, ức chế hoặc diệt virus gây bệnh Covid-19. Đáng nói là dù hiệu quả chưa được kiểm chứng nhưng nhiều người tiêu dùng rất tin tưởng và sẵn sàng bỏ tiền để mua về sử dụng.

Chị Hồng Hạnh (ngụ quận 6, TP HCM) hồ hởi khoe vừa mua chiếc máy lạnh nhãn hiệu P. với "công nghệ phòng chống Covid-19 hiệu quả hơn 90%". "Đúng là không có cách nào kiểm chứng hiệu quả nhưng dù sao dùng máy lạnh có công nghệ phòng chống virus cũng thấy yên tâm hơn so với loại thông thường" - chị Hạnh nói.

Không riêng máy lạnh, theo ghi nhận của phóng viên, các mặt hàng máy lọc không khí, máy lọc khử khuẩn cũng được quảng cáo với công dụng "trên trời" như: "có khả năng diệt khuẩn lên đến 99%", "phòng chống, diệt virus SARS-CoV-2"… Thậm chí, nhiều sản phẩm dường như không liên quan đến không khí - đường lây bệnh chủ yếu hiện nay - cũng được giới thiệu là có khả năng kiểm soát được virus lây bệnh Covid-19, chẳng hạn tủ đông, tủ lạnh…

Trao đổi vói chúng tôi, kỹ sư Tống Kim Ty, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dân Sinh - Công ty CP TM-DV Bến Thành, thẳng thắn đặt câu hỏi: "Nếu các sản phẩm điện máy có thể tiêu diệt được virus gây bệnh Covid-19 thì toàn cầu đâu có rơi vào đại dịch kéo dài hơn 2 năm qua?". Ông cho rằng hiệu quả thật sự trong việc diệt virus của các sản phẩm này cần được cơ quan chức năng thẩm định, cấp giấy chứng nhận trước khi thông tin với người tiêu dùng. Nếu không, mọi quảng cáo đều chỉ là "nổ" để thu hút người mua.

Người tiêu dùng cần tỉnh táo trước thông tin các sản phẩm điện tử có chức năng “phòng chống Covid-19”

Người tiêu dùng cần tỉnh táo trước thông tin các sản phẩm điện tử có chức năng “phòng chống Covid-19”

PGS-TS Nguyễn Nhật Huy, Phó trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho rằng hoàn toàn chưa rõ căn cứ để khẳng định khả năng phòng chống Covid-19 của các sản phẩm điện máy nêu trên. Theo ông, đúng là có nhiều loại công nghệ có thể lọc được một số chất gây ô nhiễm hoặc diệt một số vi khuẩn. Song từng công nghệ tương ứng với mỗi khả năng nhất định.

Chẳng hạn, màng lọc HEPA có thể lọc các hạt bụi trong không khí, đặc biệt bụi có kích thước nhỏ và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người như PM2.5, phấn hoa…; màng lọc than hoạt tính có thể lọc mùi hữu cơ và chất hữu cơ trong không khí nhưng có rất ít tác dụng lọc chất ô nhiễm vô cơ như NOx, SOx, CO, HCl; màng lọc tĩnh điện có thể lọc bụi có kích thước nhỏ nhưng công dụng phụ thuộc vào hiệu điện thế; màng lọc nano bạc có thể diệt vi khuẩn, virus… "Như vậy, mỗi công nghệ được sử dụng với mục đích nào đều căn cứ trên cơ sở khoa học. Chưa rõ các thiết bị lọc không khí trên thị trường được quảng cáo có khả năng diệt virus SARS-CoV-2 đang sử dụng chính xác là công nghệ gì nên chưa thể khẳng định được hiệu quả thật sự" - PGS-TS Nguyễn Nhật Huy chỉ rõ.

TS Đặng Thị Mỹ Dung, Viện Công nghệ Nano - ĐHQG TP HCM, nhận định: "Khó có thể tin những thiết bị trên có thể diệt được virus gây bệnh Covid-19 bởi ngay cả thuốc đặc trị cũng chưa chắc diệt được virus này hoàn toàn. Cần yêu cầu hãng công bố rõ ràng loại công nghệ được sử dụng, hiệu quả dựa trên căn cứ nào và phải được cơ quan chức năng kiểm chứng".

Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Trí Quang Hưng, Phó Phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, nhấn mạnh dù nhà sản xuất thông tin ra sao về hiệu quả diệt virus của sản phẩm thì cũng không đủ để thuyết phục người tiêu dùng, giới chuyên môn mà cần được cơ quan có thẩm quyền công nhận. "Về nguyên tắc, ion bạc có khả năng loại bỏ virus khi xảy ra phản ứng hóa học, song cần được thực hiện trong điều kiện cụ thể với hàm lượng và điện áp phù hợp. Mặt khác, các nhà khoa học lo ngại ion bạc khi vào cơ thể có thể diệt luôn cả tế bào, mô nên có nguy cơ gây hại cho sức khỏe và cần hết sức cẩn trọng" - PGS-TS Nguyễn Trí Quang Hưng cảnh báo thêm. 

Vi phạm Luật Cạnh tranh

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương mới đây phát thông tin cảnh báo liên quan đến nhiều sản phẩm điện tử được giới thiệu có chức năng ngăn ngừa, ức chế, diệt virus gây bệnh Covid-19 hoặc được đặt tên liên quan đến chức năng này khiến người tiêu dùng hiểu nhầm.

Cụ thể, cục này đã rà soát, đánh giá các sản phẩm sau: máy điều hòa sử dụng công nghệ Nanoe X của Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, sản phẩm sử dụng công nghệ ScentAir ion của Công ty CP Appliancz Việt Nam, sản phẩm sử dụng công nghệ Airocide của Công ty CP Công nghệ và Thiết bị Việt Mỹ, máy lọc không khí Blueair Health Protect của Công ty TNHH ASH Việt Nam, quạt khử trùng Philips Disinfection Air Cleaner của Công ty Tích hợp công nghệ In Situ, máy phun khử trùng diệt khuẩn Covid Nano của Công ty TNHH Điện tử Thái Thắng.

Qua đánh giá, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng các thông tin liên quan đến công dụng ngăn ngừa hoặc diệt virus trên các sản phẩm chủ yếu căn cứ vào kết quả kiểm nghiệm trong điều kiện giới hạn của phòng thí nghiệm, chưa được kiểm nghiệm trong điều kiện sống thực tế. Việc thông tin không đầy đủ, không rõ ràng như trên có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh.

Cục đã cảnh báo cũng như yêu cầu các đơn vị trên chỉnh sửa nội dung để bảo đảm tuân thủ quy định. Đồng thời, cục khuyến cáo người tiêu dùng tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua sản phẩm.

Nguồn: [Link nguồn]

Hàng loạt chợ sỉ ế ẩm, tiểu thương bỏ sạp vì lỗ

Nhiều người đã quen dần với việc mua sắm online trên các sàn thương mại điện tử do có nhiều ưu đãi, được giao hàng tận nhà, mà không phải chợ sỉ, chợ truyền thống nào...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Hưng ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN