Đến lượt bì heo bị "phù phép"

Bì heo mua tại một chợ tự phát ở TPHCM có nhiều điểm khác thường. Theo các nhà chuyên môn, bì heo để 2-3 ngày mà không bị hư chắc chắn đã qua xử lý hoặc dùng chất bảo quản

Chị Ánh Tuyết, nhà ở xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh-TPHCM, kể tuần trước, chị đã bị đầy bụng và mắc ói sau khi ăn cơm tấm bì ở một quán gần nhà. Chị cho biết do rất thích món bì giòn nên mỗi lần ăn cơm tấm bì chả chị đều gọi rất nhiều bì heo. Lần này, sau khi ăn khoảng 30 phút là chị gặp... sự cố.

Đến lượt bì heo bị "phù phép" - 1
Bì heo bán tại chợ tạm gần cầu Ông Lãnh, quận 1 - TPHCM.

Để 3-4 ngày không hư

Còn chị Hoàng Vân, nhà ở đường Xóm Chiếu quận 4 - TPHCM, kể mới đây do nhà có tiệc, chị đã mua khá nhiều bì heo về làm món bì trộn. Sáng sớm, chị ra khu vực chợ tự phát gần chân cầu Ông Lãnh, quận 1 để mua với giá 25.000 đồng/kg (kèm theo gói thính). Tuy nhiên, khi mua về chị nhận thấy số bì heo có những điểm khác thường như sợi bì dài có màu trắng trong rất lạ, thử ngắt đôi thì thấy khá dai và có độ đàn hồi.

Đặc biệt, sợi bì được cắt đều tăm tắp và có răng cưa nhỏ như được sản xuất công nghiệp hàng loạt. Từng sợi bì được kết dính lại như sợi bún và có thể xé nhuyễn đến sợi nhỏ nhất. Chính vì vậy mà chị Vân quyết định không sử dụng loại nguyên liệu này để làm món bì trộn như dự định ban đầu.

Từ phản ánh của chị Vân, chúng tôi đã đến khu vực này mua thử một số bì heo và cũng nhận thấy tương tự. Thử để số bì đó bên ngoài nhiệt độ bình thường thay vì bỏ vào tủ lạnh nhưng đến 2 ngày sau, bì heo vẫn không có ­­dấu hiệu ôi thiu. Đến ngày thứ 4, bì heo ngả màu vàng nâu nhẹ nhưng vẫn không ôi thiu. Bỏ thử một ít vào luộc nhưng càng luộc thì sợi bì càng nhỏ lại, khi bóp nghiền thì có độ dính như hồ. Còn đáy nồi mà chúng tôi dùng để luộc lại ngả màu xám loang lổ rất lạ…

Trước những bất thường trên, chúng tôi quyết định trở lại khu vực chợ Cầu Ông Lãnh để mua thêm 0,5 kg bì đến nhờ các nhà chuyên môn phân tích, tìm hiểu.

Đến lượt bì heo bị "phù phép" - 2
Loại bì heo được lấy mẫu đem kiểm nghiệm. 

Chưa tìm thấy chất lạ…

Ngay khi chúng tôi mang số bì heo mới mua đến Trung tâm Sắc Ký Hải Đăng (Công ty CP DV KHCN Sắc Ký Hải Đăng) để kiểm tra, qua quan sát bằng mắt thường, GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn đã đặt nghi vấn về cấu tạo, thành phần của loại bì heo này, có thể được làm từ bột gạo bỏ nhiều hàn the, thậm chí không loại trừ khả năng được sản xuất từ Trung Quốc...

Sau đó, số bì heo này được khuyến nghị kiểm tra 5 chỉ tiêu như: N tổng, S02, tinh bột, hàn the và chất béo. Sau 3 ngày tiến hành xét nghiệm mẫu thử, kết quả cho thấy không có gì khác thường trong các chỉ tiêu trên...

Mặc dù vậy, GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Công ty CP DV KHCN Sắc Ký Hải Đăng, vẫn hoài nghi và cho rằng có thể nơi sản xuất hoặc kinh doanh đã “phù phép”, xử lý trước bằng cách thức nào đó. Theo GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, kết quả xét nghiệm chưa phát hiện clorua, (SO2).

Phải chăng da heo đã được xử lý tẩy màu bằng H2O2 (nước ôxy già, hydrogen peroxide). Còn sợi bì dai, đàn hồi, dễ kéo sợi... có thể trong quá trình xử lý màu có hiện tượng kết mạng thêm giữa các protein hoặc có thêm tương tác giữa các sợi dây protein lạ với nhau làm tăng độ dai và đàn hồi...

PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức, giảng viên Khoa Dược Trường ĐH Y Dược TPHCM, nhận xét nếu là thực phẩm thông thường, chỉ cần để bên ngoài vài giờ đã bị nhiễm khuẩn. Trường hợp để 2-3 ngày mà không bị hư chắc chắn đã qua xử lý hoặc dùng chất bảo quản.

Một bác sĩ dinh dưỡng cho biết trường hợp protein kết tủa hoặc liên kết, khi ăn vào cơ thể sẽ bị khó tiêu. Những loại thực phẩm đã xử lý như thế cũng sẽ không còn dinh dưỡng, ăn vào chắc chắn không tốt cho sức khỏe.

Nếu bì heo sử dụng H2O2 chuyên dùng trong thực phẩm, y tế thì còn chấp nhận được nhưng nếu sử dụng loại dùng trong công nghiệp rẻ tiền thì nguy hại khó lường, bởi trong H2O2 công nghiệp có rất nhiều tạp chất độc hại, nếu vào cơ thể nhiều sẽ tồn dư và gây ung thư.

PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức, giảng viên Khoa Dược Trường ĐH Y Dược TPHCM

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Nhung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN