Thực hư chuyện thịt ôi bị tẩm hóa chất

Dư luận gần đây đưa nhiều thông tin về thực phẩm bị tẩm ướp nước tẩy rửa bồn cầu, ướp xác… khiến người tiêu dùng hoang mang.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm), cũng hóa chất ấy nhưng nếu là loại tinh khiết, dùng cho thực phẩm thì chẳng vấn đề gì.

Đừng làm người tiêu dùng ghê sợ

Trả lời PV, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết: “Nói thực phẩm ướp bằng nước tẩy rửa bồn cầu, bằng chất ướp xác… nghe quá nặng nề. Hóa chất được nhắc đến ở đây là Soda (NaHCO3) không đồng nghĩa với nước tẩy rửa bồn cầu, mà chỉ là một thành phần trong chế phẩm dùng để tẩy uế. Thí dụ chất NaHCO3 dùng để sản xuất nước rửa bát, dầu gội đầu cũng có thể dùng làm chất tẩy uế môi trường ô nhiễm (với lời cảnh báo gây nguy hiểm) và còn có thể được dùng làm thuốc đau dạ dày, hoặc cho vào bột mì để làm men nở…”.

Thực hư chuyện thịt ôi bị tẩm hóa chất - 1

Bột Soda làm mềm thịt già, thịt dai.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, các hóa chất tẩy rửa nói chung có thể dùng tẩy rửa nồi niêu, bát đĩa, thực phẩm (như xử lý bề mặt rau, củ, quả, thịt nhằm chống vi khuẩn xâm nhập, tẩy trắng, kéo dài thời gian bảo quản), nhưng cũng có thể dùng tẩy rửa bồn cầu, rửa xác chết, tẩy uế môi trường bẩn… Chỉ có điều, hóa chất dùng trong thực phẩm là loại tinh khiết, còn hóa chất dùng để tẩy rửa bồn cầu, tẩy rửa xác chết… là loại dùng trong công nghiệp.

“Vì vậy, không nên nói ngoa “thực phẩm ướp bằng nước tẩy rửa bồn cầu” làm dư luận lo lắng, không rõ thực hư thế nào. Cũng đừng nói chất này, chất kia dùng cho thức ăn, hay rửa bồn xí vì nghe rất phản cảm, làm người tiêu dùng thấy ghê sợ. Mà cần phán xét xem người chế biến có dùng đúng loại hóa chất tinh khiết cho thực phẩm, hay họ dùng loại không tinh khiết trong sản xuất (làm đồ nhựa, giặt quần áo, tẩy rửa bồn cầu)! Vấn đề quan tâm nữa là hóa chất có độ tinh khiết khác nhau, được dùng cho những mục đích khác nhau, nên cần kiểm soát chặt dư lượng các chất độc hại đối với sức khỏe”, PGS.TS Duy Thịnh cho biết thêm.

Hóa chất không thể biến thịt ôi thành tươi

Cũng theo TS Nguyễn Duy Thịnh, khi xử lý thực phẩm, có thể sử dụng chất sunfua dioxit (SO2) ở dạng muối của nó (các loại bột màu trắng: H2SO3, Na2SO3, NaHSO3, K2SO3, KHSO3…) và một số dẫn xuất dùng để xử lý bề mặt rau, củ, quả, thịt nhằm chống vi khuẩn xâm nhập, tẩy trắng, kéo dài thời gian bảo quản. Nhưng sau đó cần phải loại bỏ bằng cách dùng nước sạch rửa trôi nhiều lần, đun nóng để SO2 bay đi đến khi dư lượng phải bằng 0.

Tuy nhiên, cũng chính vì công dụng này mà nhiều người bán hàng đã nhúng thịt ôi thiu vào các chất bột (Na2SO3, NaHSO3, KHSO3…) rồi để ráo, làm mất mùi ôi. Điều nguy hiểm là nếu người bán hàng không trải qua giai đoạn rửa sạch thì SO2 vẫn bám vào bề mặt hoặc đã thấm sâu vào bên trong thịt. Sự tồn dư SO2 trong thịt sẽ gây ngộ độc cho người ăn, nhất là trẻ em.

“Người bán hàng thiếu lương tâm dùng SO2 để làm mất mùi ôi, chứ không biến thịt ôi thành tươi được. Thịt bị ngâm trong chất SO2 sẽ có biểu hiện bị nhão bởi các thớ thịt đã bị giãn khi ngâm tẩm, chứ không còn độ dẻo như thịt được nấu thông thường. Ăn phải thực phẩm còn dư lượng SO2 quá mức cho phép sẽ bị buồn nôn, nhức đầu và gây viêm niêm mạc”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo.

Cũng theo TS Nguyễn Duy Thịnh, người bán hàng không thể biến thịt ôi thiu thành thịt tươi được. Vì vậy, người tiêu dùng nên đi chợ buổi sớm, chọn những loại thực phẩm tươi ngon. Không nên mua thực phẩm chợ chiều vì dễ mua phải của rẻ là của ôi. Nên có thói quen mua thực phẩm trong các cửa hàng bán thịt sạch, uy tín để được dùng thực phẩm an toàn.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN