Đẩy tồn kho vật liệu xây dựng, cách nào?

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với các hiệp hội và DN sản xuất vật liệu xây dựng để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN ngành này.

Số liệu thống kê cho thấy, thời gian qua, các DN sản xuất vật liệu xây dựng từ thép, gạch, xi măng đến gốm sứ đều chủ động giảm công suất, nhưng lượng hàng tồn kho vẫn không hề giảm. Trong khi lượng tồn kho xi măng đã về ngưỡng an toàn với khoảng 1,5 triệu tấn, thì tồn kho của ngành thép đang ở mức báo động với gần 400.000 tấn.

Ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ cho biết, năng lực sản xuất của các DN đá ốp lát đạt 10 triệu m2 sản phẩm/năm, nhưng phải cắt giảm 50% lao động, trong khi ngành gốm sứ xây dựng hiện chỉ khai thác 70% công suất thiết kế. Hiện lượng hàng tồn kho của ngành gốm sứ xây dựng đã tăng lên 20%, với trên 40 triệu m2 gạch ốp lát và trên 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, tương đương khoảng trên 3.000 tỷ đồng. Gạch bê tông khí chưng áp (AAC) cũng rơi vào tình trạng bi đát với 12 nhà máy có công suất thiết kế khoảng 1,5 triệu m3/năm, nhưng chỉ sản xuất 15% công suất và tiêu thụ chỉ đạt 15% lượng sản xuất.

Ngành kính cũng không khá hơn, cả nước có 4 nhà máy kính nổi hoạt động với 90% công suất (tương đương 273.000 tấn), nhưng tiêu thụ chỉ đạt 191.000 tấn, tương đương 70% lượng sản xuất. Lượng tồn kho vào khoảng 265.000 tấn, tương đương 5 tháng sản xuất. Không chỉ tiêu thụ kính nổi giảm, kính gia công như kính cường lực và kính dán an toàn cũng giảm khoảng 40 - 45%.

Trong khi đầu ra khó khăn, các DN sản xuất vật liệu xây dựng lại phải chịu thêm gánh nặng đầu vào khi giá nhiên liệu, điện, than, xăng… đều tăng; lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao...

Theo phản ánh của các hiệp hội, lượng tồn kho lớn, kinh doanh thua lỗ khiến nhiều DN sản xuất cầm chừng hoặc dừng sản xuất, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản.

Đẩy tồn kho vật liệu xây dựng, cách nào? - 1

Hàng tồn kho của ngành thép đang ở mức báo động.

Trước những khó khăn trên, các DN đều kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, để khơi thông đầu ra. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần giảm lãi suất vay, giảm thuế VAT, đồng thời có biện pháp để chống hàng nhập lậu, cũng như cho rà soát và bổ sung các hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước đã dư thừa…

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) kiến nghị, nên nới rộng hạn mức vay cho ngành xi măng, bởi suất đầu tư cho xi măng quá lớn. Bình quân mỗi dây chuyền xi măng công suất 1 - 1,4 triệu tấn có mức đầu tư khoảng từ 2.500 - 3.500 tỷ đồng, bằng mức đầu tư của 10 - 15 nhà máy gạch AAC. Mặc dù ngành xi măng đã tìm đủ mọi cách để khơi thông đầu ra, nhưng sản lượng tiêu thụ vẫn giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Hiện sản xuất và tiêu thụ xi măng chỉ đạt 70 - 75% công suất thiết kế.

Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, Hiệp hội có 4 kiến nghị là giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ và giảm thuế VAT xuống còn 5%, Chính phủ đã giải quyết 3 khiến nghị, còn kiến nghị giảm thuế VAT xuống còn 5% vẫn chưa được chấp nhận. Chính phủ đã quy định ngành than phải bán cho xi măng dưới 10% giá xuất khẩu, nhưng hiện giá than bán cho xi măng cao hơn giá xuất khẩu. Không riêng gì xi măng, ngành thép và kính cùng có kiến nghị giảm 5% thuế VAT.

Ông Nguyễn Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Kính Việt Nam kiến nghị, ngoài việc miễn giảm thuế cho các DN sản xuất kính, Chính phủ cũng nên tăng thuế nhập khẩu, thiết lập hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm kính gia công trong nước.

Ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng cho rằng, bên cạnh việc hạ lãi suất, Chính phủ cần khoanh nợ, giãn nợ cho các DN và phải có chính sách kích cầu mới giải quyết tận gốc vấn đề tồn kho vật liệu xây dựng. Trong đó, chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng bằng bê tông xi măng của Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải cần sớm được triển khai.

Từ những kiến nghị của các hiệp hội và DN vật liệu xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, bên cạnh những giải pháp dài hạn như xem xét lại quy hoạch, xây dựng chiến lược xuất khẩu vật liệu xây dựng…, biện pháp trước mắt để giúp các DN vật liệu xây dựng vượt qua khó khăn là giảm thuế, giảm lãi vay, chống hàng lậu…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu cụ thể và đề xuất giải pháp lên Thủ tướng Chính phủ, nhằm ban hành các chính sách để tháo gỡ khó khăn cho ngành vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, các DN vật liệu xây dựng cần chủ động cấu trúc lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.

“Thị trường vật liệu xây dựng đang như cơ thể không muốn ăn”
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Gạch Đồng Tâm Long An

Thị trường vật liệu xây dựng thời gian qua quá khó khăn đã ảnh hưởng nhiều đến DN. Vì vậy, chúng tôi phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất - kinh doanh cho phù hợp, để tránh lượng hàng tồn. Có lúc chúng tôi đã phải giảm công xuất sản xuất từ 10 - 30%, trong đó tháng Tết phải ngừng sản xuất.

Đúng là việc bán hàng trong bối cảnh hiện nay rất khó khăn. Để tăng lượng bán ra, việc giảm giá bán đang là một xu hướng chung và Đồng Tâm cũng áp dụng để phù hợp với thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi tạo ra một chính sách giá cả hợp lý, có chính sách chiết khấu hợp lý cho các đại lý, thay vì cứ liên tục giảm giá. Hiện thị trường vật liệu xây dựng giống như một cơ thể không muốn ăn uống, vì thế, để bán được hàng, chúng tôi phải tạo ra những mẫu mã mới phù hợp thị trường. Trong khi thị trường trong nước khó khăn và cạnh tranh khốc liệt, chúng tôi đã tính đến việc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm. Trong đó, các nước như Iraq, Ai Cập, Trung Đông, chúng tôi đã bán được nhiều sản phẩm.

Do thị trường hết sức khó khăn, nên hiện chúng tôi không đặt mục tiêu tăng trưởng cao, lợi nhuận nhiều, mà chỉ mong giữ được khách hàng. Thậm chí, trong giai đoạn hiện nay, nếu có lỗ một chút thì cũng phải chấp nhận để trụ vững trên thị trường.

“Hàng đổi hàng là phương thức tốt cho cả DN vật liệu xây dựng và chủ dự án”
Ông Đỗ Việt Anh, Giám đốc CTCP Nishu Nam Hà

CTCP Nishu Nam Hà chuyên sản xuất các loại sơn dân dụng và công nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn của thị trường bất động sản, Công ty đã tiết giảm chi phí, giảm sản lượng để duy trì hoạt động. Công ty cũng đã áp dụng nhiều giải pháp để đẩy mạnh việc bán hàng, giảm thiểu hàng tồn kho, thu hồi vốn nhanh để xoay vòng sản xuất.

Cụ thể, đối với phân khúc dân cư, Công ty đã áp dụng hình thức quảng bá tập trung vào từng khu vực cụ thể chứ không làm tràn lan như trước đây.

Với phân khúc dự án chung cư, Công ty xác định đây là thị trường chính nên đã tập trung tiếp thị mạnh mẽ. Công ty cũng áp dụng phương thức mới là “hàng đổi hàng”, tức Công ty cung cấp sơn cho dự án và chủ dự án sẽ trả bằng căn hộ.

Tôi cho rằng, đây là một phương thức hay và nếu được nhân rộng sẽ đem lại lợi ích cho nhiều bên. Công ty vừa bán được hàng, vừa thu được sản phẩm căn hộ để đáp ứng nhu cầu của cán bộ nhân viên hoặc coi như một khoản đầu tư dài hạn. Chủ đầu tư có vật liệu để hoàn thiện dự án. Người tiêu dùng cũng có lợi ích khi tiến độ dự án được đẩy nhanh.

“Thị trường ngày càng chuộng sản phẩm thân thiện với môi trường”
Ông Nguyễn Công Cường, Phó giám đốc CTCP Tập đoàn phát triển Đoàn Minh Công

Là một đơn vị chuyên sản xuất gạch xi măng cốt liệu được thành lập từ năm 2007, nhưng từ đầu năm 2011 đến nay thực sự là thời gian khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nói chung, trong đó có Công ty Đoàn Minh Công. Để vượt qua khó khăn, Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Hiện nay, Công ty không chủ trương mở rộng quy mô sản xuất mà tập trung vào việc duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, sản phẩm của Công ty đã được sử dụng tại rất nhiếu dự án cao cấp như: Tòa nhà Keangnam, Hei Tower, Dự án Huyndai (Hà Đông), Vincom Village…

Sản phẩm gạch xi măng chốt liệu dần được thị trường chấp nhận càng chứng tỏ chủ trương phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường là đúng đắn. Hiện tại, chúng tôi đang chạy hết công xuất nhà máy (35 triệu viên gạch block/năm) để cung cấp cho thị trường.

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên - Đầu tư chứng khoán
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN