Dâu tây VietGAP giá cao vẫn hút hàng

Giá dâu tây loại này luôn ở mức cao, từ 140.000 – 200.000 đồng/kg, tùy kích cỡ, cao hơn 40 – 50% so với giá dâu thường nhưng vẫn luôn hút hàng, sản phẩm thu được không đủ đáp ứng nhu cầu của khách.

Nhờ tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật trồng dâu theo VietGAP, sản phẩm dâu sạch Bà Lan (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) không những bán được giá cao mà còn không đủ hàng để cung cấp cho các “mối”.

Tháp tùng đoàn chuyên gia nông nghiệp các tỉnh phía Nam đến thăm vườn dâu Bà Lan vào cuối tháng 7 vừa qua, tôi được chứng kiến vườn dâu sạch, mát mắt đến không ngờ. Nằm đối diện Khu du lịch hồ Than Thở, vườn dâu Bà Lan trở thành điểm tham quan của nhiều khách du lịch khi đến Đà Lạt. Tuy nhiên, muốn mua được sản phẩm dâu tươi ở đây phải đăng ký trước vài ngày do tất cả dâu trong vườn đều đã được các nhà hàng cao cấp tại TP.HCM đặt mua. 

Dâu tây VietGAP giá cao vẫn hút hàng - 1

Dù bán với giá cao hơn thị trường từ 40 – 50% nhưng dâu sạch Bà Lan luôn hút hàng.

Anh Lê Hữu Tuấn – chủ vườn dâu Bà Lan cho biết, vườn dâu rộng 6.000m2 của gia đình được canh tác theo quy trình dâu sạch. Bộ NNPTNT đã cấp chứng chỉ VietGAP vào đầu năm 2005. Toàn bộ dâu tây tại đây được trồng trong nhà kính cao 4 – 5m, giàn khung bằng sắt có sơn chống gỉ, mái lợp bằng tấm nhựa trong không màu, xung quanh rào kín bằng lưới chống côn trùng. Để đảm bảo cách ly sâu bệnh, dịch hại, anh Tuấn còn cắt cử người làm nhiệm vụ canh gác, không để người ngoài và khách tham quan vào vườn dâu cũng như khu vực sơ chế, phân loại đóng gói dâu.

Ngoài ra, để vườn cây phát triển tốt, năng suất cao đồng thời kiểm soát được dịch bệnh, chống thoái hóa cho đất, mỗi lứa dâu, anh Tuấn chỉ thu hoạch trong một năm rồi nhổ bỏ, trồng lại lứa mới. Anh Tuấn cho biết, trồng theo quy trình dâu sạch, năng suất dâu có thể giảm hơn so với bình thường, tuy nhiên, gần như 100% sản phẩm thu được đều đạt chất lượng tốt, trái dâu bóng đẹp, đều màu, vị ngọt thơm và đặc biệt sạch bệnh.

Giá dâu tây của vườn anh Tuấn cũng luôn ở mức cao, từ 140.000 – 200.000 đồng/kg, tùy kích cỡ, cao hơn 40 – 50% so với giá dâu thường nhưng vẫn luôn hút hàng, sản phẩm thu được không đủ đáp ứng nhu cầu của khách. Vào chính vụ mỗi ngày vườn dâu Bà Lan thu hoạch từ 50 – 70 kg/sào (tương đương 360m2), ngày trái vụ sản lượng khoảng 30 – 40 kg/sào.

“Nhu cầu sử dụng dâu sạch trên thị trường rất lớn nhưng để trồng được dâu theo quy trình sạch bệnh, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất tốn kém, hơn nữa phải cẩn thận trong từng khâu nên nhiều nông dân e ngại” - anh Tuấn chia sẻ. Ngoài thị trường trong nước, dâu tây Bà Lan đang từng bước tiếp cận thị trường xuất khẩu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan…

Thời gian tới, anh Tuấn cũng sẽ kết hợp với Sở NNPTNT Lâm Đồng hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu sạch cho nhiều hộ nông dân khác. Hiện diện tích dâu tây của tỉnh có khoảng 80ha (tương đương 800.000m2), tuy nhiên, do sâu bệnh tấn công, nhiều vườn dâu đã bị nhổ bỏ nên diện tích thực tế chỉ còn khoảng 50ha (tương đương 500.000m2).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thuận Hải ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN