Hết thời dâu tây

Những năm qua, dịch bệnh trên cây dâu tây Đà Lạt xuất hiện tràn lan không có thuốc chữa đã khiến diện tích và sản lượng loại đặc sản này bị giảm sút nghiêm trọng. Nhà vườn lo lắng, cơ quan chức năng lúng túng vì không tìm được nguyên nhân gây bệnh.

Ký ức mùa dâu tây

Đầu hè, cái nắng chiều tà cao nguyên cắt phăng những cánh rừng thông bạt ngàn rơi vào những nông dân đang loay hoay làm cỏ cho vườn dây tây lắm bệnh, nhiều tật tạo ra những cái bóng người liêu xiêu trải dài trên đất. Không ai nhớ rõ dâu tây du nhập vào Đà Lạt cụ thể vào năm nào, chỉ biết rằng nó xuất hiện từ thời Pháp thuộc, do những người Pháp đưa giống từ chính quốc sang trồng ở Đà Lạt để làm món tráng miệng hằng ngày.

Nhiều người lớn tuổi nơi đây kể lại rằng, sau ngày giải phóng, ấp Hà Đông ngày nay chính là nơi trồng cây dâu tây nhiều nhất Đà Lạt, vì thổ nhưỡng Hà Đông kích thích dâu tây phát triển tốt nhất. Ngày đó dây tây được trồng không phải các giống như bây giờ, không biết tên giống là gì, để phân biệt giống dâu tây có xuất xứ từ khi người Pháp đưa sang với những loại dâu tây giống mới ngày nay người Đà Lạt gọi đó là dâu tây địa phương.

Dây tây địa phương quả nhỏ, năng suất thấp, dễ dập nát, màu sắc nhạt, không đẹp như các loại dâu tây bây giờ nhưng lại có hương thơm đặc biệt, ngọt và ngon mà dâu tây ngày nay không sao sánh kịp.

Chị Nguyễn Thị Hải, đường Trạng Trình (TP Đà Lạt) đã có trên dưới 20 năm trồng dây tây tiếp chuyện tôi tại vườn dâu tây giống Mỹ Hương của gia đình cứ tiếc nuối giống dâu tây Mỹ Đá mà ngày nay gia đình chị không sao trồng được nữa, mặc dù trước đó chị đã chạy vạy khắp “các thầy” để thuê bắt bệnh, tìm thuốc cắt đơn chữa trị nhưng bất thành.

Chị Hải tâm sự, cách đây khoảng 5 năm, giống dâu Mỹ Đá cho năng suất rất cao nhưng cũng từng chừng ấy năm trở lại đây, loại dâu này bỗng dưng lâm bệnh rồi chết hàng loạt mà không sao kiểm soát nổi. Các nhà thực vật của tỉnh xuống vườn lấy mẫu về “khám” nhưng phải bó tay vì không xác định được bệnh gì, họ chỉ nói do một loại nấm hay vi rút gì đó gây ra, khuyên người trồng nên nhổ dâu đốt bỏ, rải vôi khử trùng để hạn chế mầm bệnh lây lan trong tự nhiên.

Nghe những người trồng dâu tây như chị Hải kể thì nông dân trồng dâu tây Mỹ Đá ở Đà Lạt nuối tiếc loại giống này cũng là điều dễ hiểu. Bởi chỉ với 2 sào dây tây giống Mỹ Đá, trung bình mỗi lần hái chị Hải thu hoạch khoảng 2 tạ, bán tại vườn với giá bèo nhất là 30.000 đồng/kg cũng đã 6 triệu trong tay, trừ mọi chi phí chị còn lãi hơn một nửa.

Chỉ tay về phía mấy căn nhà lầu gần đường Trạng Trình, ông Vũ Văn Tới quả quyết với tôi rằng: “Đó, tất cả là nhờ dâu tây cả đó!”.

Theo ông Tới, thời ấy nhờ dây tây mà nhiều gia đình ở Đà Lạt xây cất được nhà lầu, sắm nhiều vật dụng trị giá hàng chục triệu đồng, nuôi con đi đại học, lại còn có tiền bỏ nhà băng... Dâu tây sau 3 tháng trồng thì cho thu hoạch quanh năm, cứ hai ngày hái quả một lần. Nếu chăm sóc tốt tuổi thọ dâu tây có thể kéo dài đến 7, 8 năm.

Hết thời dâu tây - 1

Dâu tây giống Mỹ Đá cho năng suất cao nhưng chết hàng loại

Bao giờ trở lại ngày xưa

Khoảng 5 năm trở lại đây, đặc biệt là sau năm 2010, những vườn dâu tây giống Mỹ Đá mà người dân Đà Lạt thường trồng bỗng lăn ra chết hàng loạt mà chạy mãi nhưng cũng không có thuốc chữa. Thời điểm này, tưởng chừng dâu tây Đà Lạt sẽ bị xóa sổ bởi từ vài trăm héc ta trước đó giảm xuống chỉ còn 40 héc ta, số dâu còn lại này hầu hết trong tình trạng ngắc ngoải vì bệnh tật hoành hành.

Trong khi đó, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã hai lần gửi mẫu bệnh đi các Trung tâm nghiên cứu tại Hà Nội và TPHCM để nhờ phân tích, truy tìm nguồn bệnh. Tại địa phương, Trường đại học Đà Lạt cũng sốt sắng vào cuộc “bắt bệnh” cho cây dâu tây nhưng tất cả đều lắc đầu vì không tìm được nguyên nhân gây bệnh để “bốc thuốc”.

Bực mình, các nhà nông Đà Lạt lại quay về sử dụng giống dâu Mỹ Hương, vốn đã bị “khai trừ” cách đây hàng chục năm vì cho năng suất và chất lượng kém nhưng lại có ưu điểm là sâu bệnh không hạ gục được loại dâu này như giống Mỹ Đá, nhờ đó mà diện tích dâu tây tại Đà Lạt từ cuối năm 2011 đến nay được mở rộng hơn nhưng người trồng dâu tây thì không vui, mặc dù giá bán tại vườn lúc nào cũng đắt đỏ.

Cô Huỳnh Thị Ngọc (phường 9, TP Đà Lạt) ngồi giữa vườn dâu tây Mỹ Hương xanh mướt, rộng gần 2.000 m2 chép miệng chán nản vì dâu không chịu ra quả để bù sức đầu tư, chăm sóc của khổ chủ.

“Giá có cao hơn trước kia, nhưng dâu lại không chịu ra quả. Cũng diện tích này, hồi giống Mỹ Đá chưa bị bệnh chết hàng loạt mỗi lần nhà tôi thu hoạch được 2 tạ, nay giống Mỹ Hương cho thu hoạch chỉ 40 kg là cao. Chán lắm nhưng không trồng để đất không cũng hoang phí, nếu trồng rau thì đất không hợp, thôi tôi cứ trồng đại giống Mỹ Hương đi được ít nào hay ít đó” – chị Ngọc ngao ngán nói với tôi như vậy.

Tại Đà Lạt, sau khi dâu tây bệnh dịch bệnh hoành hành, người trồng bắt đầu “khát” giống dâu sạch bệnh. Bắt được nhu cầu này, một số trung tâm nuôi cấy mô có uy tín đã nhanh chóng nhân giống dâu tây bằng phương pháp vô tính để tung ra thị trường với tên gọi “dâu tây sạch bệnh”.

Theo anh Vũ Văn Thắng, đường Nguyên Tử Lực, phường 8, TP Đà Lạt, đúng là dâu tây một số đơn vị mới đưa ra thị trường có sạch bệnh thật nhưng trái lại rất ít, nó vẫn không đáp ứng được mong mỏi của người trồng.

Dâu tây được xem là đặc sản của Đà Lạt, nhờ nó mà một thời những nhà nông nơi đây ăn nên làm ra.

Tiếc thay, những cây dâu tây ngày nay vẫn còn đó nhưng không được ưu ái, mặn mà nữa, vì nó không đem lại hiệu quả kinh tế như mong đợi.

Chia tay chị Hải, chị Ngọc, anh Thắng vào lúc chiều muộn, ánh nắng cao nguyên đã tắt tôi còn nhớ mãi lời than rất thật của chị Ngọc: "Bao giờ dâu tây mới được như ngày xưa!".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cao Nguyên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN