Dâu, nhót được mùa, nhưng không là cây chủ lực

Sự kiện: Kinh Doanh

Từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4 là thời điểm người dân nhiều xã ngoại thành Hà Nội tất bật vào vụ thu hoạch quả dâu, quả nhót, thu mỗi ngày cả triệu đồng. Vài năm trở lại đây, nhiều nơi nở rộ việc trồng cây dâu, cây nhót và coi đây là những loại cây ăn quả ngắn ngày “mới nổi”. Tuy nhiên, mở rộng diện tích trồng ồ ạt mà không đảm bảo được thị trường tiêu thụ ổn định thì tình trạng ứ thừa, giá rẻ rất dễ xảy ra.

Đua nhau trồng dâu, nhót vì giá bán cao

Tại nhiều xã ngoại thành Hà Nội như Dương Liễu, Tiền Yên, Đắc Sở (huyện Hoài Đức), Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ), Sài Sơn (huyện Quốc Oai),  Song Phượng (huyện Đan Phượng)… những vườn dâu, nhót đang vào mùa thu hoạch, tấp nập người đi hái quả và thương lái đến thu mua.

Mặc dù trời mưa nhưng tại bãi bồi xã Dương Liễu (Hoài Đức), hai bố con ông Ngô Văn Tiền cùng với nhiều hộ dân vẫn đi hái dâu, vì quả dâu khi chín mà gặp nước mưa rất dễ bị dập nát. Vài năm trước, khi thấy việc trồng dâu thu lợi nhuận cao hơn việc trồng ổi, táo nên ông Tiền và nhiều hộ dân thuê đất bãi để trồng dâu. Sau khi trồng 2 năm thì cây dâu cho quả, đến nay đã được 4 vụ thu hoạch.

Dâu, nhót được mùa, nhưng không là cây chủ lực - 1

Ông Nguyễn Trọng Thắng, ở xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức) đang làm thêm giàn để mở rộng diện tích trồng nhót.

Những ngày này, khi quả dâu chín tím đỏ cả vườn, ông Tiền huy động cả nhà đi hái dâu mải miết từ sáng tới chiều để kịp cung cấp cho thương lái đến thu mua. 14 gốc dâu nhà ông cả vụ cho gần 1 tấn quả, thu về cả chục triệu đồng.

Ba sào đất bãi của ông Nguyễn Trọng Thắng ở Dương Liễu trước kia trồng táo, ổi và bưởi nhưng vài năm nay được thay thế bằng cây nhót. Tìm đến nhà ông Thắng, nhót chín đỏ ối từ cổng, vườn trước, vườn sau, cả hàng rào bao quanh nhà cũng là cây nhót. Ông Thắng cho biết, lúc đầu chỉ có một vài nhà trồng nhót để ăn trong gia đình.

Sau thấy có người đến mua với giá cao nên người dân đua nhau trồng, diện tích trồng nhót dần được mở rộng. Giá nhót bán tại vườn khá cao, từ 30-50 nghìn đồng/kg. Năm nay, gia đình ông Thắng thu hoạch cả tấn nhót, thu về vài chục triệu đồng. Vừa thu hoạch nhót, ông Thắng và nhiều hộ dân vừa tranh thủ thời tiết mưa ẩm để trồng thêm nhiều gốc nhót mới và dựng giàn nhót nhằm tăng sản lượng những vụ sau.

Không chỉ ở Dương Liễu, xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ) trước kia trồng nhiều bưởi, ổi thì nay được coi là vựa dâu, thu hoạch khoảng 10 tấn quả dâu mỗi ngày bán cho thương lái. Xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) có khoảng 30 hộ dân trồng dâu, tổng diện tích lên tới hơn 1ha.

Quả dâu, nhót được thương lái mang bán ở các chợ đầu mối, một số tuyến phố ở nội thành Hà Nội. Dâu được người dân mua về ngâm rượu, ngâm đường, chế biến làm nước giải khát, giá khoảng 30 nghìn đồng/kg. Riêng nhót là thứ quả ăn vặt hấp dẫn của các bà, các chị, có giá 50-70 nghìn đồng/kg. Nhiều thương lái còn vận chuyển nhót vào tận TP. HCM bán giá cao tới 150-200 nghìn đồng/kg.

Dâu, nhót chỉ là cây trồng phụ

Theo ông Đỗ Hoàng Trung, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ) thì cây dâu, cây nhót là những cây trồng mới đem lại nguồn thu nhập cao, tuy nhiên chỉ là cây trồng tạo thu nhập thêm, không phải là cây trồng chủ lực ở địa phương.

Vì vậy khuyến cáo người dân nên giữ nguyên diện tích trồng dâu hiện tại, không nên mở rộng diện tích hoặc phá bỏ những cây ăn quả như táo, ổi, bưởi để trồng dâu thay thế. Bởi nếu diện tích trồng dâu, nhót tiếp tục được mở rộng thì những năm tới, người dân sẽ gặp khó khăn ở đầu ra.

Thực tế thì giá quả dâu hiện tại so với những năm trước đã giảm đi. Ông Ngô Văn Tiền, ở xã Dương Liễu cho biết, những năm trước, ít người trồng, giá dâu khá cao, từ 25-30 nghìn đồng/kg. Nhưng đến nay nhiều nhà thi nhau trồng loại cây này thì giá giảm dần, còn khoảng 10-15 nghìn/kg, có những lúc giảm xuống 8 nghìn/kg.

Hơn nữa, dâu, nhót khi chín rất mềm, dễ dập nát, việc thu hoạch, bảo quản và vận chuyển cũng rất kì công. Nếu thời tiết không thuận lợi, quả chín không thu hoạch kịp là nẫu hỏng, thương lái không mua. Cây dâu và cây nhót mỗi năm chỉ cho 1 vụ, quả chín đồng loạt nên việc thu hoạch chỉ diễn ra trong vòng 3-4 tuần là hết mùa. Nếu không được thu mua kịp thời, quả dâu, nhót chín và rụng là đổ bỏ đi cả loạt.

Nhiều bà con trồng dâu, nhót cho biết, việc mở rộng đất trồng hai loại cây này là tự phát, người nọ trồng theo người kia. Cũng không có cơ sở nào đăng kí bao tiêu quả dâu, nhót. Bà con cứ trồng, đến mùa thì thương lái tìm đến mua, nay người này, mai người khác không cố định.

Tuy đây là những loại cây dễ trồng, cho quả sớm nhưng năng suất phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Theo đánh giá chung của nhiều hộ dân thì năm nay nhót không được mùa, sản lượng thấp hơn, chất lượng quả cũng kém hơn năm ngoái.

Chứng kiến cảnh bà con vất vả thu hoạch dâu, nhót xuyên trưa để kiếm những đồng tiền chờ đợi cả một năm, chúng tôi vừa vui lại vừa lo. Vui vì bà con có thêm thu nhập, lo vì bà con cứ vô tư trồng thêm dâu, nhót, về lâu dài liệu có hiệu quả, hay lại thừa ứ, đổ bỏ như nhiều loại cây trồng trước đây?

Mận hậu đầu mùa 200 ngàn/kg vừa chát vừa chua mà chị em vẫn không tiếc tiền vì thèm

Mận đầu mùa tuy chưa thật sự ngon như chính vụ những vẫn làm bao chị em thích mê mệt. Chẳng thế mà dù mận đắt thì...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huyền Châm ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN