Dân bỏ rẫy vào rừng tìm trái mây xuất Trung Quốc

Việc thương lái lạ thu mua lá mãng cầu xiêm ở các tỉnh miền Tây còn "nóng hôi hổi" thì tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, người dân lại ồ ạt vào rừng tìm trái mây rừng để bán cho thương lái Trung Quốc. Vì sao nhiều bài học nhãn tiền mà người dân vẫn chưa cảnh giác với trò thu mua dị biệt thương lái Trung Quốc?

Nửa tháng trở lại đây, nhiều người dân tại các xã Quảng Trực (Tuy Đức), Đắk Som (Đắk Glong), một số xã tại huyện Krông Nô tỉnh Đắk Nông bỏ việc vườn rẫy đi tìm trái mây rừng bán cho thương lái.

Giá mà các thương lái đưa ra là từ 100.000 đồng đến 170.000 đồng/kg.

Ngày 20/3, dọc quốc lộ 28 từ thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) đến huyện Di Linh ( Lâm Đồng) nhiều thương lái ngồi ven đường, trước các cửa rừng để đón mua của người dân đi rừng hái trái mây rừng về. Trái mây rừng nhìn bề ngoài gần giống trái vải còn xanh nhưng khi chín chuyển màu vàng, sau khi bóc lớp vỏ ngoài, hạt rất cứng, ruột mềm, có vị ngọt...

Dân bỏ rẫy vào rừng tìm trái mây xuất Trung Quốc - 1

Trái mây rừng được thương lái thu mua với giá 100.000 đồng đến 170.000 đồng/kg.

Ông Hạnh (một thương lái tại huyện Di Linh) cho biết trái mây rừng đem bán sang Trung Quốc để làm vòng đeo tay. "Họ còn nói là để trừ tà, chẳng biết có đúng không?" - ông Hạnh nói thêm.

Ông Đoàn Hồng Quân - chủ tịch UBND xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức, Đắk Nông) - cho biết tại xã hiện có rất nhiều người dân H'Mông thường lên rừng tìm trái mây rừng bán. Tại xã còn có hai điểm thu mua trái mây rừng của người dân, thương lái.

Về việc này, ông Nguyễn Ngọc Tài - chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Nông cho biết sẽ phối hợp để điều tra xem các thương lái mua trái mây rừng với mục đích gì và có phải đem bán cho thương lái Trung Quốc không rồi sẽ thông tin cho báo chí.

Vì sao thương lái Trung Quốc lừa được nông dân Việt?

Ông Nguyễn Đình Bích, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng, việc thu mua những thứ dị biệt với giá cao của thương lái Trung Quốc, thực chất ở đây thương lái Trung Quốc đã tạo ra nguồn cung ảo, cầu ảo và loại cung ở đây là không có giá trị. Lý do là họ có thể thổi giá nguồn cung tùy ý vì không có giá trị như con đỉa thì làm sao xác định được giá nó là bao nhiêu, không ai biết nó có giá trị sử dụng thế nào. Khi đã thổi được giá, thao túng được thị trường thì họ… biến luôn.

Cuối cùng, người dân và thương lái nước ta lại mua chính hàng mình đã bán, hàng hóa không tiêu thụ mà chỉ chuyền tay qua lại và thương lái Trung Quốc kiếm lợi nhuận, còn ai ôm hàng thì mang nợ, nông dân thì làm hại ruộng vườn mình. Chiêu bài này họ làm hoài được vì lòng tham.

Và chiêu bài quen thuộc của những thương lái Trung Quốc vẫn là mua giá cao ngất ngưởng, tung tin mua với số lượng lớn và bỗng dưng biến mất, làm thương lái lẫn nông dân nước ta "ôm hận".

Bất ngờ hay có thể nói là bất thường, theo thông tin từ các cơ quan hải quan cửa khẩu đưa ra thì số lượng thực tế các loại nông sản “dị biệt” mà thương lái TQ thu mua không hề được xuất qua biên giới. Chỉ có rất ít các mặt hàng như rễ sim, cây ngâu,… được xuất sang, nhưng nếu so với số lượng mà thương lái TQ thu mua thì chênh lệch lớn.

Dân bỏ rẫy vào rừng tìm trái mây xuất Trung Quốc - 2

Thương lái lạ đến các tỉnh miền Tây thu múa lá mãng cầu xiêm, đẩy giá lên cao gấp đôi rồi... biến mất.

Thương lái Trung Quốc chỉ “lừa” tại Việt Nam: Lỗi tại ai?

Theo TS Lê Đăng Doanh – nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, việc mua lá cây điều, lá khoai lang hay mầm, rễ cây thảo quả là hành động phá hoại kinh tế, không phải hành động thương mại. Hành động thương mại tức là sự mua bán 2 bên cùng có lợi.

Theo TS Lê Đăng Doanh, cần có một nghiên cứu, khảo sát, báo cáo đầy đủ về các thủ đoạn, hành vi của thương lái Trung Quốc trên cơ sở đó, Bộ Công thương cần có hướng dẫn cụ thể, đối với thương lái không có lai lịch, đăng ký khi mua cần phải báo cáo và phải ngăn chặn về mặt pháp luật hoặc thông báo đến nông dân, địa phương để có biện pháp phòng ngừa, cảnh giác.

“Thương lái Trung Quốc không phải muốn làm gì cũng được. Các hành vi này chỉ mới thấy ở Việt Nam, chưa thấy ở các nước láng giềng khác”, TS Lê Đăng Doanh nói.

TS Lê Đăng Doanh cho biết, để tình trạng này diễn ra ở nhiều địa phương khác nhau, với nhiều mặt hàng khác nhau trong một thời gian dài một phần vì người dân hám lợi, thấy mua với giá cao ồ ạt đi trồng, thu mua, mong có thu nhập trước mắt. Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn là do chính quyền địa phương, cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm.

Mới đây, Bộ Công thương đã liên hệ với các sở Công thương và các sở chức năng tại các địa phương, chi cục Quản lý thị trường và cán bộ các Sở công thương đã trao đổi trực tiếp với nông dân các vùng miền.

Theo đó, yêu cầu việc mua đi bán lại với các thương lái phải có địa chỉ rõ ràng, có hợp đồng mua bán khi diễn ra việc mua nông sản, nhiều trường hợp khi được yêu cầu có đủ các điều kiện này, đã “lặn mất tăm”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Anh (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN