Đã đến lúc phải bỏ 'bàn tay thép' áp trần giá sữa ?

Biện pháp áp trần giá sữa không đạt được kết quả như kỳ vọng.

Sau khi áp dụng một số biện pháp như đăng ký giá, kê khai giá,… nhưng không phát huy tác dụng, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 1079/2014 áp đặt giá trần với sản phẩm sữa bột cho trẻ em dưới sáu tuổi. Theo đó mức giá bán buôn của nhiều sản phẩm sữa bị khống chế giá trần thấp hơn 10%-15% so với giá bán buôn hiện hành; giá bán lẻ được quy định không được cao hơn quá 15% so với giá bán buôn.

Mục tiêu của quyết định này, theo Bộ Tài chính là nhằm góp phần ổn định thị trường sữa. Tuy nhiên, thực tế quyết định này khiến môi trường kinh doanh trong lĩnh vực sữa méo mó, doanh nghiệp (DN) sữa nội chịu nhiều thiệt thòi và người tiêu dùng không được hưởng lợi.

Doanh nghiệp nội yếu thế

Một số cửa hàng kinh doanh sữa ở khu vực đường Nguyễn Thông (quận 3, TP.HCM) cho biết thời gian qua một số hãng vẫn tăng giá sữa. Cụ thể, khoảng nửa tháng nay một hãng sữa tăng dòng sản phẩm cao cấp thêm 6%, đẩy giá dòng số 1 từ mức 420.000 đồng/hộp 900 g lên 460.000 đồng/hộp. “Dù Nhà nước áp giá trần giá sữa nhưng thật ra các mặt hàng được người tiêu dùng chọn mua đều không giảm, thậm chí tăng cao” - anh Lê Văn Lương, chủ một cửa hàng sữa phản ánh.

Không chỉ vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, để đối phó với việc phải giảm giá sữa theo quyết định trên, hiện trên thị trường xuất hiện một số sản phẩm sữa ghi là sữa dành cho trẻ 1-10 tuổi. Với việc gia tăng độ tuổi cho người sử dụng, các công ty sữa sẽ lách được quy định áp dụng giá bán buôn, bán lẻ tối đa. Chưa hết, không ít hãng sữa còn áp dụng nhiều chiêu nhằm lách quy định áp giá trần như thay đổi trọng lượng sữa, đổi tên thành thực phẩm dinh dưỡng, sản phẩm bổ sung vi chất...

Trong khi đó một số công ty sản xuất kinh doanh sữa nội than thở từ khi áp giá trần thì lợi nhuận và doanh số giảm mạnh. Đặc biệt khả năng cạnh tranh giữa công ty nội với đối thủ ngoại giảm sút. Lý do là khi áp giá trần có mặt hàng sữa nội buộc phải giảm 15% trong khi sữa ngoại chỉ giảm hơn 1%. Do giá sữa nội vốn đã thấp hơn sữa ngoại, khi bị áp thêm mức giảm này khiến DN nội càng khó khăn hơn.

Đã đến lúc phải bỏ 'bàn tay thép' áp trần giá sữa ? - 1

Với việc áp giá trần, người tiêu dùng cũng không được lợi bao nhiêu. Ảnh: HTD

“Việc áp giá trần sữa như trong thời gian qua là không hợp lý. Nếu việc áp giá trần tiếp tục được thực hiện sẽ khiến cho công ty nội khó đầu tư phát triển thêm các sản phẩm mới và điều này khiến người tiêu dùng thiệt thòi vì không có nhiều sản phẩm để chọn lựa” - đại diện một công ty sữa không muốn nêu tên cho biết.

Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM Trần Quang Thắng cũng nhận định: “Với việc áp giá trần, công ty nội bị yếu thế hơn trong cạnh tranh với công ty ngoại, người tiêu dùng cũng không được lợi bao nhiêu”.

Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) mới đây công bố báo cáo cho rằng việc Bộ Tài chính can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN thông qua các biện pháp hành chính như áp đặt giá bán tối đa không chỉ tác động tới kết quả hoạt động ngắn và trung hạn của DN, mà còn ảnh hưởng đến thương mại và triển vọng đầu tư trong dài hạn.

Nên bỏ áp trần giá sữa

Nhiều ý kiến cho rằng việc áp giá trần đối với sữa chỉ nên được coi như là một biện pháp nhất thời khi thị trường có biến động bất thường. Khi thị trường hoạt động bình thường thì phải gỡ bỏ biện pháp này.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, nhấn mạnh: “Tôi nghĩ không thể kéo dài chính sách áp trần giá sữa, chúng ta phải hành xử theo cơ chế của kinh tế thị trường. Gỡ bỏ biện pháp áp trần giá sữa để tránh những hệ lụy không tích cực cho môi trường đầu tư, kinh doanh”.

Ông Hưng cũng chỉ ra nếu cứ tiếp tục áp trần giá sữa thì các hãng sữa tìm nhiều cách để tăng giá, lách quy định. Ví dụ hôm nay tung ra bán sữa được quảng cáo là có chất A giúp cao lớn, mai tung ra sữa thông minh... thực chất là để tăng giá.

Tán đồng với quan điểm trên, ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, nhận định Việt Nam đã tham gia luật chơi chung với thế giới, do đó Nhà nước không nên dùng biện pháp hành chính để can thiệp vào thị trường lâu dài được. “Chúng ta đã hội nhập sâu với cộng đồng thế giới, Nhà nước không thể can thiệp bằng việc áp trần giá sữa. Ở các nước, Nhà nước không can thiệp vào những vấn đề tương tự như thế này mà do các hiệp hội đảm nhiệm. Hiệp hội có vai trò nghiên cứu thị trường, luật... để hướng dẫn các thành viên tuân thủ cho đúng. Nếu đơn vị nào “có vấn đề” sẽ bị phạt, bị đăng thông tin để người tiêu dùng biết và chọn lựa thương hiệu uy tín” - ông Thắng nêu quan điểm.

Các chuyên gia từ Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng thuộc EuroCham cũng đề nghị thay vì sử dụng “bàn tay thép” để áp giá trần sữa bằng các mệnh lệnh hành chính, đã đến lúc các cơ quan chức năng ở Việt Nam nên nâng cao chất lượng quản lý, kiểm tra, kiểm soát thuế. Qua đó nhằm đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nhà sản xuất, người tiêu dùng và tạo môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh theo đúng các cam kết quốc tế.

Ngành sữa còn “độc quyền”

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, nên tạo mọi điều kiện để nhiều DN tham gia vào thị trường sữa, tránh sự “độc quyền”. Nếu mở rộng cửa cho nhiều nhà cung ứng thì cung cầu sẽ gặp nhau. Khi đó giá cả do cung cầu quyết định nên sẽ khó có chuyện tăng giá sữa bất hợp lý và các hãng cũng sẽ không thể tự nâng giá lên bất thường. Đáng tiếc là hiện nay dường như vẫn còn “độc quyền” trong một số nhóm nào đó để đẩy giá sữa lên.

Một cuộc khảo sát do EuroCham thực hiện đã chỉ ra 60% số người dân cho rằng họ không hưởng lợi hoặc hưởng lợi rất ít từ các biện pháp can thiệp vào giá sữa của Nhà nước.

_________________________________________

Cuối tháng 5 vừa qua, khi làm việc với đại diện thương mại Hoa Kỳ, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết sẽ xem xét bỏ giá trần sữa trẻ em dưới sáu tuổi vào thời gian tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Uyên (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN