Cuối năm, hàng hoá ê hề sức mua vẫn èo uột

Sự kiện: Hàng Tết 2019

Còn khoảng hơn một tháng nữa là bước vào cao điểm mua sắm Tết, nhưng nhìn vào thu nhập và sức mua của người dân trong suốt năm qua, cùng với dự báo lương - thưởng Tết… đã có thể hình dung thị trường ế ẩm ra sao.

Hàng hoá ngập phố

Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, năm nay do Tết Dương lịch 2014 và Tết Nguyên đán cách nhau chỉ 1 tháng, vì vậy dự báo sức mua sẽ tăng nhẹ vào những ngày cận Tết, lượng hàng hóa tiêu thụ sẽ tăng 20% so với Tết Quý Tỵ 2013. Để đảm bảo cung cầu, các doanh nghiệp của TP HCM đã cơ bản hoàn tất kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, với tổng giá trị hàng hóa cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Giáp Ngọ là gần 7.600 tỷ đồng, tăng gần 2.200 tỷ đồng so với cùng kỳ Tết năm ngoái.

Tại các chợ đầu mối hiện cũng đã hoàn thành kế hoạch phục vụ Tết với lượng hàng hóa nhập chợ trong những ngày cao điểm dự kiến đạt trên 8.000 tấn/ngày, tăng 50% - 70% so với ngày thường. Riêng chợ đầu mối Bình Điền trong tháng 12/2013 sẽ khai trương đưa vào hoạt động kho lạnh với công suất 21.000 tấn, diện tích 11.000m² đáp ứng nhu cầu bảo quản hàng hóa. Ở khu vực các chợ truyền thống, Sở Công Thương phối hợp với Ngân hàng Sacombank đã triển khai gói vốn vay 1.500 tỷ đồng, lãi suất 9% hỗ trợ tiểu thương chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết. Cùng với các doanh nghiệp bình ổn, các doanh nghiệp sản xuất bánh mứt, nước giải khát đã nắm chắc nguồn cung và lượng hàng cung ứng ra thị trường.

Cuối năm, hàng hoá ê hề sức mua vẫn èo uột - 1

“Xả” hàng, khuyến mại để kéo sức mua cuối năm. Ảnh: Tuấn Vương

Các doanh nghiệp bánh kẹo cũng đưa ra nhiều sản phẩm mới, với sản lượng tăng từ 20%-30% so với năm ngoái. Ở góc độ nhà phân phối, bà Bùi Hạnh Thu, Phó tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, hiện đơn vị này đã làm việc xong với các nhà cung cấp và doanh nghiệp sản xuất về lượng hàng hóa cũng như chốt giá đối với nhiều mặt hàng thiết yếu để phục vụ Tết, với tổng giá trị hàng hóa đạt khoảng 5.000 tỷ đồng. Mặt khác, Saigon Co.op cũng đang phối hợp thực hiện chương trình “Tết Việt, hàng Việt” đã chào gọi cho 1.000 nhà cung cấp nên sử dụng gói quà từ hàng Việt để tặng cho công nhân. Tương tự, ông Trần Thành Nam, Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Saigon (Satra) cũng cho hay đã chuẩn bị 10.000 tấn hàng hóa các loại, trị giá 1.500 tỷ đồng, trong đó có 1.000 tấn gạo, 2.500 tấn đường, 500 tấn dầu ăn và nhiều mặt hàng khác như thực phẩm tươi sống và chế biến để đảm bảo cung ứng cho thị trường Tết.

Trông chờ vào thưởng Tết

Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Hồng, với sự chuẩn bị đầy đủ và chu đáo, thị trường Tết Giáp Ngọ tại TP HCM sẽ không rơi vào tình trạng thiếu hàng, sốt giá. TP HCM cũng đã giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu địa bàn nào để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá trong dịp Tết.

Thế nhưng, nhìn vào các doanh nghiệp dệt may, da giày… đang tập trung “xả” hàng cuối năm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, hội chợ… thì sức mua vẫn quá yếu. Khách hàng thì rất đông nhưng chủ yếu chỉ là ngắm, sờ, lựa… cho vui, còn người mua chỉ đến trên đầu ngón tay. Chị Nguyễn Lê Ngọc Trinh, phụ trách bán hàng khu quần áo tại siêu thị Co.op Mark Rạch Miễu, quận Phú Nhuận cho biết, có những nhãn hàng đổ đống, giảm giá đến 50%-60%, hàng rất thời trang, đẹp nhưng vẫn không có khách mua. “Họ chỉ đến siêu thị nhìn ngắm, đưa lên lại bỏ xuống là chính. Như cuối tuần qua, khách vô siêu thị nườm nượp nhưng chỉ bán được 20-30 triệu đồng”, chị Trinh ngán ngẩm.

Tại các con đường bán quần áo thời trang, giày dép nổi tiếng sầm uất như: Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng (quận 1), 3/2 (quận 10), Nguyễn Đình Chiểu (quận 3)… đã có rất nhiều cửa hàng trả lại mặt bằng từ giữa năm vì buôn bán không đủ trả tiền thuê nhà. Anh Quang Minh, quản lý cửa hàng giày dép Hồng Thạnh trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận cũng than thở: “Mọi năm, vào thời điểm trước Noel là đã có khách, đông dần cho đến trước Tết nhưng năm nay, đã gần đến Tết Dương lịch rồi mà sức mua chưa thấy “nhúc nhích” gì”.

Nói về kế hoạch chi tiêu Tết, anh Nguyễn Thành Tấn, công nhân một công ty lắp ráp điện tử cho hay: “Vợ tui buôn bán nhỏ, có đứa con gái 4 tuổi. Toàn bộ kế hoạch chi tiêu Tết tôi vẫn chưa lên vì còn chờ tiền thưởng Tết, nghe đâu chỉ khoảng 3 triệu. Vợ chồng tui sẽ mua cho con gái bộ váy đầm, đôi giày mới, “bèo” lắm cũng mất hết 500.000 đồng. Cũng phải dành ra một khoản để mừng tuổi ông, bà, con cháu hai bên nội, ngoại. Rồi giao tế với anh em, bạn bè… cả trăm thứ phải lo, phải chi, nên tui bàn cùng vợ sẽ chỉ mua chục ký gạo ngon, thịt cá, trứng để kho nồi thịt thật to, ăn dần trong mấy ngày Tết. Tết này nghỉ đến 9 ngày, nên cái ăn là ưu tiên hàng đầu”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quốc Định (Gia đình xã hội)
Hàng Tết 2019 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN