"CPI không tăng vì dân không có tiền"

Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi nói thẳng rằng: “Lạm phát xuống thấp, không phải do chúng ta giỏi trong điều hành. CPI không tăng vì dân không có tiền để chi tiêu”.

Cũng như thời điểm một năm trước, CPI chìm trong đà giảm và nếu như một năm trước, diễn biến này đã dấy lên một loạt các câu hỏi trong giới chuyên gia như CPI giảm nên mừng hay lo, nên mừng nhiều lo ít hay là ngược lại... thì đến nay, hầu như không ai còn muốn hỏi nữa, vì diễn biến CPI giảm, giờ đã là mối lo hiện hữu không còn gì phải băn khoăn.

CPI tháng 4 chỉ tăng ở mức 0,02% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 4 năm qua. So với tháng 12/2012, CPI tháng 4/2013 tăng 2,41%, cũng là mức tăng thấp nhất trong 4 năm qua.

Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Ngô Trí Long cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mức tăng CPI như vậy là do sức mua cạn kiệt, hàng tồn kho lớn. Sức mua, hàng tồn kho và chỉ số giá tiêu dùng lại có mối quan hệ hữu cơ. Khi sức mua thấp, hàng tồn kho tăng cao, nhiều doanh nghiệp bán đại hạ giá để cắt lỗ, nhằm bảo toàn vốn, thậm chí nhiều doanh nghiệp giải thể.

“CPI giảm thế này cũng không còn mấy ý nghĩa vì người dân có dám tiêu tiền đâu mà được hưởng lợi nhiều từ giá cả giảm. Không còn phải bàn cãi nhiều, nền kinh tế đã chìm sâu vào trong suy giảm, sản xuất hàng hóa không có đầu ra, tồn kho vẫn rất lớn, sản xuất đình đốn, doanh nghiệp phá sản tiếp tục gia tăng...”, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, TS. Cao Sỹ Kiêm nhận định.

"CPI không tăng vì dân không có tiền" - 1

CPI tháng 4 chỉ tăng ở mức 0,02% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 4 năm qua - Ảnh minh họa.

Cũng theo ông Kiêm, tình hình rất đáng báo động. Không nên tiếp tục ru mình trong ảo giác về thành tích kiềm chế lạm phát.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Mai Xuân Hùng thì “đồng ý rằng lạm phát của chúng ta tuy có giảm, nhưng vẫn là ở mức cao trong khu vực, nên không thể lơi là nhiệm vụ kiềm chế lạm phát”.

Nhưng ông Hùng có phân tích, các nền kinh tế khác trong khu vực có mức lạm phát thấp hơn nhiều so với mức lạm phát của Việt Nam, tuy nhiên, đó là mức lạm phát ổn định từ nhiều năm qua, mức lạm phát của họ là bền vững, không phải do những tác động đến từ suy giảm khiến lạm phát giảm như ở Việt Nam.

“Họ luôn giữ được mức lạm phát thấp đi kèm với sự phát triển đều đặn của tăng trưởng kinh tế. Còn chúng ta đã trải qua những thời kỳ tăng trưởng quá nóng và hễ cứ tăng trưởng, là phải đánh đổi bằng lạm phát tăng cao. Tăng trưởng và lạm phát gần như đã luôn là bạn đồng hành của nhau, nên giờ, không có lạm phát, lạm phát thấp, cũng đồng nghĩa với không có tăng trưởng, tăng trưởng thấp”, ông Hùng nói.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn nhắc đến quy luật thông thường là mức tăng của CPI 4 tháng đầu năm sẽ chiếm khoảng 50% mức tăng của CPI cả năm.

“Vì vậy, mức tăng của CPI cả năm nay có thể chưa đến 5%. Kiềm chế lạm phát năm nay sẽ khá thuận lợi. Nhưng khó khăn hơn nhiều là mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đạt ở mức tăng khoảng 5,5% là rất khó khăn”, ông Ngoạn nói.

Về phía Chính phủ, những đánh giá về mức giảm của CPI không nhiều “bi quan” như vậy.

Trong dự thảo báo cáo Chính phủ về tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 mà Chính phủ sẽ trình tại kỳ họp Quốc hội khai mạc vào 20/5 tới, có chỉ ra 4 nguyên nhân khiến CPI giảm mà 3 trong số 4 nguyên nhân này, đều là các yếu tố tích cực.

Đó là, thứ nhất, các cấp các ngành tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp, chính sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý giá cả thị trường, cung - cầu hàng hóa, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái...

Thứ hai là do tổng cầu giảm, trong khi sản xuất trong nước tiêu thụ chậm, tồn kho tăng cao và áp lực của hàng nhập khẩu, nhất là nhập từ thị trường Trung Quốc.

Thứ ba là do quy luật giảm giá một số mặt hàng thiết yếu sau Tết.

Nguyên nhân cuối cùng là do nguồn cung lương thực dồi dào do đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa đông xuân.

Đối với mục tiêu tăng trưởng GDP cũng vậy. Theo Chính phủ, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng GDP quý 1 năm 2013 ước đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm 2012. Ngành xây dựng sau một thời trì trệ, nhờ nỗ lực tháo gỡ khó khăn của các cấp, các ngành, đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, đạt mức tăng trưởng 4,79% trong quý 1 năm 2013, cao hơn mức tăng cùng kỳ 2 năm liên tiếp trước đó (năm 2012 tăng 0,77%; năm 2011 giảm 0,01%)...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Cao Viết Sinh nói: “Mặc dù mức tăng trưởng GDP quý 1 năm 2013 không cao như mong đợi nhưng là mức tăng hợp lý trong điều kiện nền kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, phải ưu tiên tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”.

Ông Sinh cũng cho biết, những nhiệm vụ cấp bách trước mắt được Chính phủ xác định trong thời gian tới, thì đầu tiên là tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm phục hồi nền kinh tế, tạo việc làm, đồng thời với việc ổn định kinh tế vĩ mô. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đoàn Trần (Thời báo Kinh tế Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN