Có nhất thiết phải tăng “sốc” tới 2.000 đồng/lít xăng?

Theo nhận đinh của các chuyên gia, xu hướng phục hồi của thị trường dầu mỏ thế giới những ngày gần đây không quá mạnh khiến giá xăng dầu trong nước phải tăng “sốc”; các doanh nghiệp đã vin vào thuế bảo vệ môi trường để kêu lỗ nặng nhằm gây áp lực lên các bộ ngành phải tăng giá...

Mức tăng kỷ lục

Việc tăng giá xăng dầu từ 21 giờ tối 5.5 thêm 1.950 đồng/lít là mức cao kỷ lục nhất trong các đợt điều chỉnh, đẩy giá xăng hiện tại lên mức 19.230 đồng/lít xăng RON 92 và 19.830 đồng/lít xăng RON 95.

Có nhất thiết phải tăng “sốc” tới 2.000 đồng/lít xăng? - 1
Mức tăng 1.950 đồng/lít là mức cao kỷ lục trong các đợt điều chỉnh giá xăng dầu. Ảnh: Đàm Duy

 Trước đó, từ 28.7.2014 đến ngày 5.2.2015 Bộ Công Thương đã có 15 đợt điều hành giá xăng dầu, trong đó xăng RON 92 có 1 lần giữ giá (ngày 19.9.2014) và 14 lần giảm giá với tổng mức giảm 10.865 đồng/lít. Trước Tết nguyên đán (từ 5.2) đến nay, giá xăng dầu liên tục được giữ ổn định bằng biện pháp chi quỹ bình ổn từ mức 800 đồng/lít xuống còn 340 đồng/lít xăng.

Đợt điều hành ngày 24.2, giá xăng dầu cũng giữ ổn định bằng chi quỹ bình ổn với mức chi là 2.448 đồng/lít xăng. Đợt điều hành ngày 1.3, giá xăng dầu đã tăng từ 700-1.600 đồng/lít kết hợp chi quỹ bình ổn từ 837-1.852 đồng/lít xăng, dầu.

Đợt điều hành ngày 26.3, giá xăng dầu lại được giữ nguyên với biện pháp chi quỹ bình ổn với mức chi là 1.020 đồng/lít xăng. Đợt điều hành ngày 13.4, giá xăng dầu cũng được giữ nguyên và chi quỹ bình ổn 991 đồng/lít xăng.

Về đợt điều hành giá xăng dầu mới đây nhất, một nguồn tin cho biết trong kịch bản điều chỉnh có cả phương án tăng xả quỹ bình ổn và giảm thuế để giữ nguyên giá bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, phương án giảm thuế nhập khẩu với mặt hàng xăng để giảm áp lực tăng giá đã không được chấp thuận.

Cần làm rõ sự kêu lỗ của doanh nghiệp

Các chuyên gia cho rằng, việc tăng giá xăng dầu tới gần 2.000 đồng/lít lần này là quá mạnh, quá “sốc” cho người dân và đã “phá vỡ” tuyên bố trước đó của chính cơ quan quản lý là tăng thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít (với xăng) sẽ không làm tăng mạnh giá xăng dầu sau 1.5.

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, các doanh nghiệp đã vin vào thuế bảo vệ môi trường để kêu lỗ nặng nhằm gây áp lực lên các bộ ngành phải tăng giá “sốc”. “Tất nhiên việc tăng thuế bảo vệ môi trường thì giá xăng bị đội lên là khó tránh. Tuy nhiên, trong điều hành lần này các bộ đã không làm rõ mức lỗ thực sự và sự kêu lỗ của doanh nghiệp ra sao khi áp thuế bảo vệ môi trường để chứng minh cho điều hành tăng giá “khủng” lần này của mình là phù hợp”, ông Thắng nhận định.

Cũng theo đánh giá của vị chuyên gia này, xu hướng phục hồi của thị trường dầu mỏ thế giới những ngày gần đây là có thật song không quá mạnh khiến giá xăng dầu trong nước tăng “sốc” tới gần 2.000 đồng/lít.

Còn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thì bình luận: Do chỉ dựa vào chi quỹ bình ổn mà không giảm thuế nên giá xăng dầu đã phải tăng mạnh như vậy. Quỹ này đã không còn nhiều để có thể bù giá quá lớn. “Chúng ta đã tăng thuế bảo vệ môi trường quá mạnh, giá xăng dầu thế giới lại tăng lên cùng thời điểm nên giờ tăng giá xăng dầu mạnh như vậy người dân chắc chắn sẽ cảm thấy sốc và thiệt thòi”, ông Long phân tích.

Việc giá xăng dầu tăng mạnh gây lo ngại về việc giá cả lại “té nước theo mưa” để tăng lên. Mặc dù trước đó, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, liên bộ sẽ điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc có tăng có giảm phù hợp với diễn biến của giá thế giới. Nếu giá xăng dầu có tăng-giảm tới đây thì cũng phải được cân nhắc phù hợp với các yếu tố sản xuất trong nước và đời sống người dân. 

Tuy nhiên, với thực tế giá xăng tăng tới gần 2.000 đồng/lít thì khó có thể nói là đời sống người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ không gặp khó khăn.

Tại cuộc họp báo quý I của Bộ Tài chính diễn ra hôm 7.4, bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, khi áp thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính sẽ tính toán linh hoạt sử dụng công cụ quỹ bình ổn, chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu phù hợp để cơ bản sẽ không ảnh hưởng đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Thuế bảo vệ môi trường sẽ không làm tăng giá xăng dầu sau 1.5

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN