Chợ, trung tâm thương mại vắng hoe sau Tết

Qua Tết Nguyên đán hơn chục ngày nhưng tại các chợ, nhiều quầy hàng, kiốt vẫn im ỉm đóng cửa vì vắng khách. Tình trạng ế ẩm bao trùm ở cả các trung tâm thương mại TP HCM và Hà Nội…

Đóng cửa vì… ế

Dẫu sát nút Rằm tháng Giêng, thời điểm mua bán sôi động của nhiều năm trước nhưng năm nay, khảo sát tại nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội của PV Báo GĐ&XH cho thấy có những kiốt, quầy hàng vẫn đóng cửa im ỉm. Một số quầy mở cửa bán hàng thì các chủ hàng cũng trong cảnh ngồi chơi đợi khách hoặc tụm năm, tụm ba tám chuyện.

Chị Trần Thị Yến Trang, chủ cửa hàng bán quần áo tại chợ Cầu Giấy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Ngày mùng 6 đẹp ngày, nhiều người cũng ra mở cửa bán hàng nhưng gần như không mấy quầy bán mở hàng được. Mở cửa vài ngày thấy ế thê thảm nên phần lớn mọi người đóng cửa đi chùa, đi chơi…”.

Bà Lê Thị Phấn, chủ cửa hàng bán túi xách, ba lô tại chợ Nghĩa Tân , (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng than thở: “Mở cửa hàng ra ngồi nói chuyện với nhau chứ có khách mua đâu. Cần mua túi, mua ba lô thì khách đã mua hết đợt trong năm rồi. Ngay cả trong năm cũng chẳng mấy người mua nói gì ra Tết nên nhiều người chán đóng cửa đi chơi hoặc nghỉ ở nhà tránh rét”. Tại các trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội, tình hình cũng chẳng khá hơn.

Chợ, trung tâm thương mại vắng hoe sau Tết - 1

Tại các chợ Hà Nội nhiều quầy hàng vẫn trong tình trạng đóng cửa. Ảnh: Mai Hạnh

Tại Parkson (Hà Nội) đang có chương trình giảm giá 30% nhưng lượng khách đổ về đây chỉ bằng ngày bán hàng bình thường của những năm trước. Chị Nguyễn Thị Hà, nhân viên bán mỹ phẩm tại Parkson cho hay: “Bán hàng hiệu bây giờ tư vấn rất vất vả. Đầu tiên là khách hỏi giá, sau đó phần lớn đều ngập ngừng, lưỡng lự vì giá không mềm nên thuyết phục được họ bỏ tiền ra rất khó”.

Giảm giá vẫn vắng người

Tình trạng ế ẩm cũng diễn ra tại TP HCM. Nhiều ki ốt trong các chợ lớn như Tân Bình, Cầu Ông Lãnh, Dân Sinh (quận 1); chợ Bàn Cờ (quận 2)… vẫn trong tình trạng đóng cửa ở các ngành hàng thời trang vì vắng khách. Đặc biệt tại các trung tâm thương mại, siêu thị tại TP HCM thực hiện giảm giá khá sâu để hút khách thu vốn.

Cụ thể như hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op đồng loạt giảm giá đến 49% cho 600 mặt hàng thực phẩm tươi sống, đồ chơi trẻ em, may mặc và đồ dùng gia đình... Các sản phẩm may mặc thời trang, hóa phẩm, hóa mĩ phẩm và đồ dùng gia đình cũng được giảm giá từ 20 đến 50%.

Hệ thống siêu thị BigC, cũng đồng loạt triển khai 3 chương trình khuyến mãi lớn kéo dài trong 15 ngày, áp dụng cho hơn 1.000 mặt hàng có mức giảm giá từ 5 - 35% kèm nhiều ưu đãi và quà tặng hấp dẫn. Những mặt hàng giảm giá sâu gồm: hàng gia dụng, điện gia dụng, điện máy, đồ chơi; hóa phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm khô…

“Chúng tôi chấp nhận cắt giảm bớt lợi nhuận, tăng cường nhiều chương trình kích cầu nhằm tăng sức mua vì điều kiện kinh tế vẫn còn khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu”, bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Quan hệ công chúng và đối ngoại BigC, cho hay.

Ngoài ra các nhãn hiệu thời trang cũng có chương trình giảm giá khá sâu để chống ế. Tuy nhiên, nhìn chung khách hàng tìm mua vẫn rất hạn chế!

Sức mua vẫn… hụt hơi!

Tìm hiểu ý kiến chuyên gia về vấn đề này, hầu hết đều có chung nhận định rằng sức mua năm 2014 nhìn chung vẫn... buồn, vì kinh tế vẫn chưa hết khó khăn. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, chủ trương tiết kiệm để sống thanh thản trong thời điểm khó khăn đã “ngấm vào máu” của nhiều người nên đầu  năm chuyện không mua sắm những mặt hàng không phải thiết yếu cũng là điều dễ hiểu.

Ông Nghiêm Chí Mỳ, Nguyên Viện trưởng Viện KT-XH Hà Nội thì cho rằng, thông thường đầu năm các tiểu thương cũng hiểu là khó bán hàng, nhất là những mặt hàng thời trang vì trước đó họ đã mua để diện Tết. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế là đến Rằm tháng Giêng mà nhiều nơi buôn bán  vẫn đóng cửa im ỉm là bất thường.

 Đến thời điểm này vẫn chưa có tín hiệu sẽ có bứt phá về sức mua của năm nay. Vì vậy, người kinh doanh cũng nên đưa ra chiến lược thiết thực để bám trụ trong thời điểm khó khăn: Niêm yết giá ở mức thấp để bán được nhiều hàng thay vì “gồng” giá để chịu ế dài trong năm. Nhiều người tiêu dùng đã nói “không” với những mặt hàng xa xỉ, đắt tiền và chỉ mở ví khi thật sự cần thiết.

Theo các chuyên gia, năm 2014, tốc độ lưu chuyển hàng hóa phấn đấu bằng năm 2013 đã là đáng mừng. Người tiêu dùng vẫn có xu hướng tiết kiệm vì họ biết rõ thu nhập không thể được tăng thêm trong thời điểm khó khăn này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hạnh (Gia đình xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN