Cho thuê vỉa hè, nên hay không?

Sự kiện: Kinh Doanh

Cho thuê vỉa hè để kinh doanh đang được xem là giải pháp hay nhằm giải quyết triệt để nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở các đô thị lớn. Tuy vậy, vẫn có những ý kiến băn khoăn.

TS Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM:

Đừng biến vỉa hè thành nơi kinh doanh

Đừng đặt kinh tế vỉa hè theo nghĩa biến vỉa hè thành nơi kinh doanh, không đặt vấn đề thu tiền để cho phép người dân kinh doanh mà phải xử lý chính sách cho họ. Lâu nay, kinh doanh dựa vào vỉa hè đã kích thích một bộ phận lớn dân nhập cư đổ về TP HCM kiếm sống và dần nông thôn hóa đô thị. Theo tôi, giải quyết bài toán cư dân nông thôn phải bằng cách khác chứ không phải bằng cách tạo điều kiện cho họ đến đô thị sống dựa vào vỉa hè. Và chính quyền, đoàn thể hay bất cứ đơn vị nào cũng không nên đặt mục tiêu cho thuê vỉa hè để lấy tiền.

Ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì vỉa hè, lòng đường trở thành nguồn sống của một bộ phận dân cư, nhất là những người nhập cư. Tuy nhiên, nếu chúng ta xem lòng đường, lề đường như một loại kinh tế để phục vụ cho bộ phận dân cư nào đó thì chúng ta không còn là đô thị và bất công với người dân đô thị. Do đó, đây là bài toán phải giải quyết.

Một vấn nạn khác là những người ở mặt tiền đường xem vỉa hè, lòng đường thuộc quyền sở hữu của họ và vô tư biến vỉa hè thành quán ăn, quán nhậu và làm giàu trên vỉa hè đó. Chúng ta không chấp nhận chuyện lấn chiếm sở hữu, kinh doanh làm giàu trên vỉa hè công cộng. Chính vì vậy, chính sách cần không khoan nhượng với những đối tượng mua bán chiếm vỉa hè lòng đường để nới rộng không gian kinh doanh và những người biến vỉa hè thành nơi buôn bán riêng.

Tôi đã đi qua những vỉa hè rộng 6-8 m nhưng bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh hết, không còn chỗ cho người đi bộ. Không thể chấp nhận được.

Cho thuê vỉa hè, nên hay không? - 1

Một người dân bán trái cây trên đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TP HCM kinh doanh bên trong vạch sơn Ảnh: Lê Phong

TS Trần Vĩnh An, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đô thị toàn cầu:

Rà soát để cho thuê

Việc kinh doanh trên vỉa hè có hai mặt, trong đó tiêu cực là gây cản trở lưu thông, khó khăn cho người đi bộ. Nhưng mặt tích cực là nó tạo nguồn thu kinh tế và đáp ứng nhu cầu nhanh, tiện lợi của cư dân đô thị. Khái niệm kinh tế vỉa hè xuất hiện từ lâu và nhiều nước trên thế giới áp dụng rất thành công. Điển hình tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore quy hoạch các khu vực, tuyến đường được phép buôn bán trực tiếp vỉa hè. Người đi bộ vừa có thể tham quan, đi làm sẵn tiện ghé vào mua sắm. Trong khi đó người kinh doanh phải đóng tiền mặt bằng cho chính phủ.

Chính quyền TP HCM cũng cần nhanh chóng rà soát một số tuyến đường có vỉa hè rộng để dùng một phần làm địa điểm cho thuê theo giờ, vừa đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân vừa bảo đảm vỉa hè không bị quá tải.

PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM:

Nhiều nước giải quyết rất tốt vỉa hè

Việc sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh nhiều nước trên thế giới đã làm rất tốt. Singapore có tuyến đường dành hơn một nửa diện tích vỉa hè cho phép buôn bán.

Còn tại Thái Lan, chính quyền tổ chức cho thuê vỉa hè theo giờ. Cụ thể, lúc 12 giờ người bán hàng rong bày biện bàn ghế bán cơm trưa. Đến hơn 13 giờ, tất cả phải trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Để được kinh doanh, người bán phải đóng thuế, đóng tiền mặt bằng. Giải pháp mà chính quyền Thái Lan áp dụng vừa góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người bán hàng rong vừa đáp ứng nhu cầu thực tế cho người dân khu vực đó.

Vì vậy, song song với việc giành lại vỉa hè ta phải quyết tâm dành một phần đất trống, vỉa hè cho người dân hàng rong bán trên đó. Họ kinh doanh vào khung thời gian không phải giờ cao điểm giao thông, chẳng hạn buổi trưa hoặc tối.

Chuyên gia tư vấn chiến lược Lý Trường Chiến, Chủ tịch Trí Tri Corporation:

Khảo sát, đánh giá để có giải pháp phù hợp

Phải có giải pháp phù hợp cho từng nhóm đối tượng nhằm bảo đảm được tính hiệu quả trong ngắn, trung và dài hạn. Cần phải có một khảo sát đánh giá về kinh tế xem vỉa hè gồm bao nhiêu thành phần liên quan, đặc điểm các thành phần đó thế nào. Với những hộ kinh doanh lấn chiếm phải xử lý triệt để. Những đối tượng kinh doanh nhỏ, rất nhỏ thì cần xem mức độ ảnh hưởng đến địa phương, giao thông đô thị, tác động đến đời sống mưu sinh của họ để có giải pháp riêng. Cuối cùng, với nhóm kinh doanh rất nhỏ thì cần có giải pháp hỗ trợ họ tái hoạt động, ổn định đời sống chứ không nên “giành” lại vỉa hè theo kiểu phong trào, duy ý chí.

Nên quy hoạch những người buôn gánh bán bưng vào khu vực, con đường riêng và về nguyên tắc không nên đẩy họ đi quá xa địa bàn buôn bán trước đây.

Trăn trở với người bán hàng rong

TS Trần Du Lịch cho rằng với những người buôn bán nhỏ, chính quyền địa phương nên rà soát chặt chẽ những đối tượng này, tái bố trí khu vực vỉa hè rộng cho họ kinh doanh với điều kiện người bán phải bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm và bán cho người mua mang đi chứ không bày bàn ghế ra ăn tại chỗ.

Theo TS Trần Du Lịch, chính quyền cần hiểu rõ việc tái bố trí này vì những người kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ (bánh mì, xôi, chè, sạp báo…) đang đóng góp cho xã hội, đáp ứng nhu cầu chính đáng của một bộ phận dân cư chứ không phải vì họ nghèo khó, kiếm sống trên vỉa hè nên cần được giúp đỡ. Mọi quyết định, hành động của chính quyền địa phương phải làm công khai, minh bạch, không có lợi ích nhóm và chấm dứt nạn bảo kê kinh doanh vỉa hè. Chính quyền các nước phát triển cũng đang làm như vậy. “Tôi đi Mỹ, thấy các xe bán bánh “hot dog” được chính quyền cho hoạt động ở khu vực riêng trên đường. Đó là những người thu nhập thấp, thất nghiệp được chính quyền tạo điều kiện; ở nhiều nơi chính quyền địa phương hỗ trợ 100%, không thu bất kỳ khoản nào từ việc buôn bán này” - TS Trần Du Lịch dẫn chứng.

Bà Hứa Thị Hồng Đang, Chủ tịch UBND quận Tân Phú, TP HCM, cho biết quận Tân Phú song song với việc giành lại vỉa hè phải quan tâm tạo điều kiện cho người buôn bán được phép hoạt động. Lúc trước, các hộ kinh doanh lấn sát vỉa hè thì nay được quận kẻ vạch sơn và họ chỉ được phép bán bên trong đó. Ngoài ra, quận Tân Phú cũng rà soát được một khu đất trống tại địa bàn phường Tây Thạnh để kêu gọi những người hàng rong vào khu đó bán. “Từ khi tổ chức nhắc nhở người dân chúng tôi nhận thấy có hơn 90% người vi phạm tự giác khắc phục” - bà Đang cho biết.

Tại quận Bình Tân, ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận, cho biết có hai nhóm đối tượng đang lấn chiếm vỉa hè: Một là những người thuê hoặc có mặt bằng trong quá trình kinh doanh đã lấn chiếm; thứ hai là những người nghèo có xe đẩy, hàng rong mượn tạm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh.

Với nhóm đối tượng thứ nhất, trong chiến dịch dẹp vỉa hè lần này, UBND quận Bình Tân quyết liệt xử lý và đề nghị phải thu dọn bảng hiệu, đồ vật để lấn chiếm vỉa hè. Có một số tuyến đường vỉa hè rộng nên quận tiến hành kẻ vạch sơn và thông tin bên trong tạo điều kiện để người dân bảo đảm sinh kế. “Trước mắt quận tạo điều kiện cho các hộ dân kinh doanh 4 tuyến đường gồm Kinh Dương Vương, Vành Đai Trong, Tên Lửa, Võ Văn Kiệt… Sắp tới sẽ rà soát thêm và kẻ vạch cho người dân được phép mượn tạm vỉa hè hoạt động buôn bán. Riêng những người buôn bán xe đẩy, hàng rong lấn chiếm vỉa hè thì UBND quận Bình Tân đang tìm mọi cách hỗ trợ, cho bán nhưng không được lấn ra sát mặt đường” - ông Bình thông tin.

Y.Phú - Đ.Nghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Phong - Thanh Nhân (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN