“Chiến tranh chuối” giữa Manila và Bắc Kinh

Báo chí Philippines cảnh báo Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng các đòn kinh tế để giải quyết xung đột chính trị trong cuộc tranh chấp chủ quyền ở bãi cạn Scarborough. Mục tiêu đầu tiên là chuối của Philippines.

Theo báo Inquirer Daily, Trung Quốc - thị trường tiếp nhận 30% lượng chuối xuất khẩu của Philippines - vừa áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu chuối từ nước này. Hơn 2.000 container chuối của Philippines đang thối rữa ở các cảng của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Đại Liên, Thiên Tân, Thanh Đảo.

Ngoài chuối, các mặt hàng khác cũng bị đối xử tương tự là dứa, xoài, đu đủ và các mặt hàng trái cây nhiệt đới khác.

Hạn chế nhập khẩu

Một trong những công ty lớn xuất khẩu chuối của Philippines là Cavendish cho biết công ty còn 193 xe hàng đang kẹt ở cảng Trung Quốc, có thể phải tiêu hủy hoặc mang về lại Philippines. Riêng thiệt hại vận chuyển là 2,9 triệu USD, chưa tính chi phí phải mang hàng về lại thành phố Davao. Ngành sản xuất chuối có hơn 500.000 công nhân làm việc.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà trồng trọt và xuất khẩu chuối Stephen Antig đã lên tiếng đề nghị chính phủ giúp đỡ, để tháo gỡ khó khăn về trung hạn và dài hạn.

“Chiến tranh chuối” khởi sự từ tháng 3-2012, khi các thương lái nhập khẩu của Trung Quốc lên tiếng phàn nàn là trái cây Philippines bị nhiễm thuốc trừ sâu và không thể tiêu thụ ở các thị trường Trung Quốc. Trung Quốc giờ yêu cầu tất cả trái cây Philippines xuất đến Trung Quốc phải được kiểm tra đầy đủ và cũng không tin tưởng kết quả kiểm tra thông quan của cơ quan kiểm định Philippines nữa.

Việc Trung Quốc thắt chặt kiểm tra đu đủ, xoài, dừa và dứa đang buộc Philippines phải lên đường tìm các thị trường mới tại Trung Đông và các khu vực khác.

Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines Proceso Alcala lên tiếng khẳng định trong tháng 5-2012, các thanh tra của Philippines đã không tìm thấy dư lượng thuốc trừ sâu trong chuối xuất khẩu sang Trung Quốc như lời phàn nàn của bạn hàng. Ba quan chức Philippines đã được cử tới Trung Quốc để kiểm tra lô hàng bị phía Trung Quốc cho là bị nhiễm độc đều xác nhận “không phát hiện được gì”.

Trong khi đó, cũng là lô hàng tương tự, phía Nhật Bản và Hàn Quốc đều không phàn nàn gì. Ông Alcala cho rằng đánh giá của phía Trung Quốc có thể mang màu sắc chính trị. Tuy nhiên, ông cũng yêu cầu Philippines thay vì chỉ kiểm tra bất chợt các lô hàng như trước đây thì phải kiểm tra tất cả 100% lô hàng khi chúng vẫn còn nằm trên đất Philippines.

“Chiến tranh chuối” giữa Manila và Bắc Kinh - 1

Doanh nghiệp trồng và xuất khẩu chuối của Philippines đang điêu đứng vì các lệnh cấm của Trung Quốc

Ngón đòn không lạ

Trung Quốc hiện là một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Philippines, là thị trường xuất trái cây lớn thứ hai của Philippines (sau Nhật Bản). Riêng mặt hàng chuối, lượng xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng 127,4% năm 2011, lên 75,3 triệu USD. Nhưng chỉ với “cái tát” mới đây đối với chuối, các nhà xuất khẩu Philippines đã bị thua lỗ 1 tỉ peso (23,1 triệu USD), trong đó Mindanao - nguồn xuất khẩu chuối chính - bị thiệt hại lớn.

Các nhà xuất khẩu Philippines đang quay sang chỉ trích chính phủ là đã cứng rắn trong cách xử lý cuộc đối đầu giữa Manila và Bắc Kinh quanh bãi cạn Scarborough. Chính quyền Philippines cố gắng đấu dịu với các doanh nhân Philippines khi nhấn mạnh họ cần phải “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, nghĩa là cần phải đảm bảo hàng hóa xuất đi đáp ứng các yêu cầu về an toàn.

Trung Quốc hiện là bạn hàng lớn thứ ba của Manila, sau Nhật Bản (15,4 tỉ USD) và Mỹ (13,63 tỉ USD). Tháng 3-2012, Trung Quốc là nơi nhập 14,9% hàng xuất từ Philippines với giá trị 642 triệu USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2011. Năm 2013, dự kiến Trung Quốc sẽ trở thành bạn hàng số 1 của Philippines.

Cách mà Trung Quốc sử dụng vũ khí thương mại khi có tranh chấp lãnh thổ không là điều mới lạ. Năm 2010, Bắc Kinh đã ngăn chặn việc vận chuyển đất hiếm tới Nhật Bản để trả đũa việc Tokyo bắt giữ thuyền trưởng tàu cá của Trung Quốc sau vụ va chạm gần quần đảo Điếu Ngư (Nhật gọi là Senkaku). Bắc Kinh sau đó cũng trừng phạt tương tự với Mỹ và các nước châu Âu, với lý do cần chống ô nhiễm môi trường do việc khai thác đất hiếm bừa bãi.

Các nhà phân tích nhìn nhận lệnh cấm vận này là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng dùng vũ khí kinh tế để tìm cách có lợi cho mình trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ. Philippines giờ đang phải vội vã tìm kiếm các thị trường khác để đề phòng trường hợp bị o ép quá đáng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạnh Nguyên (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN