Chiếc vòng không làm nên heo sạch

Sự kiện: Kinh Doanh

Từ 31.7, thịt heo vào TP.HCM ở hai chợ đầu mối Tân Xuân và Bình Điền phải đeo vòng nhận diện để truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, cho đến tận ngày thực hiện, đề án “heo đeo vòng” do sở Công thương chủ trì vẫn gây ra nhiều nghi ngại làm tiêu tốn tiền thuế của dân, nhưng không mang lại hiệu quả...

Mỗi con heo, bằng cách này hay cách khác, nếu muốn bán vào thành phố thì nông dân phải chi ra thêm 6.000 đồng trong tổng số 12.000 đồng (TP.HCM hỗ trợ 50%) để mua hai cái vòng nhận diện gắn vào hai chân sau. Các thông tin về con heo, cũng như người nuôi được tích hợp vào hai chiếc vòng đó, để người tiêu dùng có thể nhận diện truy xuất được tích hợp trên phần mềm trong chiếc điện thoại thông minh.

Chiếc vòng không làm nên heo sạch - 1

Các thông tin về con heo, cũng như người nuôi được tích hợp vào hai chiếc vòng đó, để người tiêu dùng có thể nhận diện truy xuất được tích hợp trên phần mềm trong chiếc điện thoại thông minh.

Con heo xuất chuồng được đeo vòng, còn ngay từ khâu giống lại không được đeo; thức ăn, thuốc thú y cũng không có “vòng”, và còn nhiều thứ chất tăng trọng nữa không được kiểm soát. Đây có phải là việc làm mang tính hình thức không?

Những khuất tất, nghi ngại từ các trang trại chỉ là một phần nhỏ, còn từ trang trại về đến lò mổ, ra chợ đầu mối, chợ lẻ… cũng chưa có câu trả lời thoả đáng về tính hiệu quả của đề án này. TP.HCM đang tiêu thụ mỗi ngày hơn 10.000 con heo, đa số phải nhập từ các tỉnh, và cho đến tận ngày thực hiện (31.7), hầu như chỉ có cơ quan quản lý thành phố đi đốc thúc các địa phương thức hiện, chứ các tỉnh thì không mặn mà.

Ông Nguyễn Ngọc Hoà, phó giám đốc sở Công thương, khi trả lời báo chí cũng thừa nhận thành công của đề án phụ thuộc phần lớn vào sự hợp tác của các địa phương. Sở dĩ các địa phương không nhiệt tình với đề án này là do họ không muốn nông dân của họ phải chi thêm tiền, trong khi khâu kiểm soát con heo từ ngay trang trại, rồi từ trại ra thị trường, dù có vòng cũng chưa chắc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vì đang phải qua rất nhiều khâu trung gian.

Chiếc vòng không làm nên heo sạch - 2

Một thương lái tên Phương ở chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, chất lượng con heo đeo vòng hay không đeo vòng là như nhau vì thương lái mua heo của nông dân, đeo vòng rồi, nhưng trên đường đi vẫn có thể bơm nước trước khi đem giết mổ… Như vậy, chiếc vòng truy xuất không giúp người tiêu dùng nhận ra chất lượng miếng thịt tốt hay xấu.

Như lời của thương lái Phương, lâu nay, câu chuyện bơm nước, chích thuốc an thần vào con heo (nằm ngoài khả năng giám sát của chiếc vòng) vẫn là bài toán quản lý hóc búa của lực lượng thú y. Bơm nước để tăng trọng lượng, còn chích thuốc an thần có tác dụng làm con heo ngủ say để bơm nước cho dễ, ngoài ra còn giúp dẻo đùi, dẻo nạc. Không chích thì miếng thịt thường bị khô, khó bán.

Câu hỏi là nếu người dùng hay cơ quan chức năng phát hiện ra thịt heo bơm nước thì quy trách nhiệm đến ai. Nông dân không bơm nước không lẽ bắt họ chịu. Còn bắt thương lái thì bằng chứng đâu?

Chiếc vòng không làm nên heo sạch - 3

Heo đeo vòng nhận diện tại lò giết mổ Xuyên Á. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Chỉ mới qua hai khâu là nông dân và thương lái đã thấy nhiều rối rắm, khi đưa miếng thịt ra thị trường, chắc hẳn, cái vòng càng không còn nhiều ý nghĩa. Bởi tiểu thương chợ lẻ mua thịt heo từ nhiều nguồn, khi bán trộn lẫn lộn vào nhau.

Ngay cả các siêu thị, điểm bán có đăng ký thực hiện đề án thì cơ quan chức năng cũng khó kiểm soát nguồn heo từ ngoài tuồn vào. Trong bối cảnh giá heo vẫn thấp, thua lỗ thì sẽ có nhiều thương lái, nông dân tiếc 6.000 đồng mua vòng, nên họ sẵn sàng bán chui, bán lụi.

Như vậy, với hơn 10.000 đồng được đeo vòng mỗi ngày ở thành phố, nông dân phải bỏ ra ít nhất hơn 60 triệu đồng chi phí, cộng thêm chừng đó số tiền nữa lấy từ ngân sách thành phố là tiền đóng thuế của dân. Hai cái vòng hết tổng cộng 12.000 đồng, nhưng người dùng chẳng bao giờ chắc chắn miếng thịt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vì cái vòng không thể kiểm soát các mối nguy ở ngay khâu đầu tiên trong chăn nuôi. Dọc đường đi, do phải qua rất nhiều khâu trung gian nên cũng không thể kiểm soát tình trạng heo bơm nước, chích thuốc an thần…

Chiếc vòng không làm nên heo sạch - 4

Lực lượng chức năng kích hoạt vòng nhận diện khi heo nhập vào chợ đầu mối Hóc Môn. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Đặc biệt, dù cho đề án heo đeo vòng có tiêu tốn bao nhiêu tiền thuế của dân đi nữa, nhưng với tình trạng bán thịt vẫn phổ biến ở các chợ không được bảo quản trong tủ mát, để thịt tiếp xúc với môi trường từ sáng tới trưa, trưa tới chiều, tiểu thương chặt thịt bằng tay, bằng thớt thì khả năng nhiễm vi sinh, khuẩn E. coli vẫn rất cao. 

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, với cách quản lý con heo bằng tem, bằng vòng nhận diện, dường như cơ quan chức năng đang muốn trao quyền quản lý, giám sát cho người tiêu dùng. Điều này hoàn toàn không phù hợp, vì trách nhiệm này là của người sản xuất (người chăn nuôi) và đơn vị kinh doanh giết mổ, cơ quan quản lý nhà nước. Không phải người tiêu dùng nào cũng có điện thoại thông minh kết nối internet, để có thể soi chiếu, truy xuất nguồn gốc thịt. Chưa kể, những dữ liệu nhận được từ tem nhãn về điện thoại chưa thể đảm bảo là miếng thịt có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Ngọc (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN