Cảnh giác giá cá tra tăng nóng

Giá cá tra tại ĐBSCL đang tăng từng ngày nhưng không làm người nuôi cá vui mừng vì nhiều hộ mới thả giống, còn đến 4-5 tháng nữa mới thu hoạch.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Giá cá tra tại ĐBSCL trên dưới 25.000 đồng/kg nhưng người nuôi không có cá bán vì nhiều hộ mới thả giống.

Tiếc nuối

Hiện giá cá tra nguyên liệu được các doanh nghiệp (DN) mua ở mức từ 24.000 - 24.500 đồng/kg. Nếu so với giá thành thả nuôi thì nông dân có lãi khoảng 1.500 đồng/kg. Thế nhưng, do thua lỗ triền miên trong nhiều năm qua nên người nuôi treo ao khá nhiều, nay dù giá cá tăng nhưng chẳng có bao nhiêu nông dân được hưởng lợi.

Ông Nguyễn Văn Tân ở xã Vĩnh Trường, huyện An Phú, tỉnh An Giang, cho biết khoảng 10 ngày nay, có rất nhiều thương lái và cả ghe cá của các DN đi khắp vùng để tìm mua. Chính vì vậy mà giá cá bán tại hầm liên tục tăng từ 22.000 đồng lên 24.500 đồng/kg như hiện nay. “Nhiều hộ tỏ ra tiếc nuối khi thấy giá cá tăng nhưng biết phải làm sao. Gia đình tôi có chút may mắn là đang chuẩn bị thu hoạch khoảng 200 tấn cá còn lại trong đợt này. Nếu nóng lòng bán đổ bán tháo như trước thì chắc chắn đã ôm lỗ” - ông Tân bộc bạch.

Cảnh giác giá cá tra tăng nóng - 1

Thu hoạch cá tra ở An Giang Ảnh: THANH VÂN

Bà Nguyễn Thị Ngọc Duyệt (ngụ huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) tỏ ra tiếc nuối: “Sau 3 năm thua lỗ liên tiếp, từ hơn 20 ao nuôi, hiện tôi chỉ nuôi vài ao vì không còn vốn đầu tư. Nay giá cá gần 25.000 đồng/kg, người nuôi có lời khá vì chi phí giá thành sản xuất chỉ khoảng 23.000 đồng/kg. Nhưng ao của tôi mới thả cá được 3 tháng, không biết từ nay tới lúc thu hoạch giá có tăng nữa không?”...

Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Cá tra Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), nguyên nhân giá cá tăng lên từng ngày do nguồn nguyên liệu thiếu hụt. “Ba năm vừa qua, hàng loạt hộ nuôi riêng lẻ thua lỗ nặng nên hiện nay còn rất ít người nuôi. Chính vì vậy đã thiếu hụt nguồn nguyên liệu”. Vụ nuôi cá vừa qua, nhiều tỉnh đã giảm diện tích rõ rệt: Cần Thơ giảm gần 10%; Vĩnh Long diện tích ao nuôi chỉ còn 277 ha, giảm 10 %; Đồng Tháp còn 989 ha, giảm 4,7%…

Cần tỉnh táo

Trước thông tin về nhu cầu xuất khẩu cá tra tăng mạnh ở hầu hết các thị trường trên thế giới, kéo theo tình trạng thiếu nguyên liệu, đẩy giá cá tăng, lãnh đạo Hiệp hội Thủy sản cho rằng đây chỉ là những thông tin ảo nên cần phải có sự kiểm chứng để tránh đẩy người dân vào cảnh đổ xô vào thả nuôi, giá lại rớt dẫn đến thua lỗ như đã từng xảy ra trước đây.

Vấn đề giá cá tăng hoặc giảm, ông Quỳnh cho rằng việc này do các nhà máy quyết định. “Từ năm 2013 trở về trước, DN mua cá nhiều dự trữ sẵn, sau đó không tiếp tục thu mua nên người nuôi bán tháo, giá sụt. Như hiện nay, cá chưa tới lứa, nhà máy làm cho giá cả tăng nhưng người dân không có bán” - ông Quỳnh nhận xét.

Trao đổi về vấn đề này, ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Nam Việt (Navico), đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, khẳng định người nuôi cá tra nên thận trọng trước những thông tin về sự lạc quan của thị trường xuất khẩu. Bởi hiện nay, mặc dù giá cá tăng nhưng nhiều DN xuất khẩu đang gặp khó khăn do liên tục bị đối tác ép giá bán. Còn việc cá tra nguyên liệu thiếu hụt là chuyện bình thường và mang tính cục bộ.

Cũng theo ông Tới, Navico đã chủ động xây dựng vùng nuôi cá nguyên liệu với khoảng 100.000 tấn/năm, đạt 70% công suất chế biến hiện có của nhà máy. Do đó, đơn vị này cũng cần đến 30% sản lượng còn lại được nuôi trong dân. “Đến thời điểm này, DN chúng tôi vẫn hoạt động bình thường mà không phải lo chuyện thiếu cá nguyên liệu gì cả. Còn cái gọi là thị trường xuất khẩu đang khởi sắc thì cần phải xem xét lại cho thấu đáo” - ông Tới khẳng định.

Cùng quan điểm này, ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản Xuất khẩu tỉnh An Giang (AFA), cho biết ngay sau khi có thông tin này, ông đã liên hệ với nhiều DN xuất khẩu cá tra trong và ngoài tỉnh để nắm rõ tình hình. Theo đó, hầu hết các DN đều khẳng định họ đang gặp khó khăn nhất định ở một số thị trường lớn như Nga, Ukraine và các nước Đông Âu... 

5 vấn đề gốc của cá tra

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến - Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng giá cá tra hiện nay có bàn cũng không giải quyết được vấn đề gì, chỉ là tăng khi thiếu hàng và giảm khi thừa. Ngành cá tra hiện nay có 5 vấn đề “gốc” cần giải quyết. Thứ nhất, giữ được cân bằng giữa sản lượng nuôi và nhu cầu thị trường bằng cách khống chế lượng nuôi ở từng tỉnh bằng quota, từ đó áp xuống các trại, không để mạnh ai nấy nuôi. Thứ hai, phải đưa ra chất lượng sàn để định giá sàn. Thứ ba, phải tổ chức đầu mối phân phối cá tra tại châu Âu sau đó mở rộng ra các thị trường khác. Thứ tư, quản lý được đầu vào, nhất là chất lượng con giống và thức ăn. Thứ năm, tổ chức thu phí phát riển thị trường từ 1 - 2 cent/kg cá tra phi lê xuất khẩu để xúc tiến thương mại...

Ng. Ánh

Không ổn định

Theo báo cáo của các địa phương, sản lượng cá tra của ĐBSCL chiếm đến 95% sản lượng xuất khẩu cả nước. Tuy chỉ có khoảng 6.000 ha diện tích nuôi ở 10 tỉnh, thành trong khu vực nhưng hằng năm cung cấp từ 1-1,2 triệu tấn với giá trị xuất khẩu tăng dần theo từng năm (hiện từ 1,8-2,25 tỉ USD)...

Thế nhưng, trong những năm gần đây, tình hình sản xuất kinh doanh mặt hàng chủ lực của quốc gia vẫn tiếp tục gặp nhiều sóng gió và cũng là những năm “hạn” đối với một số DN lớn trong ngành khi lần lượt thua lỗ hoặc phá sản.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đã được đưa ra nhưng vẫn chưa được khắc phục như sự phát triển quá nóng, mạnh ai nấy làm, thiếu quy hoạch, yếu kém trong công tác quản lý các yếu tố đầu vào cũng như thu mua, chế biến tiêu thụ; việc nuôi trồng còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, lạc hậu, mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn nhiều bất cập; công tác xúc tiến thương mại và giữ thị trường còn nhiều thiếu sót...

Trong khi đó, các bộ, ngành trung ương có liên quan và cơ quan quản lý nhà nước các cấp lại chưa làm hết vai trò, trách nhiệm của mình kể từ khâu quy hoạch vùng nuôi, chưa có định hướng đến vấn đề tổ chức, quản lý, điều hành…Nhà nước cũng chưa có một bộ tiêu chuẩn, chất lượng và không có thương hiệu chung cho cá tra Việt Nam nên dẫn đến tình trạng lộn xộn, rối rắm ngày càng trầm trọng.

Nói như ông Nguyễn Hữu Khánh - nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang, nguyên Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam - thì cá tra cứ xuất khẩu ào ào nhưng cánh làm thủy sản luôn khổ sở hoặc phá sản cũng không ít. “Để có miếng phi lê nằm trong siêu thị Mỹ, Pháp thì có đến hàng trăm hộ làm giống, hàng vạn người nuôi hay hàng trăm nhà máy chế biến theo kiểu mạnh ai nấy làm nên không lộn xộn mới là lạ” - ông Khánh quả quyết.      

Thanh Vân

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THANH VÂN - CA LNH (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN