'Cấm' quảng cáo ở mặt tiền của cửa hiệu
Theo quy định mới về quảng cáo thì biển hiệu của các tổ chức, cơ sở kinh doanh không được kèm logo của doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm đang kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp (DN) đang bàng hoàng trước thông tin “từ đây không được quảng cáo ở mặt tiền của cửa hàng” nữa. Cạnh đó, hàng trăm ngàn cửa hàng, các điểm kinh doanh có đặt biển hiệu có kèm theo quảng cáo cũng đứng ngồi không yên với việc sẽ bị dỡ bỏ dần các biển hiệu đó cho đến hết tháng 3-2015. Đây là các “chỉ lệnh” được UBND TP.HCM đưa ra trong Chỉ thị số 25 ngày 16-9 về tăng cường công tác quản lý về hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP.HCM.
Không quảng cáo ở mặt tiền!
Hiện nay, trên rất nhiều bảng tên ở mặt tiền cửa hàng, điểm kinh doanh đều có kèm quảng cáo. Ví dụ, trên bảng tên của nhà hàng ăn uống có kèm thêm nhãn hiệu bia; trên bảng tên cửa hàng sửa chữa xe có thêm nhãn hiệu dầu nhớt; trên bảng tên cửa hàng tạp hóa có thêm nhãn hiệu nước giải khát, trên bảng tên cửa hàng xây dựng có nhãn hiệu xi măng...
Một DN quảng cáo cho biết việc kèm quảng cáo ở mặt tiền được thực hiện bằng nhiều cách. Có thể là biển hiệu riêng, bảng quảng cáo riêng, nằm sát nhau. Nhưng phần lớn là cửa hàng dựng một bảng có hai nội dung, một bên mang nội dung biển hiệu (chỉ ghi tên DN, địa chỉ, điện thoại), còn một bên mang nội dung quảng cáo cho nhãn hàng nào đó, thường là in logo nhãn hàng. Hai nội dung này cách nhau một vạch cong, vạch thẳng hoặc có màu nền khác nhau... tùy cách trang trí của từng nhãn hàng.
Các biển hiệu quảng cáo có kèm theo logo và sản phẩm kinh doanh sẽ bị dỡ bỏ dần theo quy định mới. (Ảnh chụp chiều 15-10) Ảnh: HTD
Hiệp hội Quảng cáo TP.HCM cho biết trong buổi họp đầu tháng 10, Sở VH-TT&DL đã thông tin về Chỉ thị 25 của UBND TP.HCM. Theo đó, trong khi chờ quy hoạch quảng cáo ngoài trời được phê duyệt, Sở không chấp nhận các hồ sơ thông báo quảng cáo ở vị trí “không đúng quy định của luật” hoặc quy hoạch chưa được duyệt. Những bảng quảng cáo đã có văn bản đồng ý nội dung quảng cáo của Sở thì kết thúc quảng cáo theo thời hạn ghi trong văn bản. Bảng quảng cáo tấm lớn sẽ được gia hạn không quá sáu tháng cho đến khi UBND TP phê duyệt và công bố quy hoạch quảng cáo ngoài trời.
Ông Nguyễn Quý Cáp, Phó Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM, giải thích nếu DN đặt biển hiệu mà không có kèm quảng cáo nhãn hàng thì không cần xin phép hay thông báo gì. Nếu DN có kèm quảng cáo như hiện vẫn làm thì Sở không đồng ý. Trường hợp xin làm bảng quảng cáo riêng gắn ở mặt tiền nhà thì cũng không được nốt! Điều này dẫn đến việc các DN trong hiệp hội phản ứng khá nhiều. Đặc biệt, những biển hiệu đang tồn tại mà có kèm quảng cáo thì phải xóa bỏ phần quảng cáo, biển hiệu to sẽ bị “gọt”, thực hiện dần cho đến hết tháng 3-2015. Nếu DN không làm sẽ bị phạt và cưỡng chế tháo dỡ.
Hủy hợp đồng làm biển hiệu
Một số DN chuyên thiết kế, thi công gắn biển hiệu có kèm quảng cáo cho một số nhãn hàng đã phải ngậm ngùi ra thông báo cho DN chủ nhãn hàng, các cửa hàng về việc đổi hướng thực hiện bảng tên. Một DN quảng cáo kể: “Công ty đã nhận đặt hàng khoảng 40 bảng. Từ khi nghe triển khai Chỉ thị 25, chúng tôi phải thông báo cho khách hàng biết không thể thực hiện theo phương án cũ. Đồng thời, chúng tôi đưa ra hai hướng giải quyết: Dựng bảng tên của cửa hàng mà không kèm logo quảng cáo sản phẩm; hoặc cứ làm như lâu nay nhưng bị phạt thì cửa hàng tự chịu lấy! Nhiều cửa hàng đã thẳng thừng từ chối phương án 2, còn phương án 1 thì cũng rất lúng túng…”.
Phản ảnh này là có cơ sở bởi lẽ hiện nay, DN chủ nhãn hàng thường tài trợ cho cửa hàng vật liệu, cửa hàng ăn uống, tiệm sửa xe, tạp hóa... phần chi phí dựng bảng tên, khoảng 3-5 triệu đồng. Đổi lại, trên bảng sẽ có logo quảng cáo cho sản phẩm của DN. Các DN thường có mẫu bảng hiệu kèm quảng cáo đồng nhất cho các cửa hàng. Nếu không quảng cáo được sản phẩm trên bảng thì DN có thể sẽ không tài trợ cho việc dựng bảng tên nữa.
Ông Cáp thông tin “có rất nhiều DN bị ảnh hưởng”. Đặc biệt, các DN muốn lắp bảng quảng cáo phải chờ quy hoạch về địa điểm, cách thức đặt bảng của TP. “Chờ quy hoạch là một việc rất không thực tế, không biết khi nào mới ra quy hoạch, trong khi việc kinh doanh của DN là việc diễn ra hằng ngày hằng giờ, biểu chờ thì chờ đến bao giờ?”. Với lo lắng này, ông Cáp cho biết hiệp hội đang tập hợp ý kiến của các DN quảng cáo để phản ánh và kiến nghị UBND TP, Bộ VH-TT&DL tháo gỡ cho DN.
Dẹp loạn cho đúng luật
Một lãnh đạo quản lý về quảng cáo của Sở VH-TT&DL cho biết: “Sở triển khai đúng quy định”. Vị này giải thích thời gian qua có sự “loạn cào cào” trong việc dựng biển hiệu là do hành lang pháp lý trước đây chưa chặt chẽ. Nghị định 103/2009 của Chính phủ cho phép đặt logo không quá 20% diện tích biển hiệu nên cửa hàng vật liệu xây dựng mới có thêm nhãn hiệu xi măng. Nghị định này cũng không khống chế kích thước biển hiệu nên có tình trạng trung tâm ngoại ngữ, phòng khám nha khoa trưng bảng to đùng choán hết mặt tiền nhà... Tuy nhiên, Luật Quảng cáo năm 2012 và các văn bản hướng dẫn đã quy định rõ kích thước và nội dung của biển hiệu, trong đó không cho xen lẫn quảng cáo. Theo Nghị định 158/2013 thì quảng cáo hàng hóa lẫn với biển hiệu sẽ bị phạt 10-15 triệu đồng.
Vị này cũng giải thích: UBND TP.HCM có chỉ đạo vào cuối năm 2012 là chỉ cho phép quảng cáo với thời hạn không quá sáu tháng. Do đó, các giấy phép được cấp gần nhất là cấp gần cuối tháng 9 vừa rồi thì cũng chỉ có hiệu lực đến hết tháng 3-2015 mà thôi. Căn cứ theo Nghị định 158 thì DN sẽ bị phạt đến 10 triệu đồng nếu không tự tháo dỡ quảng cáo đã hết hạn (thời hạn được ghi trong thông báo về việc quảng cáo) và bị buộc tháo dỡ quảng cáo.
Cũng theo vị này thì “Sở không cấm sai quy định”. Khi Điều 34 Luật Quảng cáo quy định biển hiệu ngang có “chiều cao tối đa 2 m, dài không quá chiều ngang mặt tiền nhà” thì phải hiểu là khi đặt biển hiệu, phải hết chiều ngang mặt tiền nhà. Ngoài ra, theo Thông tư 19/2013 của Bộ Xây dựng liên quan đến quy chuẩn quảng cáo thì “mỗi tầng chỉ được đặt một bảng”, mà tầng trệt đã đặt biển hiệu rồi thì làm gì có chỗ đặt thêm bảng quảng cáo! Muốn đặt bảng quảng cáo thì đặt ở tầng trên và phải làm thủ tục thông báo.
Tập trung xử lý các biển hiệu có kèm logo UBND quận, huyện tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh các hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo trong việc viết, đặt biển hiệu, tập trung chủ yếu đối với biển hiệu của các tổ chức, cơ sở kinh doanh thường có kèm nội dung quảng cáo logo của DN và thương hiệu sản phẩm đang kinh doanh. Đồng thời chủ trì, tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ biển hiệu… đối với những trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt hành chính do UBND cấp huyện, xã ban hành. (Theo Chỉ thị 25/2014 của UBND TP.HCM) |