"Bắt tay" doanh nghiệp làm rau bài bản, bán được giá mơ ước

Sự kiện: Kinh Doanh

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân tại Lâm Đồng đã “bắt tay” liên kết sản xuất rau sạch với doanh nghiệp... Nhờ chăm sóc đúng quy trình, rau của bà con đều đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và được doanh nghiệp thu mua ổn định.

Trồng theo tiêu chuẩn, bán giá cao

Có mặt tại vườn su su thu ngọn của gia đình ông Mào Văn Quân (55 tuổi, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), phóng viên chứng kiến mọi khâu sản xuất đều được người dân thực hiện khắt khe.

Tay trái cầm dao, tay phải ôm bó ngọn su su, ông Mào Văn Quân chia sẻ: “Gia đình tôi thực hiện liên kết với Công ty VinEco sản xuất rau theo quy trình VietGAP từ năm 2016 thông qua cơ sở rau an toàn Nguyễn Văn Thanh. Sau khi tham gia liên kết, tôi thấy giá rau được thu mua rất ổn định, đặc biệt là sản xuất được rau sạch cho chính bản thân mình và người dân cả nước sử dụng”.

"Bắt tay" doanh nghiệp làm rau bài bản, bán được giá mơ ước - 1

Công nhân sơ chế rau tại cơ sở của chị Lại Thị Hạnh.  Ảnh: V.L

Cuối năm 2018, Công ty VinEco công bố danh sách 11 hộ nông dân ưu tú được khen thưởng. Những hộ được vinh danh là nông dân ưu tú đều là những người đã đi cùng VinEco từ khi mới thành lập, thực hiện đúng quy trình chăm sóc cũng như công ty.

Xếp những bó ngọn su tươi non mỡ màng bỏ vào chiếc sọt nhựa, ông Quân chỉ ra tấm bảng phân khu của gia đình, trong đó có tên hộ liên kết sản xuất, với loại sản phẩm ngọn su su, tên số lô thửa, ngày trồng, ngày phun thuốc, ngày cách ly…

Ông Quân nói: “Để trồng rau cung cấp cho VinEco, chúng tôi phải làm rất cẩn thận, đúng quy trình. Tuy nhiên với kinh nghiệm trồng rau su su lấy ngọn từ năm 2014, chúng tôi có đủ kinh nghiệm để sản phẩm của mình đáp ứng những yêu cầu của công ty”.

Với diện tích đất 8.000m2, ông Quân thực hiện cách trồng gối đầu trong vườn của mình nhằm đảm bảo số lượng rau công ty yêu cầu. Cụ thể hàng tuần, VinEco sẽ cho biết số lượng rau, cụ thể đối với các chủ cơ sở (coi như một đại lý), sau đó đại lý sẽ chia số lượng này ra từng ngày cho các hộ dân liên kết nhằm đảm bảo tính công bằng. Chính vì vậy, số lượng rau cắt hàng ngày sẽ tăng giảm tùy vào yêu cầu của công ty cũng như nhu cầu của thị trường.

“Số lượng su su mỗi ngày từ vài chục kg đến 1 tạ, tôi cắt ngọn rồi chở đến đại lý trước 12 giờ để họ giao cho công ty vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Khi cắt phải đảm bảo ngọn chỉ dài từ 30 – 35cm theo yêu cầu” - ông Quân cho biết.

Su su là loại cây ưa nắng, thích hợp trồng ngoài trời vì vậy người dân sẽ tiết kiệm được chi phí khi đầu tư sản xuất. Với 1.000m2, người trồng chỉ mất khoảng 3 triệu đồng tiền giống là trồng được khoảng 8.000 gốc. Bên cạnh đó, với 4 triệu đồng/1.000m2 tiền lắp đặt hệ thống ống tưới tự động thì ông Quân đã có thể trồng su su lấy ngọn quanh năm.

Đảm bảo quy trình chặt chẽ

Chị Lại Thị Hạnh (chủ cơ sở rau an toàn Nguyễn Văn Thanh) cho biết, để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của công ty, cơ sở đã thuê một kỹ sư nông nghiệp để hướng dẫn bà con quy trình gieo trồng, bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả nhất.

"Bắt tay" doanh nghiệp làm rau bài bản, bán được giá mơ ước - 2

Ông Mào Văn Quân (55 tuổi, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) bên vườn su su liên kết sản xuất với VinEco. Ảnh: V.L

“Để gieo trồng su su, người dân cần chuẩn bị trước giống mua ở các vườn trồng su lấy quả khác rồi mang về để trong khu vực râm mát, tưới thường xuyên cho đến khi ra mầm. Trong lúc đó, bà con làm đất bằng cách dùng máy xới tung đất, bón phân lân, vi sinh và vôi lên để khử đất. Cuối cùng là lên luống rộng 80cm rồi xuống giống” - chị Hạnh giới thiệu quy trình trồng su su.

Riêng ông Quân, lại có cách làm riêng của mình để có những ngọn su su mập, dài. Nước để tưới cho su su, ông dùng nước giếng khoan và sử dụng các loại thuốc sinh học, đảm bảo thời gian cách ly 7 ngày trở lên để ngọn rau đạt tiêu chuẩn an toàn.

Mỗi đợt rau của người dân được vận chuyển đến công ty, đội ngũ kỹ thuật của VinEco đều phải test dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm. Nếu còn dư lượng sẽ truy xuất nguồn gốc về đến từng thửa, lô, hộ sản xuất, và chủ hộ liên kết đó phải chịu trách nhiệm.

Ông Quân cho hay, khi thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp, cứ 15 ngày sẽ có nhân viên của công ty đến kiểm tra vườn, sổ nhật ký… Chính vì vậy, quy trình đối tác đưa ra thế nào, người dân phải thực hiện nghiêm túc.

Cũng theo ông Quân, nếu chăm sóc tốt, thường xuyên thì su su sẽ cho thu hoạch từ 8 tháng đến 1 năm. Với khu vườn của mình, ông sẽ tưới nước đậm vào mùa khô và giảm vào mùa mưa. Hàng ngày, ông tưới 2 lần vào mỗi sáng và chiều tối khoảng 2 tiếng, bón NPK giúp bổ sung dưỡng chất cho cây phát triển, ra ngọn nhiều.

Hiện nay, với 8.000m2 của mình, ông Quân thu trên 2 tấn rau mỗi tháng với giá trung bình 15.000 đồng/kg. Ngoài ra, nếu công ty thu mua không hết, ông vẫn có thể bán rau ra chợ bình thường.

Chị Lại Thị Hạnh cho biết, cơ sở của chị liên kết với Công ty VinEco từ năm 2014. Giá thu mua sản phẩm của doanh nghiệp tùy vào thị trường, nhưng rất ổn định và có lợi cho người dân. Khi người dân giao rau từ vườn đến cơ sở, chị Hạnh vẫn phải thuê công nhân sửa sang lại bó rau, cắt ngắn, vặt bớt lá theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp.

Được biết, ngoài ông Mào Văn Quân thì còn có các cá nhân, cơ sở khác tại Lâm Đồng được VinEco khen thưởng hộ sản xuất ưu tú như: Cơ sở rau sạch Phạm Ngọc Bảo Trâm (xã Hiệp An, Đức Trọng), Cơ sở rau an toàn Nguyễn Văn Thanh (xã Liên Hiệp, Đức Trọng), Công ty VN Farm Food (xã Lạc Lâm, Đơn Dương) và ông Mào Văn Cương (xã Liên Hiệp, Đức Trọng).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Long ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN