Bão giá: Dân ''buộc bụng'', bớt mua thịt, cá... để tránh cháy túi

Giá xăng tăng, nhiều mặt hàng tiêu dùng đồng loạt tăng theo đã khiến người dân phải khổ sở, thắt chặt chi tiêu.

Giá các mặt hàng xăng, dầu tăng đẩy giá nguyên liệu đầu vào tăng cao đang ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh. Người dân, doanh nghiệp vốn rất khó khăn do ảnh hưởng sau dịch COVID-19 nay càng khó khăn hơn.

Người dân "thắt lưng buộc bụng"

Kỳ điều hành xăng dầu gần nhất ngày 21-6, giá xăng RON 95 lại tiếp tục lập kỷ lục khi mức bán lẻ lên hơn 32.873 đồng/lít.

Giá xăng, dầu tăng cao kỷ lục kéo theo giá cả các mặt hàng đều tăng theo, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân

Giá xăng, dầu tăng cao kỷ lục kéo theo giá cả các mặt hàng đều tăng theo, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân

Giá các mặt hàng xăng, dầu tăng đẩy giá nguyên liệu đầu vào tăng cao đang ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, đặc biệt là nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình.

Nhiều gia đình đã phải tính đến phương án cân đối tài chính, cắt giảm chi tiêu hàng ngày. Mấy tháng nay, vợ chồng chị Võ Thị Mai (xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) phải "cân đo đong đếm" từng đồng để lo chi phí cuộc sống hàng ngày.

“Giá xăng tăng, mọi chi phí sinh hoạt tăng, tiền đi chợ cũng tăng hơn nhiều so với trước. Ngày trước, tiền xăng hàng tháng của gia đình chỉ vào khoảng 400.000 - 500.000 đồng, nay tăng lên 800.000 đến gần 1.000.000 đồng. Chưa kể xăng tăng kéo theo các mặt hàng thiết yếu tăng trong khi lương công nhân 1 năm chỉ tăng khoảng 250.000 đồng.

Bây giờ, chi tiêu hàng ngày vợ chồng tôi đều phải tính toán, "cân đo đong đếm" sao cho hợp lý, tiết kiệm nhất. Chưa kể vợ chồng tôi có thêm con nhỏ, những tháng có nhiều đám tiệc hầu như chúng tôi đều phải rút thêm tiền tiết kiệm tích lũy trước đó ra để bù vào xoay xở. Chúng tôi chỉ mong giá xăng giảm để chi phí sinh hoạt giảm, cuộc sống đỡ vất vả hơn” - chị Võ Thị Mai chia sẻ.

Hộ kinh doanh gặp khó

Trước tình trạng giá xăng tăng cao kéo theo giá cả các mặt hàng phục vụ đời sống, sinh hoạt tăng theo, không chỉ người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu mà ngay cả các tiểu thương, hộ kinh doanh cũng gặp khó khăn.

Sức mua của người tiêu dùng tại các chợ ở TP. Tân An giảm nhiều so với trước đây

Sức mua của người tiêu dùng tại các chợ ở TP. Tân An giảm nhiều so với trước đây

Tại chợ phường 2 và chợ phường 1, TP.Tân An, nhiều tiểu thương khẳng định sức mua của người tiêu dùng đã giảm đáng kể. Theo tính toán của các tiểu thương, so với thời điểm đầu năm thì sức mua của người tiêu dùng thời điểm hiện tại chỉ đạt khoảng 60 - 70%.

“Người tiêu dùng vẫn mua hàng nhưng nếu trước đây có thể mua 1kg thịt thì nay chỉ mua 0,5kg, các mặt hàng khác cũng tương tự cũng như vậy. Người tiêu dùng không còn mạnh tay chi tiêu như trước. Thay vào đó, tâm lý người tiêu dùng bây giờ là chỉ mua vừa đủ và mua những mặt hàng thực sự cần cho sinh hoạt” - chị Nguyễn Thị Loan - tiểu thương chợ phường 2, chia sẻ.

Trong số các mặt hàng chịu tác động từ giá xăng, dầu, nhóm mặt hàng vật liệu xây dựng có mức tăng nhiều nhất, nhiều sản phẩm ghi nhận mức tăng gấp đôi hoặc hơn so với trước đây.

Tại cửa hàng vật liệu xây dựng Tư Tiến (xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) - một trong những đại lý vật liệu xây dựng lớn trên địa bàn huyện, thường ngày người dân hay các chủ thầu đến mua đông đúc, nay cũng chỉ còn lác đác vài mối quen.

Các cửa hàng VLXD trên địa bàn huyện Thủ Thừa, Long An rất ít khách đến đặt hàng

Các cửa hàng VLXD trên địa bàn huyện Thủ Thừa, Long An rất ít khách đến đặt hàng

“2 tháng nay, cửa hàng bán rất chậm, ít người đến hỏi mua. Nếu so với trước, lượng hàng bán ra giảm khoảng 80%” - bà Phạm Thị Cẩm Hường - Chủ cửa hàng VLXD Tư Tiến, khẳng định.

Theo bà Hường, từ giữa năm ngoái đến thời điểm hiện tại, tất cả mặt hàng vật liệu xây dựng đều tăng giá mạnh, nhất là các mặt hàng như sắt, thép, xi măng, gạch, cát, đá. Điều này cũng khiến nhiều người có ý định xây dựng nhà phải tính toán lại vật tư hoặc lùi kế hoạch xây dựng, chờ thời điểm giá cả đi xuống. Chính điều đó khiến sức mua giảm.

Ngoài ra, vật giá tăng liên tục cũng khiến các cửa hàng vật tư “lỗ” vì giao kết với khách hàng bằng giá cũ.

“Có thời điểm giá các mặt hàng tăng liên tục hàng tuần, thậm chí hàng ngày khiến các đại lý chúng tôi không dám nhập hàng về bán vì sợ âm vốn, khó tiêu thụ. Nhiều trường hợp sau khi tham khảo giá và báo giá, khách hàng đồng ý mua, ký hợp đồng, nhưng sau này giá cả tăng đột biến khiến chúng tôi không kịp trở tay, phải chấp nhận chịu lỗ, không thể tăng giá do giá cả đã ký kết trước đó.

Hiện tôi cũng không dám thuê nhân công, chủ yếu là các thành viên gia đình thay nhau bán tại cửa hàng để cắt giảm tối đa các chi phí phát sinh” - bà Hường nói.

Hơn bao giờ hết, người dân, nhất là những người lao động cần siết chặt chi tiêu để giảm bớt khó khăn trong cơn bão giá như hiện nay. Ngoài ra người dân cũng mong muốn các bộ, ngành Trung ương cần có thêm giải pháp hữu hiệu để kìm giá xăng, dầu, tạo điều kiện bình ổn giá cả thị trường để giảm bớt khó khăn cho người tiêu dùng.

Theo Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh, giá xăng, dầu liên tục điều chỉnh tăng trong thời gian qua đã tác động rất lớn đến thị trường. Giá xăng, dầu tăng cao đã khiến các chi phí trung gian như chi phí vận chuyển, nhân công, đẩy giá các mặt hàng bán ra thị trường tăng mạnh. Trong đó, mức tăng mạnh nhất ghi nhận ở nhóm hàng vật liệu xây dựng, phân bón, gas mức tăng lên so với trước đây. Các mặt hàng thiết yếu như rau, củ, thịt, cá, các loại trứng, dầu ăn cũng ghi nhận mức tăng.

"Thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh tại các chợ, trung tâm thương mại để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị nếu phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu. Ngoài ra người dân cần tiết kiệm chi phí và có cách tiêu dùng hợp lý, sẽ giúp cho cuộc sống được đảm bảo trong thời kỳ bão giá này ” - ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết.

Nguồn: [Link nguồn]

Phần bỏ đi của cây dứa không ngờ là đặc sản hiếm, ”mỏ vàng” bán thu tiền triệu

Có một bộ phận trên cây dứa nhiều người nghĩ bỏ đi, nhưng thực chất nó là món ăn đặc sản vô cùng nổi tiếng của Hậu Giang.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huỳnh Du ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN