Anh nông dân 9X kiếm bộn tiền nhờ nuôi con “hiền lành” trong hộp nhựa

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trần Minh Nhật (28 tuổi, xã Long Khánh, huyện Duyên Hải, Trà Vinh) là một trong những người tiên phong triển khai mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa.

Theo báo Thanh Niên, tốt nghiệp ngành cơ khí Trường ĐH Trần Đại Nghĩa (Tp.HCM), Trần Minh Nhật lên đường nhập ngũ, mang theo ước mơ làm giàu từ mô hình nuôi thủy sản.

Năm 2022, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về địa phương, mạnh dạn đầu tư 15 triệu đồng để mua 50 hộp nhựa nuôi cua. "Nuôi trong hộp nhựa để thu hoạch cua lột, cua cốm, giá trị cao gấp 2 - 3 lần so với cua thịt thông thường. Ở nước ta, một số công ty đã thực hiện mô hình này và tôi nhận thấy có nhiều tiềm năng. Từ nguồn con giống dồi dào ở quê mình, tôi quyết định đầu tư khởi nghiệp", anh Nhật chia sẻ.

Tuy nhiên, chuyện khởi nghiệp không dễ dàng. Thời gian đầu, anh Nhật nếm "trái đắng" do mua nhầm cua giống kém chất lượng, tỉ lệ hao hụt hơn 50%. Bên cạnh đó, anh chưa có nhiều kinh nghiệm về nuôi nhốt tự nhiên trong hộp nhựa bé xíu, cách xử lý nguồn nước…

Anh Trần Minh Nhật thu lãi hơn 30 triệu đồng/tháng từ mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa. Ảnh: báo Thanh Niên.

Anh Trần Minh Nhật thu lãi hơn 30 triệu đồng/tháng từ mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa. Ảnh: báo Thanh Niên.

"Việc chọn giống cua rất quan trọng mà tôi lại mua phải những con không chất lượng nên đã “thua” ngay từ đầu rồi. Còn chưa kể, kinh nghiệm nuôi cua nhựa không có nên việc chăm sóc một con cua tự nhiên trong hộp nhựa bé xíu cũng rất khó khăn cho một người mới bước chân vào nghề như tôi, cách xử lý nguồn nước rồi đủ thứ khác nữa…”, anh Nhật tâm sự với tạp chí Nông Thôn Việt.

Tuy nhiên, với suy nghĩ "thất bại là mẹ thành công", anh kiên trì khắc phục sai sót trong quá trình nuôi, tìm mua con giống chất lượng, xử lý lại nguồn nước. Sau 2 năm vừa nuôi vừa tự rút kinh nghiệm, đến nay, anh Nhật đã thành công và nhân rộng mô hình nuôi với 800 hộp nhựa, đồng thời đầu tư hệ thống lọc thải chuyên nghiệp với chi phí hơn 500 triệu đồng.

Chia sẻ về bí quyết về mô hình này, anh Nhật cho biết giống được mua từ các hộ nuôi cua quảng canh tại địa phương, trọng lượng từ 150 - 200 gram/con và đảm bảo khỏe mạnh để phát triển trong môi trường mới là hộp nhựa.

Về nguồn nước, anh sử dụng nguồn nước ở đầm gần nhà, có độ mặn tương ứng với người dân đang nuôi quảng canh và phải qua xử lý, lọc sạch trước khi dẫn vào những hộp nuôi. Trong suốt quá trình nuôi, anh Nhật cho biết cần phải thường xuyên vệ sinh hộp nhựa, kiểm tra thông số, chất lượng nguồn nước, bổ sung khoáng chất cần thiết cho cua phát triển tốt. Thức ăn cho cua chủ yếu là hải sản tươi như cá, ốc… Cua nuôi khoảng 45 ngày có thể xuất bán.

Theo anh Nhật, nuôi trong hộp nhựa có nhiều ưu điểm vượt trội vì chủ động thu hoạch được cua lột, cua cốm có giá trị cao gấp 2 - 3 lần so với cua thịt thông thường. Bởi, nếu nuôi ở môi trường thiên nhiên, khi đến giai đoạn lên cốm, cua thường tìm chỗ ẩn nấp, ít kiếm ăn nên khó bắt.

Cua nuôi trong hộp nhữa chỉ khoảng 45 ngày là có thể xuất bán được. Ảnh: Nông Thôn Việt

Cua nuôi trong hộp nhữa chỉ khoảng 45 ngày là có thể xuất bán được. Ảnh: Nông Thôn Việt

Mỗi tháng, anh Nhật xuất bán khoảng 150 kg cua lột và 50 kg cua cốm khắp các tỉnh, thành trong nước, nhiều nhất là Tp.HCM. Cua lột thường có giá trung bình 650.000/kg, cua cốm 690.000 đồng/kg. Nhờ đó, anh có lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/tháng.

Anh Nhật cho biết đã đăng ký thành công thương hiệu sản phẩm OCOP 3 sao của huyện cho sản phẩm cua lột thương hiệu Cơ Bắp của mình. Sắp tới, anh sẽ liên kết với các hộ dân để xây dựng nguồn cua nguyên liệu, hình thành chuỗi cung ứng ra thị trường.

Anh Lê Vĩnh Lâm, Phó bí thư Huyện đoàn Duyên Hải, nhận xét mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa của anh Trần Minh Nhật là một trong những điểm sáng về phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tại địa phương. Qua đó, góp phần khẳng định bản thân và phát triển kinh tế cá nhân.

Cua biển là thực phẩm được nhiều người ưa thích, nhất là các tín đồ mê hải sản. Cua biển ngon, giàu dinh dưỡng: protein, lipid, Ca, P, Fe, vitamin B1, B2, PP, Mg và axit béo omega 3. Nó có giá trị cao cả trong thực phẩm và y học.

Theo Đông y, thịt cua biển có vị ngọt, mặn, tính ấm, không độc, tác dụng bổ khí dưỡng huyết, ích xương tủy, thông kinh lạc… dùng rất tốt với người hư nhược, trẻ em còi, người lớn gầy khó lên cân, gân xương yếu, sinh lý yếu, các chứng đau tê liên quan khí huyết, huyết ứ. Sau đây là một số món ăn bài thuốc từ cua biển:

Cháo cua biển: thịt cua biển, gạo ngon, đậu xanh, hành ngò, gia vị vừa đủ. Cua hấp chín lấy thịt và gạch chao hành mỡ cho thơm để riêng. Gạo và đậu xanh vo sạch nấu cháo, khi cháo chín cho thịt cua và gạch cua đun nhỏ lửa, sôi lại nêm gia vị ăn. Công dụng: bổ khí dưỡng huyết, ích tỳ vị… Rất tốt với trẻ em còi, người lớn gân xương yếu, khí huyết đều hư, suy nhược cơ thể.

Lẩu cua biển: cua biển, xương lợn, tôm sú, rau muống, giá đậu, hoa lý, rau đắng, nấm hương, nấm rơm, cà chua, hành ngò gia vị vừa đủ nấu lẩu ăn. Công dụng bổ tỳ, ích thận, sinh tinh huyết… Chữa đau lưng mỏi gối, ù tai, chữa nhược dương do thận khí hư.

Cua biển hấp bia: cua biển, bia, gừng tươi, hành tây, ớt, tiêu, muối, gia vị vừa đủ hấp ăn. Công dụng ích thận dưỡng can, thông huyết, ích xương khớp… Chữa đau lưng, mỏi gối, xương gãy lâu lành, đêm ngủ chuột rút, loãng xương ở người già.

Cua biển rang me: cua biển, me chín, tỏi, hành tây đã thái mỏng, bột năng, gia vị vừa đủ rang ăn kèm rau, tía tô, kinh giới, rau thơm. Công năng: bổ huyết, dưỡng tỳ thận, thông kinh lạc, chắc gân xương. Rất tốt cho người lớn gân xương yếu, loãng xương, trẻ em còi chậm lớn, người bị chuột rút về đêm.

Súp cua biển: thịt cua biển, thịt gà xé nhỏ, ngô non bào, trứng gà, bột năng, hành ngò, gia vị vừa đủ nấu súp ăn. Công dụng: bổ hư, ích tỳ, thận, thông kinh lạc… Rất tốt với người mới ốm dậy, ăn kém, khí huyết hư, gân xương yếu, chân tay tê, lạnh, thiếu máu lâu ngày.

Chả cua biển: thịt cua biển, trứng gà, cà rốt, hành tây, khoai môn, giá đỗ, bánh tráng, nấm mèo. Các vị thái nhỏ, trộn trứng và gia vị vừa đủ quấn làm chả chiên ăn kèm rau kinh giới, tía tô, rau thơm. Công dụng: bổ khí, huyết, ích xương cốt, chữa khí huyết hư, nhức mỏi gân xương. Dùng thích hợp với người già, trẻ em, phụ nữ khí huyết hư, xương cốt yếu.

Lưu ý: Cua biển giàu đạm. Người đang cần giảm cân, bệnh gút; người hay dị ứng cua ghẹ nên kiêng hoặc hạn chế dùng. Nên dùng cua tươi sống, nếu để cua chết, chất đạm trong cua dễ bị hỏng làm giảm hương vị và có thể gây dị ứng.

Nguồn: [Link nguồn]

Món ăn này được nhiều người công nhận là hao cơm bậc nhất miền Tây. Đây cũng là món ăn đặc sản, được không ít du khách đặt mua làm quà biếu,

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hoa  ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN