'Án tử' cho cả triệu chiếc xế cổ

Quy định xử phạt phương tiện chuyển quyền sở hữu mà không sang tên của công an TP. Hà Nội là án phạt thường trực cho nhiều xe cổ có tuổi đời hàng trăm năm.

Ngay sau khi thông điệp xử phạt nghiêm những chủ phương tiện không sang tên đổi chủ được phát đi, không chỉ những người dùng xe cũ mà rất nhiều người chơi xe cổ đứng ngồi không yên.

Trò chuyện với PV, ông Trần Thiết Cường (50 tuổi) ở Thanh Trì (Hà Nội) hiện đang sở hữu một "bộ sưu tập" xe cổ lo lắng: "Tôi đang "ôm" cả tá chiếc xe cổ, trong đó phải kể đến là Minsk, Simson, CD, Sidecar (xe ba bánh)... Có những "em" sử dụng cả nửa thế kỷ, đã qua hàng chục chủ sở hữu. Khi mua bán, trao đổi, anh em đều là chỗ quen biết nên chỉ sử dụng giấy tờ viết tay mà không làm thủ tục sang tên đổi chủ. Giờ mà bắt phải xác nhận từ chủ đầu tiên thì không thể tìm được mà chi phí đi tìm người đó có khi còn nhiều hơn mua một chiếc xe mới".

Theo ông Cường, riêng Hà Nội hiện nay có hàng nghìn người chơi xe cổ với số lượng xe lên tới cả triệu chiếc. Người chơi xe này không nhằm mục đích làm phương tiện lưu hành mà đơn giản vì yêu thích lịch sử, hoài niệm về một nét văn hóa, một phần lịch sử của đất nước.

"Giờ bỗng nhiên xử phạt những người sở hữu xe cổ như chúng tôi là bất hợp lý. Ra đường mà cứ nơm nớp lo sợ bị công an phạt thì ai còn dám sưu tầm những chiếc xe cổ nữa", ông Cường lo lắng.

'Án tử' cho cả triệu chiếc xế cổ - 1

Quy định trên là án phạt thường trực cho nhiều xe cổ.

Cùng chung lo lắng, anh Nguyễn Văn Thắng (Thanh Xuân, Hà Nội) một người chơi Vespa cổ cho biết: "Hà Nội hiện nay có cả Hội người chơi Vespa cổ, điều đó cho thấy sức hút kỳ diệu của phương tiện này đối với người chơi. Tôi dám cam đoan một điều rằng, rất ít xe Vespa trong số đó có đầy đủ giấy tờ sang tên đổi chủ. Bởi chơi xe là niềm vui, sở thích, đôi khi chỉ cần nhìn thấy thích là sẵn sàng rút tiền ra mua, thậm chí tặng nhau. Thủ tục cũng đơn giản vô cùng, có thể chỉ là mảnh giấy viết tay ghi tên tuổi, số chứng minh thư... Giờ lại truy cứu trách nhiệm sang tên đổi chủ khác nào làm khó những người chơi Vespa cổ như chúng tôi".

Anh Thắng cho biết, xe cổ không phải nhằm mục đích làm phương tiện đi lại mà chủ yếu để trưng bày. Thỉnh thoảng các thành viên trong hội mới mang ra để diễu hành, biểu diễn tại các sự kiện... "Nếu đúng theo lộ trình, từ ngày 10/11 trở đi các xe cổ phần lớn sẽ không còn có thể xuất hiện trên đường phố nữa, vì nếu xuất hiện là rất dễ bị phạt. Hà Nội rất có thể sẽ mất đi một nét văn hóa truyền thống quý giá", anh Thắng nói thêm.

Theo quan điểm của các chuyên gia, ý tưởng xử phạt những phương tiện không làm thủ tục sang tên đổi chủ là rất hay và cần thiết. Tuy nhiên, việc áp dụng ngay chế tài xử phạt như hiện nay là có phần gấp gáp và quá nặng đối với một số trường hợp. Vẫn biết rằng, quy định phải chặt chẽ, tuy nhiên cần có những hướng mở cần thiết đối với trường hợp "đặc biệt".

"Các chính sách đưa ra phải hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội chứ không phải cứ quyết định phạt là phạt, thu phí là thu phí. Nhiều người sở hữu hàng trăm xe cổ, không thể "đè" họ ra mà phạt mỗi xe một triệu vì mua bán không sang tên đổi chủ được", một chuyên gia nêu quan điểm.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Văn - Trinh Phúc (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN