Ảm đạm thị trường Tết ông Công ông Táo

Dù là thời điểm cao điểm sắm đồ cúng Tết nhưng năm nay sức mua trong dân có phần ảm đạm so với năm trước. Các loại thực phẩm cúng Tết giá bán ổn định, xu hướng đơn giản.

Hà Nội: Sức mua ảm đạm, giá không tăng

Cao điểm mua sắm Tết ông Công ông Táo, PV Tiền Phong khảo sát tại chợ truyền thống ở Hà Nội như Chợ Hôm (Hai Bà Trưng), chợ Long Biên, chợ Phúc Đồng, chợ Cầu Giấy. Tại các chợ này, theo các tiểu thương, lượng hàng hóa bày bán không tăng so với năm trước. Tại Chợ Hôm, khu vực bán gà lễ cúng không còn cảnh khách chờ xếp hàng mua gà.

Chị Đào Thu Thủy, người chuyên bán gà lễ cúng tại Chợ Hôm cho biết, lượng khách đặt hàng ít hơn các năm trước, sức mua bằng khoảng 70%.

“Mọi năm, tôi phải huy động thêm người thân làm gà cúng, khách hàng xếp hàng chờ lấy gà lễ. Nhưng năm nay khách giảm, nhiều người đặt giao hàng tại nhà. Giá bán gà cúng dao động 350 - 500 nghìn đồng/con (tùy theo trọng lượng)”, chị Thủy chia sẻ.

Bộ cá chép đỏ phóng sinh cũng tràn ngập các chợ dân sinh với mức giá 30.000 - 40.000 đồng/bộ 3 con (tùy theo kích thước), tương đương giá năm trước. Chị Lê Hạnh - tiểu thương bán thủy hải sản tại chợ Phúc Đồng (Long Biên) cho biết, dịp Tết ông Công ông Táo bán thêm bộ cá chép đỏ phóng sinh.

Những năm trước, ngoài loại cá truyền thống, chị Hạnh bán thêm cá kích thước to với giá cao hơn, từ 100 - 200 nghìn đồng/con. Tuy nhiên, xu hướng người dân thắt chặt chi tiêu nên năm nay chị Hạnh chỉ bán loại cá truyền thống.

Bà Nguyễn Hiền - tiểu thương bán vàng mã tại Chợ Hôm cho biết, bộ vàng mã lễ Táo quân từ 30.000 - 150.000 đồng/bộ, tùy theo kích thước, chất lượng. Năm nay, bà Hiền chuẩn bị khoảng 100 bộ vàng mã, ít hơn so với năm ngoái.

“Năm nay người dân mua sắm ít hơn những năm trước nên tôi chuẩn bị hàng hóa ít hơn. Người dân ngày càng ít đốt vàng mã, giá bán bộ vàng mã Táo quân giữ nguyên so với năm trước”, bà Hiền chia sẻ.

TP Hồ Chí Minh: Vẫn đang chờ khách

Người dân mua sắm đồ lễ Tết ông Công ông Táo ít hơn so với mọi năm

Người dân mua sắm đồ lễ Tết ông Công ông Táo ít hơn so với mọi năm

Trưa 31/1, cửa hàng cá kiểng Huy Song Long (Nguyễn Thông, quận 1) đã bắt đầu nhộn nhịp khách đến chọn mua cá tiễn ông Táo về trời. Phía trước cửa hàng, tấm bảng lớn giới thiệu “cá 2 ông 1 bà” thu hút sự tò mò của nhiều khách hàng đến đây.

Theo lời nhân viên, thông thường khách sẽ chọn mua 3 con cá chép đỏ, sau đó phóng sanh, tượng trưng cho việc đưa ông Táo về trời. Năm nay, giá cá chép không biến động, cá tầm 3 ngón tay giá 50.000 đồng/con, loại lớn hơn có giá 200.000 đồng/3 con.

Ông Huy, chủ cửa hàng cá kiểng Huy Song Long cho biết, giá cá cảnh cho thị trường ông Công ông Táo không tăng. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy năm nay sức mua sẽ giảm hơn so với năm trước.

“Thực tế tăng giảm thế nào phải chờ đến ngày 23 tháng Chạp (ngày 2/2) mới biết chính xác. Dẫu sao, có khách mua trong thời điểm này là tốt lắm rồi. Tình hình kinh tế khó khăn chung nên ai cũng tính toán chi tiêu. Những loại cá chép nhỏ sẽ dễ có khách hơn” - ông Huy nhìn nhận.

“Không chỉ thực phẩm cúng Tết ông Công ông Táo mà nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán Giáp Thìn của người dân giảm mạnh so với nhiều năm trước. Kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút nên người dân “thắt lưng buộc bụng”.

Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội

Tại các chợ truyền thống như Bà Chiểu, Thị Nghè (quận Bình Thạnh), Hòa Bình (quận 5), Hòa Hưng (quận 10)… các loại tiền vàng, đồ cúng ông Táo được tiểu thương nhập về khá đa dạng. Sản phẩm vàng mã được bày biện đủ màu nổi bật, gây sự chú ý với người đi đường.

Thời điểm buổi sáng, những quầy hàng này tấp nập khách hơn. Giá bộ vàng mã cúng ông Công, ông Táo tại chợ dao động từ 35.000 - 200.000 đồng/bộ tùy chất liệu và kích cỡ; quần áo: 10.000 - 25.000 đồng/bộ; ngựa: 20.000 - 80.000 đồng/con tùy loại; tiền vàng, thỏi vàng Thần tài khoảng 25.000 đồng...

Bà Nương Nữ, tiểu thương chợ Thiếc (quận 11) - ngôi chợ kinh doanh đồ “âm phủ” lớn nhất TPHCM cho biết, cả tuần qua, khách đến mua vàng mã có đông hơn nhưng sức bán không cao.

“Khách chủ yếu mua một bộ đồ cúng có đầy đủ tiền vàng, bánh kẹo; nhang, nến… khi tiễn ông Táo về trời. Giá các mặt hàng trên biến động từ 50.000 - 70.000 đồng tùy theo yêu cầu khách hàng mua nhiều hay ít. Các món đồ “nhà lầu, xe hơi” giấy trước kia đắt khách nhưng nay cũng kén người mua” - bà Nữ chia sẻ.

Theo các tiểu thương, người dân có xu hướng mua cá chép đường (làm bằng đường) đặt trên bàn thờ. Cá chép đường chỉ có giá khoảng 50.000 - 80.000 đồng/con, rẻ hơn nhiều so với cá chép thật.

“Mọi năm, người dân chuẩn bị sẵn đồ cúng ông Táo, đã rục rịch trước đó cả 2 tuần. Năm nay, khách chỉ lai rai, mong rằng đến đúng ngày 23 tháng Chạp khách sẽ mua nhiều hơn” - bà Linh, chủ quầy hàng kinh doanh vàng mã tại chợ Bà Chiểu kỳ vọng.

Trong khi đó, các loại trái cây cúng không tăng giá nhiều so với ngày thường. Cụ thể, mãng cầu, bưởi da xanh, quýt đường có giá từ 40.000 - 60.000 đồng/kg, xoài cát: 50.000 - 70.000 đồng/kg; hoa cúc, đồng tiền: 15.000 - 25.000 đồng/cây…

Nguồn: [Link nguồn]

Nhiều thương lái bỏ cọc khiến chủ vườn đành vứt bỏ chuối, hoặc kêu gọi người dân mua chuối "giải cứu".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Linh-Uyên Phương ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN