Hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội: Chỗ dựa cho lao động nghèo

Ngày 26/1, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (có hiệu lực từ 1/1/2016) sẽ mở rộng nhiều đối tượng tham gia, nhất là lao động khu vực phi chính thức. Đặc biệt, người lao động nghèo sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ khi tham gia bảo hiểm xã hội.

Quan tâm nhiều hơn tới lao động nghèo

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết, hiện có khoảng 20% lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Trong cơ chế thị trường, mở rộng đối tượng tham gia để tăng quyền lợi cho người lao động (NLĐ). Nhằm hoàn thành mục tiêu 50-60% số NLĐ được đóng bảo hiểm, Luật BHXH sửa đổi đã mở rộng cho nhiều đối tượng tham gia.

Hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội: Chỗ dựa cho lao động nghèo - 1

Từ 1/1/2016, thêm nhiều quyền lợi cho người lao động khi tham gia BHXH. Ảnh: Phạm Anh.

Với BHXH bắt buộc, từ 1/1/2016, bổ sung 3 đối tượng tham gia gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 đến dưới 3 tháng; người hoạt động không chuyên trách ở xã phường, thị trấn; công dân nước ngoài vào làm việc hợp pháp tại Việt Nam. Riêng với BHXH tự nguyện, sẽ không khống chế tuổi trần tham gia của đối tượng, chỉ cần đóng đủ số năm và đủ tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng lương hưu. 

“Cuộc sống mưu sinh hằng ngày của người nông dân vất vả lo từng bữa ăn, làm sao họ nghĩ được đến tương lai 10-20 năm sau. Do đó, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, giúp họ đóng BHXH để đảm bảo cuộc sống về sau này”. 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân

Theo Thứ trưởng Huân, Luật BHXH mới còn mở rộng sang khu vực lao động phi chính thức, thu nhập không ổn định. “Cuộc sống mưu sinh hằng ngày của người nông dân vất vả lo từng bữa ăn, làm sao họ nghĩ được đến tương lai 10-20 năm sau. Do đó, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, giúp họ đóng BHXH để đảm bảo cuộc sống về sau này”, ông Huân nói.

Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết, để tạo điều kiện cho nhóm đối tượng phi chính thức, luật mới quy định ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ một phần chi phí đóng BHXH. Ngoài ra, mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng BHXH sẽ hạ xuống bằng 22% mức chuẩn nghèo ở nông thôn (thay vì bằng mức lương cơ sở như hiện nay). Ngoài ra, người tham gia có thể đóng một lần cho nhiều năm trước khi tham gia BHXH hoặc đóng cho nhiều năm sau đó. “Với quy định này, sẽ giúp đối tượng khó khăn có điều kiện tham gia BHXH”, bà Nga nói.

Tăng trợ cấp ốm đau, thai sản

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Điều Bá Được, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (thuộc BHXH Việt Nam), cho biết, Luật BHXH mới còn hoàn thiện nhiều chính sách có lợi cho NLĐ, nhất là việc tăng trợ cấp chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất... trợ cấp ốm đau một ngày bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày (thay cho mức hiện nay là 26 ngày). Với NLĐ mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, sẽ được nâng mức trợ cấp từ 45% hiện hành lên 50% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Ngoài ra, còn tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau một ngày từ 25% lên 30% mức lương cơ sở.

Về chế độ thai sản, bà Trần Thị Thúy Nga cho biết, trong trường hợp mang thai hộ vì lý do nhân đạo, cả người mẹ mang thai và người mẹ nhờ mang thai đều được hưởng chế độ thai sản. Trường hợp cả hai người mẹ đều được hưởng chế độ thai sản có gây áp lực cho Quỹ BHXH”? Bà Nga khẳng định: “Vì đối tượng này không nhiều nên không ảnh hưởng đến chi trả của quỹ”.

Với trường hợp lao động nữ khi mang thai phải nghỉ việc dưỡng thai theo chỉ định của bác sỹ, chỉ cần đóng đủ BHXH từ 3 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh (quy định hiện hành là 6 tháng). Lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày với sinh thường; nghỉ 7 ngày nếu phẫu thuật và sinh con dưới 32 tuần tuổi. Nếu vợ sinh đôi, chồng được nghỉ 10 ngày; sinh 3 trở lên, cứ thêm mỗi người con, được nghỉ thêm 3 ngày làm việc.

Lương hưu mới được tính thế nào?

Bà Nga cho biết, Luật BHXH 2014 cũng đưa ra cách tính lương hưu mới dựa trên mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và bổ sung một số điều kiện hưởng lương hưu. Theo đó, lương hưu của NLĐ căn cứ vào thời gian bắt đầu đóng BHXH. Với NLĐ đóng BHXH trước năm 1995, lương hưu bằng trung bình tiền lương 5 năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu như Luật BHXH 2006. Từ 1995-2000 tăng lên 6 năm; từ 2001-2006 là 8 năm; từ 2007-2015 là 10 năm; từ 2016-2019 là 15 năm; từ 2020-2024 là 20 năm.

Người bắt đầu đóng BHXH từ năm 2025 trở đi, lương hưu bằng lương trung bình của toàn bộ quá trình đóng BHXH. “Ngoài ra, người bị phạt tù giam vẫn được hưởng lương hưu. Với người đang hưởng lương hưu ra nước ngoài định cư sẽ được giải quyết hưởng trợ cấp một lần”, bà Nga cho biết.

Trong khi đó, với người bắt đầu tham gia BHXH từ khi luật có hiệu lực, tiền lương đóng BHXH dựa trên chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ áp dụng cho NLĐ, không phân biệt khu vực nhà nước hay ngoài nhà nước.

Trao hơn 10.000 thẻ BHYT cho hộ cận nghèo

Ngày 26/1, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam trao hơn 10.000 thẻ BHYT cho những người thuộc hộ cận nghèo tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum và Đắk Nông. Trong số hơn 10.000 thẻ, Bộ Y tế trao cho tỉnh Đắk Lắk 3.521 thẻ, tương đương 656 triệu đồng; Kon Tum 3.521 thẻ và Đắk Nông 3.542 thẻ. Đây là số thẻ vận động từ các nhà tài trợ, tổ chức xã hội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Cầm-Quỳnh Nga ([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN