Đóng điện các dự án năng lượng mặt trời đầu tiên tại Việt Nam - GEC là ai?

Năng lượng tái tạo đang trở thành xu hướng toàn cầu và Ngành Năng lượng TTC cũng đang nhanh chóng hòa nhịp với xu hướng này. Đến thời điểm hiện nay, có thể nói TTC là một trong số ít những Tập đoàn tư nhân đang hướng đến một danh mục dự án đa dạng các loại hình năng lượng từ Điện gió (2,1%), Thủy điện (9,3%), Nhiệt điện (10,7%) và đặc biệt là Mặt trời bao gồm cả Áp mái (77,9%).  

Doanh thu và Lợi nhuận tăng trưởng ổn định từ danh mục dự án đa dạng của các mảng năng lượng tái tạo

Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEC, Công ty), mã cổ phiếu GEG - UPCOM được định hình là đơn vị chủ lực trong Ngành Năng lượng TTC hiện đang sở hữu danh mục các dự án Thủy điện và Mặt trời với tổng công suất thiết kế là 84 MW và 215 MWp đến từ các Nhà máy đang vận hành và đang triển khai. Danh mục của GEC đang chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục các đơn vị Ngành Năng lượng TTC. Tiếp tục chứng minh hiệu quả hoạt động ổn định qua nhiều năm liền khi trong Quý 3/2018, Công ty đã vượt kế hoạch Doanh thu (DT) và Lợi nhuận (LN) trong đó Lợi nhuận sau thuế (LNST) hợp nhất 9 tháng đạt 134 tỷ đồng, hoàn thành xấp xỉ 90% kế hoạch năm 2018.

Tính riêng Quý 3, Doanh thu thuần (DTT) đạt 135 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ và vượt 28% kế hoạch. Lũy kế 9 tháng, DTT đạt 362 tỷ đồng, đóng góp chủ yếu từ mảng kinh doanh chủ lực là sản xuất và cung ứng điện của 14 Nhà máy Thủy điện tại Gia Lai, Lâm Đồng và Huế với tổng công suất thiết kế đạt 84,1 MW là 323 tỷ đồng, chiếm 89% trong cơ cấu DT. Công tác sửa chữa định kỳ các nhà máy để vận hành ổn định được hoàn thành theo đúng kế hoạch nên không phát sinh sự cố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh. DT bán điện chiếm phần lớn trong cơ cấu DT với Biên LN gộp rất khả quan vào khoảng 59% so với hoạt động cung cấp dịch vụ và xây lắp đã góp phần làm cho Biên LN gộp của Công ty trong 9 tháng đạt 55%, ổn định trong nhiều năm gần đây. 

Danh mục các Dự án Thủy điện đang vận hành của GEC

Đóng điện các dự án năng lượng mặt trời đầu tiên tại Việt Nam - GEC là ai? - 1

Nguồn:GEC

DT 9 tháng đã đạt xấp xỉ 70% kế hoạch năm nhưng Công ty vẫn điều tiết được Giá vốn hàng bán vẫn thấp hơn 8% so với kế hoạch, LN gộp vì vậy ghi nhận 200 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch là 166 tỷ đồng. Do có sự thay đổi về mức lãi suất cho vay đối với Dự án Thủy điện Ayun Thượng - Gia Lai (12 MW) nên chi phí lãi vay lũy kế 9 tháng tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí tài chính lại điều chỉnh giảm khoảng 12% do trong năm 2017 có ghi nhận chênh lệch mệnh giá cổ phiếu quỹ TIC khi thực hiện sáp nhập vào GEC.

Quản lý chi phí hợp lý và ổn định trong một khoảng thời gian dài cũng là những lợi thế của GEC khi Chi phí Quản lý doanh nghiệp vẫn duy trì ở ổn định là 11-12% DTT trong 4 năm gần đây, đặc biệt là Công ty không ghi nhận chi phí bán hàng phát sinh trong 9 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ vào khoảng 400 triệu đồng.

LNST Quý 3 đạt 45 tỷ đồng, vượt 69% kế hoạch và LNST lũy kế 9 tháng đạt 134 tỷ đồng, hoàn thành 87% kế hoạch năm. Với 14 Dự án Thủy điện đang phát điện và bán lên lưới điện quốc gia với chi phí vốn hợp lý, GEC đã duy trì khả quan các Chỉ số sinh lời trong hoạt động khi Biên EBITDA, Biên EBIT, Biên LN ròng đều đạt những con số ấn tượng lần lượt là 64%, 46% và 37%.

Các chỉ số sinh lời trong hoạt động của GEC

Đóng điện các dự án năng lượng mặt trời đầu tiên tại Việt Nam - GEC là ai? - 2

Nguồn: BCTC hợp nhất GEC

Hệ số thanh khoản an toàn với cơ cấu vốn được duy trì hợp lý

Tại ngày 30/9/2018, Tổng tài sản (TTS) của GEC đạt 3.242 tỷ đồng, tăng mạnh 95% so với đầu năm đặc biệt Tiền và các khoản tương đương tiền đạt 1.262 tỷ đồng, tăng 466% so với đầu năm nhờ nguồn tiền bổ sung từ đợt tăng vốn và tăng tài sản các dự án Điện mặt trời. Với lượng tiền gấp 7 lần so với nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn chỉ vào khoảng 180 tỷ đồng, Công ty hoàn toàn đảm bảo lượng tiền mặt để chi trả những khoản vay ngắn hạn. Khả năng thanh toán được duy trì ở mức cao khi Hệ số thanh toán hiện hành đạt 4,5 lần và Hệ số thanh toán nhanh đạt 4,4 lần, tương đương cuối năm 2017. Tình hình vốn lưu động của Công ty được duy trì ổn định với các khoản Phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm 35% so với cuối kỳ do Công ty thực hiện tốt việc kiểm soát và thu hồi công nợ.

Các chỉ số về khả năng thanh toán

Đóng điện các dự án năng lượng mặt trời đầu tiên tại Việt Nam - GEC là ai? - 3

Nguồn: BCTC hợp nhất GEC

Nợ vay ngắn hạn và dài hạn ghi nhận tăng cao so với đầu năm nhưng chỉ chiếm khoảng 22% TTS do Công ty đang trong giai đoạn thực hiện các hoạt động xây dựng cơ bản cũng như đang tập trung đầu tư và mở rộng danh mục các dự án Điện mặt trời theo đúng chiến lược dài hạn của Công ty. Tuy nhiên, Cơ cấu nợ vay vẫn được GEC kiểm soát tốt khi Nợ vay/VCSH và Nợ vay/TTS lần lượt là 0,32 lần và 0,23 lần. Sau khi ghi nhận tăng tài sản trong năm 2018 cho Nhà máy Điện mặt trời Phong Điền - Huế, chính thức vận hành thương mại trong tháng 10/2018 và Nhà máy Điện mặt trời Krong Pa - Gia Lai sẽ vận hành trong tháng 11/2018, Hệ số Nợ vay/TTS vẫn giảm so với hiện tại và duy trì ở mức 0,21 lần.

Tăng vốn, tăng quy mô để tiếp tục chiến lược đầu tư xây dựng các dự án Điện mặt trời

Bên cạnh 4 Nhà máy điện mặt trời đang triển khai, GEC đang chuẩn bị thực hiện các dự án Điện mặt trời tiềm năng và cũng là đơn vị tiên phong trong việc vận hành những dự án Điện mặt trời đầu tiên tại Việt Nam, tháng 9/2018, GEC đã thực hiện tăng Vốn điều lệ lên 1.928 tỷ đồng, tăng 99% so với cuối năm sau khi phát hành khoảng 97 triệu cổ phiếu mới chào bán cho cổ đông hiện hữu đưa VCSH tăng 75% lên 2.302 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động được dùng để đầu tư các dự án Điện mặt trời do GEC làm chủ đầu tư và góp vốn đầu tư các dự án do các Công ty con làm chủ đầu tư với tỷ lệ góp vốn từ 51% VĐL trở lên.

Tiên phong đóng điện các Dự án năng lượng mặt trời đầu tiên tại Việt Nam, triển vọng tăng trưởng bền vững

Ngày 25/9/2018, Nhà máy Điện mặt trời đầu tiên tại Việt Nam TTC Phong Điền do GEC làm chủ đầu tư đã chính thức đóng điện tại Huế và đi vào vận hành thương mại sau 9 tháng thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị. Nhà máy có công suất lắp đặt 48 MWp, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ phát điện với sản lượng khoảng 60 triệu kWh/năm và DT bình quân hàng năm đạt 128 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 11/2018, Công ty cũng sẽ chính thức đưa Nhà máy Điện mặt trời thứ 2 TTC Krông Pa - Gia Lai với tổng công suất thiết kế là 69 MWp đi vào hoạt động với sản lượng dự kiến khoảng 103 triệu kWh/năm với DT bình quân năm kỳ vọng khoảng 220 tỷ đồng.

Các dự án này sẽ bắt đầu ghi nhận DT cho GEC trong Quý 4. Với kết quả kinh doanh khả quan đạt được sau 9 tháng đầu năm và sự đa dạng hóa các loại hình năng lượng đóng góp bởi 2 Nhà máy Điện mặt trời với tổng công suất thiết kế là 117 MWp đóng điện vào các tháng cuối năm, LNST 2018 của Công ty hoàn toàn có khả năng vượt kế hoạch. Dự kiến LNST 2018 đạt khoảng 190 tỷ đồng, tương ứng với LNTT hơn 200 tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch được giao.

Trong năm 2019, Công ty dự kiến đưa thêm 2 Nhà máy Điện mặt trời vào vận hành là Đức Huệ 1 Long An 49 MWp, Hàm Phú 2 Bình Thuận 49 MWp. Ngoài ra, Công ty tiếp tục đầu tư thêm các dự án mới tại các Tỉnh Thành có khả năng phát triển tốt mảng Điện Mặt trời nhằm gia tăng năng lực sản xuất, duy trì đã tăng trưởng DT, LN ổn định và nâng cao giá trị thương hiệu GEC trong Ngành năng lượng đang được đánh giá rất tiềm năng tại Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN