US Open: Khi Nadal, Federer cùng muốn xóa bỏ lời nguyền

US Open “mất” 5 ngôi sao hàng đầu nhưng vẫn không thể chắc một trong hai huyền thoại Federer và Nadal có giành nốt Grand Slam cuối cùng của năm.

Video Nadal thắng dễ Dolgopolov ở vòng 4:

Trong khi Roland Garros bắt đầu tuyển chọn nghệ nhân đúc tượng Nadal dựng trước sân Philippe Chartier vì thành tích không tưởng 10 lần vô địch giải Grand Slam trên sân đất nện thì Nadal đã có 3 năm không vào nổi tới tứ kết US Open.

US Open: Khi Nadal, Federer cùng muốn xóa bỏ lời nguyền - 1

Hai huyền thoại chưa từng gặp nhau ở US Open

Thành tích ấy cho thấy US Open không hẳn là giải đấu tệ nhất về mặt thành tích trong hệ thống 4 Grand Slam, nhưng lại là khó khăn nhất khi Nadal trục trặc. 

Lần vô địch Australian Open của Nadal là 2009 (đầu tiên và duy nhất tới nay) nhưng ít ra thì anh cũng đã vào tới chung kết 2 lần sau đó, gần nhất là tháng 2/2017.

Lần vô địch cuối cùng của Nadal ở Wimbledon cách nay 7 năm, nhưng chí ít còn có 1 lần vào chung kết ngay năm tiếp theo, và một phần còn được giải thích là Nadal ngày càng ít tập trung cho các giải sân cỏ hơn.

Nhưng tất cả những điều đó của Nadal vẫn còn tốt hơn việc Federer đã 7 năm liên tiếp trắng tay ở US Open, sau 5 lần liên tiếp đăng quang (2004-2008), dù cho trong quãng thời gian khó khăn ở New York kia Federer đã vươn lên sánh ngang với Sampras và xô đổ kỷ lục ở Wimbledon với lần thứ 8 đăng quang. 

Thua ngược Del Potro sau khi dẫn trước 2 set năm 2009 là 1 trong 2 lần thua ở trong trận chung kết của Federer ở đây. Tức là US Open cũng là giải đấu tệ nhất, nếu không tính Roland Garros trên sân đất nện, của Federer sau thời đỉnh cao.

Sự tương ứng này là một trong những lý giải cho việc Nadal và Federer cho tới nay chưa một lần chạm trán trực tiếp ở US Open, dù cả hai đã có 37 lần đối đầu, trong đó 12 trận đấu thuộc khuôn khổ Grand Slam.

Có ba nguyên nhân dẫn tới thực tế này.

Một là phong độ của cả hai tay vợt đã suy giảm khá nhiều trong suốt thời gian nói trên kèm theo những chấn thương dai dẳng. Đỉnh cao của Federer kết thúc trong năm 2009, còn đỉnh cao của Nadal là 2013 và sau đó trượt dài.

Hai là mặt sân, trong đó rõ ràng hơn rất nhiều với Nadal, người mà khi sa sút phải dựa vào đất nện là chủ yếu. Trong khi Federer toàn tài hơn, thiện chiến trên nhiều mặt sân, nhưng vẫn thường chọn mặt sân cỏ ở Wimbledon để xây dựng điểm rơi.  

Giữa hai nguyên nhân này có sự liên quan. Khi phong độ và thể lực sa sút, họ buộc phải lựa chọn điểm rơi, tập trung tối đa để chiến thắng trên mặt sân sở trường và xếp các giải đấu khác ở các mặt sân khác xuống hàng thứ yếu. 

Ba là sự thách thức của các tay vợt khác. Federer lúc đầu gặp thách thức từ chính Nadal, rồi sau đó cả hai đều bị cạnh tranh và vượt qua bởi các đối thủ khác, vừa là thuộc Top đầu như Djokovic, Murray, hoặc từ nhóm những người tiếp cận sát như Wawrinka, Cilic.

Nhưng giờ những thách thức trong quá khứ ấy vì nhiều lý do đã không tồn tại ở US Open lần này. Nó chính là sự vắng mặt của hàng loạt những tay vợt hàng đầu.

Vắng Wawrinka, Murray, Djokovic tức là giải đấu vắng 3 nhà vô địch trong 5 năm gần nhất. Vắng Raonic, Nishikori cũng là vắng những người thường vào sâu ở giải đấu này. Và tới thời điểm hiện tại, việc Cilic bị loại ngay từ tuần đầu tiên khiến cho danh sách các nhà vô địch US Open từ 2009 chỉ còn đúng Del Potro nếu không tính Nadal.

Nó cũng chính là sự thiếu ổn định của các tay vợt trẻ và không còn trẻ, bao gồm việc Alexander Zverev (vô địch 2 Masters 1000 năm nay) bị loại ngay ở vòng 1, Kyrgios, Dimitrov (vô địch 1 Masters) không qua nổi vòng 2.   

Vậy Federer và Nadal có thể tận dụng cơ hội lên ngôi, thâu tóm Grand Slam cuối cùng sau khi họ đã chia nhau 3 giải trước đó (Federer giành 2 còn Nadal lên ngôi ở Roland Garros)? 

US Open: Khi Nadal, Federer cùng muốn xóa bỏ lời nguyền - 2

Nadal chưa gặp phải tay vợt cứng cựa nào ở giải năm nay

Nadal: Carlos Moya trở lại và sẵn sàng chia tay với Toni Nadal

Sau sự vắng mặt bí ẩn ở Wimbledon, Calos Moya đã trở lại ở US Open trong ê kíp huấn luyện của Nadal. Cần nhắc lại là Moya đã có mặt ở Australian Open khi Nadal vào chung kết và ở Roland Garros khi Nadal vô địch. 

Sau chiến thắng trước Wawrinka trong trận chung kết ở Roland Garros 2017, ông Toni Nadal đã thay mặt Rafa nhận 1 trong 2 chiếc cúp mà BTC dành cho kỳ tích 10 lần vô địch và một chiếc cho chính danh hiệu thứ mười. Ông xứng đáng cho việc dành cả một nửa đời người tạo nên một Nadal phi thường. Nhưng người kiến tạo nên danh hiệu Grand Slam thứ, 15 cho Nadal ấy là Carlos Moya.

Nó giống như việc ông Toni Nadal là người quyết định độ thêm chì vào đầu vợt của Nadal một lần nữa trước khi bước vào mùa 2017 (sau lần thực hiện ở đầu mùa 2012), nhưng người thúc đẩy Nadal thay đổi về kỹ thuật và chiến thuật là Moya.

Moya điều chỉnh Nadal trở thành tay vợt tấn công nhiều hơn phòng thủ, thông qua phương pháp huấn luyện là giảm tổng thời gian tập luyện nhưng tăng cường độ trong một giai đoạn ngắn.

Moya khuyến khích Nadal giảm bớt độ xoáy trong cú thuận tay, chơi bạt nhiều hơn với lý giải: “Độ xoáy của cú thuận tay Nadal đã quá lớn, cho phép giảm bớt phần nào mà vẫn nguy hiểm trong khi lại có thêm tốc độ”.

Tất nhiên, sự thay đổi này không phải lúc nào cũng hoàn hảo, hay nói đúng hơn là với một Nadal đã trải qua 20 năm với một cách chơi lùi sâu, mở vợt hơi trễ, chờ bóng thấp thì cần phải mở vợt sớm, đánh bóng sớm là thách thức rất lớn, nhất là trên mặt sân nhanh.

Kết quả ở Wimbledon cho thấy điều đó. Nó đã chính thức là giải Grand Slam tệ nhất trong năm nay của Nadal sau khi tay vợt này vào tới tứ kết của US Open – một chặng đường chưa thực sự ấn tượng.  

Chiến thắng ở vòng 4 trước Dolgopolov là trận thắng ít trục trặc nhất của Nadal: không thua set nào, tận dụng cơ hội bẻ game tốt hơn. Còn trước đó, Nadal chơi không tốt ở những thời điểm quan trọng. Cả trận có tới 25 điểm break points nhưng chỉ thành công 6, riêng set 1 có 6 break points nhưng không bẻ nổi game nào của Mayer, rồi sau đó thua trong loạt tiebreak.

Trận đấu ở vòng 4 với Dolgopolov trôi chảy hơn, Nadal tận dụng cơ hội tốt hơn, vừa tạo ra các bước ngoặt nhờ kĩ năng phòng ngự và giải quyết tình huống nhờ các cú serve tốt, bên cạnh lý do Dolgopolov là điển hình của thứ tennis thiếu chắt chiu.

Nhưng quan trọng hơn là thực tế: Cứ giải đấu nào có Carlos Moya thì Nadal đều đi sâu hơn các giải không có Moya (chỉ có Toni Nadal và Francis Roig hoặc không có cả Toni Nadal).

Triển vọng có thể không chỉ là tứ kết vì đối thủ là Rublev, tay vợt 19 tuổi người Nga, hầu như không có kĩ năng nào để là “kị rơ” với Nadal cả. Và phần còn lại cho một cuộc gặp gỡ đầu tiên ở US Open giữa hai huyền thoại có vẻ như hoàn toàn phụ thuộc vào Federer.

US Open: Khi Nadal, Federer cùng muốn xóa bỏ lời nguyền - 3

Federer mang trong mình mối lo về chấn thương lưng

Federer vẫn hay, nhưng Wimbledon đã là đỉnh cao

Có một tin vui và một tin buồn với những ai quan tâm tới Federer: Vui là chấn thương lưng tái phát từ Rogers Cup đã không thể ngăn cản anh tiếp tục chinh phục US Open.

Thậm chí, nếu coi việc phải chơi hai trận 5 set liền nhau là một thử thách thì Federer đã vượt qua. Federer đã thắng Tiafoe và Youzhny đều qua 5 set (thậm chí với Youzhny là lội ngược dòng).  

Sự nghiệp của Federer không có nhiều lần phải chơi 2 trận 5 set (3 lần trong vòng 5 năm), và ở tuổi 36, đó rõ ràng là sự kì diệu hay đúng hơn, nó cho thấy nền tảng thể lực của Federer cực tốt.

Và tin buồn là Federer không còn thể hiện thứ tennis đỉnh cao như đã làm ở Wimbledon và các giải sân cứng trước đó.  

Các chỉ số của Federer nhìn qua không suy giảm, tốc độ trung bình của giao bóng 1 và 2 đều ngang bằng, thậm chí nhỉnh hơn so với Wimbledon qua các trận đấu ở US Open (113-115 mph/giờ cho giao bóng 1). Nhưng ở những đường bóng đòi hỏi sức rướn, Federer đánh hỏng nhiều hơn trong cả trái lẫn phải.

Tuy nhiên, Federer đã chơi tốt hơn theo từng vòng đấu, để vượt qua F.Lopez và Kohlschreiber cùng với 3 set ở vòng 3 và 4.

Federer đã không phải đối diện với bất cứ điểm break point nào trong trận đấu với Kohlschreiber. Bắt đầu có những cú vừa chạy vừa đánh mà kết thúc điểm chính xác với đường bóng có lực. Và anh vẫn kết thúc trận đấu theo cách thức truyền thống là một điểm trực tiếp.

Những chiến thắng kiểu đó giúp Federer trở nên tự tin hơn và tiết kiệm sức cho vòng tứ kết với Del Potro, người đã đánh bại Federer sau 5 set ở chung kết US Open 2009.

Phá “lời nguyền” US Open tùy thuộc Federer?

Như ở trên đã nói, Rublev đã tiếp nối những Thiem, Zverev, Kyrgios để nuôi sự trỗi dậy của thế hệ tennis trẻ không bị đứt đoạn trong năm 2017. Nhưng Rublev khó có thể trở thành rào cản cho Nadal một phần bởi so với tất cả những tay vợt trẻ khác, chàng trai 19 tuổi này thiếu sự bùng nổ dữ dội.

Rublev giao bóng bóng 1 nhanh nhất và trung bình bóng 1 nhanh nhất cũng chỉ ngang với Nadal, 125 và 115 mph. Rublev tiếp bóng sớm hơn nhưng sử dụng khá nhiều bóng xoáy – thứ tennis thường khó gây hại cho Nadal.

Và nếu thế, việc phá bỏ lời nguyền tùy thuộc vào Federer ở trận đấu với Del Potro hiện được kỳ vọng sẽ là trận hấp dẫn nhất kể từ ngày khai cuộc của US Open 2017.

Trận đấu này không hoàn toàn tùy thuộc vào phong độ của Federer bởi Del Potro khi thăng hoa có thể hủy diệt bất cứ ai với cú thuận tay và cú giao bóng.

Nhưng xét về yếu tố trạng thái thể lực, Federer tạo niềm tin vì đã trải qua bài test khắc nghiệt hai trận 5 set của tuần đầu tiên, trong khi Del Potro là một ẩn số, khi tay vợt Argentina trong thời gian qua đã có nhiều những trận đấu thiếu ổn định.

Kết cục xảy ra theo hướng đó, cho một trận đấu đầu tiên của hai huyền thoại ở sân Arthur Ashe sẽ cứu vãn cho một Grand Slam thiếu sao như US Open 2017.

US Open: ”Tòa tháp” Potro hẹn phá kinh điển Federer - Nadal

Vượt qua Thiem ở vòng 3, Del Potro có thừa khả năng để đánh bại Federer.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN