Tiến Minh: Chuyện bây giờ mới… kể (Bài 3)

Sau Tiến Minh, câu chuyện liệu có tìm được VĐV nào đủ đẳng cấp vươn tới tầm đỉnh cao như top 10 làng cầu lông thế giới là điều được nhiều người quan tâm.

Mục Thể thao hiện đã thay đổi vị trí trên trang. Vị trí mới của mục nằm ở áp chót, ngay phía trên mục Phi thường - Kỳ quặc.

Tiến Minh: Chuyện bây giờ mới… kể (Bài 3) - 1

“Mơ ước” không thành ở giải trong nước

Tôi đã mạnh dạn đặt câu hỏi cho Tiến Minh ngay khi bắt đầu cuộc trao đổi tiếp theo: “Anh đã nhìn thấy một nhân tố nào có thể kế thừa vị trí của mình trong tương lai chưa?”. Dù  biết rằng, câu hỏi có thể khiến Minh không vui vì ít nhiều thì chẳng bao giờ ai thích người khác hỏi mình về một sự thay thế sắp tới.

Nhưng trái lại với suy nghĩ ấy, tôi đã nhận được câu trả lời rất thẳng thắn và cởi mở của Tiến Minh, không phải là một câu trả lời kiểu “xã giao lấy lòng”. Minh nói ngay: “Tôi nói thật lòng, có thể sẽ khiến nhiều người nói Minh chảnh, lên mặt, nhưng tôi không sợ bởi tôi nói là vì lợi ích của cầu lông Việt Nam trong tương lai. Nếu kiếm một tay vợt hạng nhất Việt Nam thì không khó, nhưng để có tay vợt tốp 10 thế giới thì e là quá khó. Bởi vì suốt nhiều năm qua và cho đến tận thời điểm này, các tay vợt trẻ Việt Nam chưa cho thấy sự phát triển vượt bậc nào để có thể gọi là tài năng tỏa sáng trong tương lai. Ít ra, họ cũng phải ghi được một dấu ấn nào đó, dù nhỏ thôi, ở những giải trong nước, nhưng cho đến giờ này dù tôi rất mong có thể bị một tay vợt trẻ nào đó gây khó khăn, gây áp lực trong thi đấu nhưng vẫn không hề có”.

Tiến Minh: Chuyện bây giờ mới… kể (Bài 3) - 2

Khó có thể tìm ra 1 tay vợt trẻ của VN gặt hái được thành công giống Tiến Minh

“Để tôi kể với anh, tôi từng suýt thua một tay vợt 19 tuổi người Nhật Bản – Kento Momota trong một trận đấu kéo dài 1 tiếng 21 phút. Tôi gần như kiệt sức để giành chiến thắng chứ không phải thoải mái mà rời sân. Còn tháng 4/2013 vừa qua ở tứ kết giải Úc mở rộng, tôi đã thua tay vợt của Trung Quốc cũng 19 tuổi – Song Xue chỉ trong 38 phút. Anh thấy không, chỉ là 2 tay vợt làm ví dụ điển hình nhất của thế giới thôi, mới 19 tuổi mà tôi đã phải lao đao. Đó là lý do tôi nói với anh tốp 10 TG là quá khó chính vì thế”.

Tuy nhiên, Tiến Minh có một suy nghĩ khác về chuyện tìm người thay thế anh sau khi treo vợt. “Tôi nghĩ, bây giờ chúng ta đừng nên đặt nặng chuyện ai sẽ thay thế tôi mà quan trọng nhất là làm sao, làm thế nào, cách nào tốt nhất để các tay vợt trẻ Việt Nam đánh hay, thật sự hay. Cứ mỗi lần ra thi đấu chưa cần biết thắng thua, nhưng đánh hay, đánh máu lửa là được rồi. Tôi nghĩ vậy mà hay, rồi từ từ nếu phát triển được nữa, còn để vào tốp 10 thì lúc đó tính sau. Chuyện này không thể muốn là có liền, không thể ép được, mà phải có nhiều điều kiện kết hợp từ thời cơ, môi trường, kinh tế…và chính bản thân con người mới quyết định được thành công này. Chẳng hạn như Lee Chong Wei. Malaysia tốn biết bao nhiều tiền của, công sức, nhưng cũng chỉ có Lee cho đến nay”.

Tôi có một thứ mà VĐV trẻ đang thiếu

Tiến Minh đã suy nghĩ nhiều về chuyện nghề trong suốt thời gian cầm vợt vừa qua vì anh cảm thấy buồn cho cầu lông Việt Nam, khi mà anh chưa nhận thấy một tín hiệu lạc quan nào cho tương lai của môn này từ những đồng nghiệp trẻ.

Minh thẳng thắn: “Đây là suy nghĩ của riêng cá nhân tôi, thấy sao tôi nói vậy chứ không áp đặt cho bất kỳ ai. Tôi cảm thấy tuổi trẻ bây giờ quá đầy đủ, quá sướng, muốn gì cũng có, từ ăn, uống đến vui chơi, giải trí, công nghệ hiện đại…, nhất là mới mười mấy tuổi mà đi học em nào cũng có điện thoại di động trong cặp. Ngày xưa, tôi làm gì có được những thứ ấy như bây giờ, đến nỗi chiếc điện thoại di động đầu tiên có được là nhờ năm 19 tuổi, tôi phải ra tập huấn ở Trung tâm huấn luyện thể thao QG 3 (Đà Nẵng) thời gian dài nên gia đình mới mua cho chiếc điện thoại Nokia 3310 đen trắng, chỉ để liên lạc về nhà hỏi thăm sức khỏe là hết chức năng. Đến nỗi cái game duy nhất trong điện thoại là rắn săn mồi, tôi chơi tới, chơi lui đến ngán. Còn bây giờ, chẳng thiếu thứ gì, có tiền là mua được”.

Câu chuyện cuộc sống vật chất đầy đủ hơn có nhiều yếu tố chi phối việc tập luyện, định hướng cho các VĐV trẻ là điều đã được nhiều đề cập. Với Tiến Minh, anh càng muốn nói nhiều hơn về điều này: “Tôi nghĩ, có thể đây là lý do mà nhiều VĐV trẻ không toàn tâm toàn ý cho cầu lông, không thật sự hy sinh vì niềm đam mê của mình như thời tôi lúc trước. Phim ảnh, internet, mua sắm, điện thoại xịn…. đã chi phối phần lớn thời gian của họ, cho đến khi vào tập luyện thì mệt mỏi và khi xảy ra sự cố, hoặc mệt quá thì buông xuôi, tới đâu thì tới vì họ không xem cầu lông là cuộc sống, là hơi thở. Có thể, các em đánh hay hơn tôi, đẹp hơn tôi, nhưng độ lì hay còn gọi là ý chí thì họ không bao giờ bằng được”.

Tiến Minh cho rằng, trong cầu lông, độ lì của VĐV rất quan trọng và chiếm hơn 50% sự thành công bởi nếu đối thủ hay hơn nhưng nếu ai có độ lì, ý chí cao thì vẫn sẽ có cơ hội đeo bám quyết liệt đến khi họ tự đánh hỏng, hoặc hết hơi.

Tiến Minh: Chuyện bây giờ mới… kể (Bài 3) - 3

Tiến Minh đã gặt hái được rất nhiều thành công

Tay vợt cầu lông số 1 Việt Nam đã khẳng định luôn rằng anh có một thứ ý chí rất lớn, mà bản thân anh đã rèn luyện suốt bao nhiêu năm qua. Minh kể với tôi: “Anh có biết ý chí của tôi cao là nhờ đâu không?! Nhờ ngày xưa năm 16 tuổi, khi vào đội tuyển TP.HCM, tôi bị người ta chê bai đủ thứ. Nào là tướng tá ốm nhom, ốm nhách. Lối đánh thì chỉ có chặt, lốp không đẹp chút nào. Trong khi, ở đội tuyển đã có sẵn một VĐV thể hình to, cao, đánh cũng đẹp. Tôi tức lắm, tối về không ngủ được và quyết tâm đánh cho họ biết mặt. Và trong một trận đấu tập, tôi đã thắng VĐV to cao đó. Sau đó là thắng nhiều lần nữa. Rồi tôi nhận được tin mình bị loại khỏi đội tuyển vì 2 lý do: 1, đi tập không đầy đủ. 2, lối đánh không phát triển được. Nhưng tôi bình thường lắm, vì còn nhỏ nên đối với tôi, chỉ cần được chơi cầu lông là được, không cần đội tuyển. Tôi quay trở về tập lại ở sân Tinh Võ, quận 5 và nhận biết bao nhiêu chỉ trích, nào là làm xấu hổ, làm thất vọng …Tôi vẫn không để ý”.

“Bẵng đi một thời gian khoảng 1 năm, vì là tay vợt số 1 của quận 5 nên tôi đi thi đấu giải TP.HCM rất nhiều và trong một trận đấu gặp một tay vợt được ca ngợi là xuất sắc của thành phố lúc ấy, tôi đã thắng. Ngay sau đó không lâu, tôi được gọi trở lại đội tuyển TP.HCM. Và tôi được BHL đặc cách cho tham gia giải VĐQG khi chỉ mới 17 tuổi, tay vợt trẻ nhất lúc đó”, Minh nhớ lại.

Tiến Minh tâm sự rằng anh kể chuyện cũ không phải để chỉ trích ai lúc đó, hay muốn khoe về mình, nhưng anh muốn nhấn mạnh đến niềm tin và ý chí sẽ quyết định sự thành bại của một VĐV chơi môn đối kháng, nhất là với môn cầu lông. “Nếu anh có độ lì và ý chí cao, anh sẽ đeo bám một VĐV giỏi đến cuối cùng và khi có thời cơ anh sẽ chiến thắng. Còn nếu không, chỉ vài đường cầu, anh đã bị hạ. Cho dù đối thủ hay cỡ nào, nhưng gặp một đối thủ lì hơn, quyết liệt đeo thì họ cũng bị áp lực lắm”, Tiến Minh chia sẻ.

* Kể chuyện cầu lông Việt Nam, Tiến Minh sẽ tiếp tục “mổ xẻ” về “những chuyện khó nói”. Đón xem Tiến Minh: Chuyện bây giờ mới… kể (Bài cuối) vào lúc 7h sáng 4/10.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Phương ([Tên nguồn])
Nguyễn Tiến Minh: Tay vợt số 1 Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN