Olympic mùa Đông: Những điều đặc biệt

Thế vận hội mùa Đông có những nét đặc thù riêng.

“Người anh em” của mùa Hè

Thế vận hội mùa Hè dĩ nhiên luôn là sự kiện danh giá nhất của thể thao thế giới và được tổ chức 4 năm một lần. Thế vận hội mùa Đông cũng được diễn ra như vậy nhưng chắc chắn hơi “lép vế” hơn một chút do điều kiện thi đấu đặc biệt hơn rất nhiều.

Nếu như Olympic mùa Hè diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, chỉ cần điều kiện thời tiết ấm áp, có thể vào tháng 4 tại Hy Lạp, tháng 9 ở Australia hay tháng 8 ở Brazil, Anh, Trung Quốc… nhưng Olympic mùa Đông lại chỉ có thể được tổ chức ở 3 châu lục và không bao giờ ở một đất nước tại Nam bán cầu, nơi không thể có tuyết và các điều kiện phù hợp cho các môn thể thao mùa Đông.

Mỹ là quốc gia đăng cai Olympic mùa Đông nhiều nhất với 4 lần, Pháp đăng cai 3 lần, Áo có 2 lần tổ chức. Olympic Sochi 2014 là lần đầu tiên nước Nga vinh dự đăng cai ngày hội thể thao mùa Đông. Và 4 năm tới thành phố Pyeongchang của Hàn Quốc cũng sẽ lần đầu tiên mang trọng trách này.

Olympic mùa Đông: Những điều đặc biệt - 1

Olympic mùa Đông từng được tổ chức cùng năm với Olympic mùa Hè

Không như Olympic mùa Hè tính cả số lượng những năm không thể diễn ra do Thế chiến 1 và 2 (Olympic London 2012 là lần thứ 30 Olympic mùa Hè diễn ra, tính cả những năm 1916, 1940 và 1944 bị hoãn), Olympic mùa Đông không tính những năm 1940 và 1944. Vì thế Olympic Sochi 2014 là lần thứ 22 Thế vận hội mùa Đông được tổ chức.

Từ năm 1924, Olympic mùa Đông và mùa Hè được tổ chức cùng một năm cho tới năm 1992. Sau đó Ủy ban Olympic quốc tế IOC đã quyết định tổ chức xen kẽ hai kỳ Thế vận hội trong các năm chẵn để thu hút nhiều hơn sự quan tâm của cả thế giới, và dĩ nhiên là cả vấn đề tài chính từ bản quyền truyền hình. Vì nếu như cùng tổ chức một năm thì nguồn lợi từ Olympic mùa Hè hơn hẳn so với Olympic mùa Đông.

Olympic mùa Đông dù là sự kiện thể thao nhưng cũng mang nhiều màu sắc chính trị. Có hai quốc gia từng bị cấm thi đấu tại đây là Đức và Nhật Bản, như biện pháp trừng phạt nơi hình thành chế độ phát xít. Ngoài ra cũng có không ít những phong trào đòi tẩy chay Olympic mùa Đông trong nhiều giai đoạn khác nhau như thời kỳ Chiến tranh lạnh, hay mới nhất tại Olympic Sochi 2014, có một làn sóng phản đối bộ luật về người đồng tính tại nước Nga.

“Mùa Đông” không thể cùng “mùa Hè”

Người được coi là “cha đẻ” của Olympic mùa Đông là Viktor Gustaf Balck (1844 - 1928), một quan chức thể thao người Thụy Điển và là thành viên của IOC. Ông là người sáng lập ra Nordic Games, giải đấu gồm những môn thể thao mùa Đông dành cho các quốc gia ở Bắc Âu, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1901, tiếp đó là 1903 và 1905, trước khi diễn ra 4 năm một lần cho tới năm 1926.

Trước đó thế giới chỉ biết tới khái niệm Olympic chỉ là Thế vận hội diễn ra vào mùa Hè từ năm 1896. Balck là bạn thân của người sáng lập ra Olympic mùa Hè - Pierre de Coubertin - và ông đã nỗ lực đưa những môn thể thao mùa Đông, đặc biệt là môn trượt băng nghệ thuật, tham gia cùng Olympic mùa Hè nhưng không thành công. Phải đến Olympic mùa Hè London 1908, lần đầu tiên 4 nội dung trượt băng đã lần đầu tiên xuất hiện. Dù vậy có nhiều ý kiến phản đối khi cho rằng đây là môn thể thao dành cho thiểu số và không đại chúng.

Olympic mùa Đông: Những điều đặc biệt - 2

Olympic Sochi 2014 là lần thứ 22 Thế vận hội mùa Đông được tổ chức

Ở Olympic mùa Hè 1912 được tổ chức Stockholm, Thụy Điển và nhà quý tộc người Italia Eugenio Brunetta d'Usseaux đề xuất IOC dành một tuần thi đấu tại Olympic để tổ chức những môn thể thao mùa Đông. Nhưng ban tổ chức của nước chủ nhà đã phản đối ý tưởng này do muốn bảo toàn truyền thống của giải Nordic Games và lo ngại việc thiếu cơ sở vật chất phục vụ cả các môn thể thao mùa Đông và mùa Hè.

Đến Olympic mùa Hè 1916 tại Berlin (Đức), cuối cùng tất cả đã đồng ý để 1 tuần diễn ra các môn thể thao mùa Đông gồm trượt băng nghệ thuật, trượt băng tốc độ, hockey trên băng và trượt tuyết kiểu Bắc Âu diễn ra. Đáng tiếc là điều đó không trở thành hiện thực vì Thế chiến 1. Sau khi Thế chiến 1 kết thúc, Olympic mùa Hè 1920 đã xuất hiện trượt băng nghệ thuật và hockey trên băng.

Và đến Olympic mùa Hè 1924 ở Paris, Pháp, IOC quyết định tổ chức “một tuần thể thao mùa Đông” (thực tế lên tới 11 ngày).

Đó cũng là năm đánh dấu lần đầu tiên Olympic mùa Đông được tổ chức và phát triển cho tới ngày nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Vũ ([Tên nguồn])
Olympic mùa đông 2022 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN