Nadal và những chuẩn mực đã lỗi thời

Tennis lại trở về với những chuẩn mực nguyên bản của nó như trước khi Nadal xuất hiện. Và giờ đây, Nadal phải chạy theo nó.

Nhìn lại thất bại của Rafael Nadal trước Fernando Verdasco ở vòng 1 Australian Open 2016

Người ta đang nói về Lleyton Hewitt như một tay vợt có tầm ảnh hưởng lớn tới tennis thế giới, đã làm cho Federer phải thay đổi. Đó thực ra chỉ là một chiến dịch truyền thông của người Úc khi tượng đài của họ, Hewitt đang chơi giải đấu cuối cùng trong sự nghiệp.

Hewitt đúng là đã thắng Federer ba trận đầu tiên họ gặp nhau trong những năm 2000. Nhưng chỉ là ở các giải nhỏ. Người hành hạ Federer nhiều nhất thời gian đó thực tế là Nalbandian với 5 trận thắng liên tiếp, trên cả sân cứng lẫn sân trải thảm trong nhà, cả ở Master 1000 lẫn Grand Slam (Australian Open và US Open).

Nhưng ngay cả Nalbandian cũng không tạo ra được chuẩn mực mới cho tennis thế giới ở thời điểm đó. Cũng sẽ là khiên cưỡng khi hỏi tới vai trò của Agassi, một người chơi cuối sân nhiều hơn so với những đối thủ cùng thời. Agassi vốn là một người chơi toàn sân, áp dụng rất nhiều những triết lý tấn công của người Mỹ dù anh không lên lưới.

Nadal và những chuẩn mực đã lỗi thời - 1

Nalbandian từng một thời là cơn ác mộng của Federer

Chuẩn mực mới ở đây phải giống như những cuộc cách mạng mà Ivan Lendl đã làm với tennis nam, hay Chris Evert đã làm với tennis nữ ở thập niên 80 thế kỷ trước. Khi tất cả cùng lên lưới thì họ lùi xuống. Khi tất cả vẫn dùng những cú bóng bạt thì họ đề cao vai trò của tốc độ vòng xoay của trái banh sau khi nó rời mặt vợt để tạo xoáy. Khi mọi người tìm cách ghi điểm trực tiếp thì họ, đặc biệt là Chris Evert (người có 18 danh hiệu Grand Slam) lại tìm cách cứu bóng và chờ đợi đối phương tự đánh hỏng.

Tạo ra một tầm ảnh hưởng như thế ở thời đại này chỉ có Nadal. Thậm chí, Nadal còn dẫn dắt một phần không nhỏ của tennis thế giới đi theo anh.

Huyền thoại Nick Bolletierri luôn muốn các học trò của ông ở Học viện IMG chơi cuối sân nhiều hơn. Tay vợt người Tây Ban Nha đã làm một việc tưởng như là điên rồ, sang Florida, một trong hai nơi được coi là đất thánh của tennis Mỹ, mở học viện.

Thế giới tennis bắt đầu quan tâm tới chỉ số RPM, số vòng xoay của trái banh trong một phút hơn là vận tốc khi phân tích những cú thuận và trái tay. Kỹ thuật né trái đánh phải trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Nadal và những chuẩn mực đã lỗi thời - 2

Nadal từng cổ súy lối đánh cuối sân trong làng quần vợt 

Rồi người ta thấy các tay vợt lùi ra xa sau baseline để trả giao bóng nhằm tận dụng mặt sân chậm đi, vợt ngày càng tối ưu hóa các tính năng. Đến một người xây dựng lối đánh có thiên hướng lùi sâu lại cuối sân, sử dụng rất nhiều xoáy là Dimitrov cũng làm điều tương tự.

Đáng ra việc trả giao bóng ở vị trí 5-7m sau vạch baseline chỉ được áp dụng trên mặt sân đất nện, thì Nadal làm như thế ngay cả trên mặt sân cỏ.

Và thay vì vai phải xoay hết cỡ, tạo ra một đường thẳng với lưới khi thực hiện các cú thuận tay thì Nadal dùng lực ở cánh tay (cực kỳ cơ bắp) là chính, vắt vợt qua đầu để tạo ra những cú xoáy. Vợt qua đầu ở tennis thông thường chỉ là khi thực hiện cú vừa chạy vừa đánh. 

Nhưng không ai có thể trở thành phiên bản của Nadal cả. Một mình Nadal thách thức cả thế giới tennis, biến Federer – một huyền thoại trở thành kẻ chiến bại dưới tay anh đơn giản như lấy banh nỉ ra khỏi hộp.

Khi thế giới tennis thấy một Nadal hết chấn thương ở lưng, rồi bụng lại đầu gối, tựa như chú bò tót dính biết bao mũi giáo thì lại vùng lên. Những nguyên tắc chuẩn mực trong tennis lại trở lại.

Nadal và những chuẩn mực đã lỗi thời - 3

Nadal đã sa sút phong độ mạnh sau chấn thương

Nadal lúc đỉnh cao thực ra chơi cũng rất đơn giản: Chỉ cần bóng nặng và xoáy, thế là anh giải quyết xong đối thủ. Anh thậm chí không cần phải ghi nhiều điểm hơn, chỉ cần làm cho đối thủ phải đánh cực khó mới có hy vọng. Nhưng hy vọng đều rất mong manh, đánh khó thì hay hỏng. Nadal buộc mọi người phải đầu hàng.

Nhưng khi sức yếu và chân chậm hơn, thứ tennis đơn giản ấy là rất dễ để đối phó, và nhiều khi trở thành mồi ngon cho đối thủ tấn công trở lại. Đây chính là câu trả lời cho thắc mắc tại sao mọi người thường chơi hay hơn bình thường khi gặp Nadal.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN