Trận đấu nổi bật

alexander-vs-yannick
BMW Open
Alexander Shevchenko
0
Yannick Hanfmann
0
david-vs-miomir
Tiriac Open
David Goffin
-
Miomir Kecmanovic
-
rebecca-vs-leolia
Oeiras Ladies Open
Rebecca Sramkova
-
Leolia Jeanjean
-
marketa-vs-donna
Porsche Tennis Grand Prix
Marketa Vondrousova
0
Donna Vekic
0
harold-vs-cameron
Barcelona Open Banc Sabadell
Harold Mayot
-
Cameron Norrie
-

Muay Thai & giấc mơ đổi đời: Võ sĩ giác đấu (P1)

Muay Thái thể hiện trái tim quả cảm của các đấu sĩ, thậm chí chấp nhận hy sinh vì danh dự và cả vì… tiền!

Trong các môn võ thuật từ Thiếu lâm, boxing đến taekwondo, karate, judo… có lẽ không có môn võ nào sánh được với Muay Thái về sự khốc liệt.

Thậm chí không ít người sau khi xem đấu Muay Thái được tận mắt chứng kiến các đấu sĩ thượng đài đã thốt lên: đó là môn thể thao dã man nhất! Nhưng ở một góc độ khác, Muay Thái thể hiện trái tim quả cảm của các đấu sĩ, thậm chí chấp nhận hy sinh vì danh dự và cả vì… tiền!

Trưa chủ nhật một ngày đầu tháng tư, chúng tôi chen chúc trong dòng người xô đẩy nhau dưới cơn mưa trái mùa tầm tã để vào dự khán cuộc tỉ thí giữa các võ sĩ Muay Thái. Sàn đấu Muay Thai Stadium 7 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan có sức chứa hơn 2.000 người nằm ở khu công viên Chatuchak gần như không còn một chỗ trống.

Muay Thai & giấc mơ đổi đời: Võ sĩ giác đấu (P1) - 1

Đòn cùi chỏ đặc trưng của Muay Thai

Stadium 7 được xem là sàn đấu nổi tiếng thứ ba tại Bangkok sau hai sàn Rajadamnoen và Lumphini. Tại đây, khán giả từng chứng kiến cuộc thăng hoa của võ sĩ nổi tiếng Somluck Khamsing – người xuất thân từ môn võ Muay Thái trước khi chuyển sang đánh quyền anh và mang về cho thể thao Thái Lan chiếc huy chương vàng đầu tiên trong một kỳ tranh tài Olympic ở Thế vận hội Atlanta (Mỹ) 1996.

Xem Muay Thái ở Thái Lan không rẻ chút nào. Giá một chiếc vé hạng trung bình ngồi chót vót trên cao ở sàn Rajadamnoen không dưới 1.500 baht (khoảng 1 triệu đồng). Nhưng điều đặc biệt là Stadium 7 không bán vé và khán giả vào xem bằng giấy mời. Sàn đấu tồn tại nhờ vào tiền bán bản quyền truyền hình phát đi trên toàn cầu, mà tiền thu về lên đến vài triệu baht.

Mỗi tháng bốn lần, cứ vào các chiều chủ nhật, Stadium 7 tổ chức sáu trận đấu với sự tham dự của những đấu sĩ chuyên nghiệp ở đủ lứa tuổi. Tùy theo mức độ nổi tiếng, nhưng khi thượng đài mỗi đấu sĩ thường nhận được trung bình khoảng 12.000 baht (300 USD). Nếu thắng cuộc, họ có thể nhận được thêm 8.000 – 12.000 baht.

Gần một giờ nữa mới đến trận khai mạc mà khán đài đã chật cứng người với đủ loại âm thanh tạp nham pha trộn giữa tiếng la hét của khán giả, tiếng kèn trống, tiếng loa phóng thanh của những nhà tổ chức… Khán đài chật ních người, nổi bật nhất là những tay cò cá cược la hét ỏm tỏi, không khó nhận ra sự có mặt của “cò” vì trên tay họ luôn cầm một tấm bìa cứng dán trên đó 2-3 chiếc máy điện thoại di động hoặc máy bộ đàm.

Đây là các “cò” chuyên tường thuật từ sàn đấu về cho các ông trùm ngồi nhà qua điện thoại di động hoặc bộ đàm, các “cò” này là những người có kiến thức cực kỳ nhạy bén về Muay Thái, thậm chí hơn cả các trọng tài chấm điểm trận đấu.

Đôi mắt họ luôn dán chặt lên sàn theo dõi diễn biến trận đấu, đồng thời miệng liên tục áp sát vào loa điện thoại để “đọc” trận đấu về cho “ông chủ” và các kèo được ra không chỉ trong phạm vi nội địa nước Thái mà còn khắp thế giới, các “ông chủ” sẽ đưa ra kèo mới, báo giá để các con bạc sát phạt đỏ đen.

13h30, những tờ bướm công bố sáu cặp đấu sẽ diễn ra trong ngày được phát ra. Hàng trăm cánh tay vội vã chìa ra xin tờ rơi khiến sàn đấu càng trở nên náo nhiệt hơn. Trận đấu đầu tiên giữa hai võ sĩ cùng 15 tuổi là Kaymarn Sor Ubdul mang biệt danh “cọp dữ” và Kwanjai Kieatprapat có biệt danh “rắn lì đòn” đã được tung ra.

“Cọp dữ” Kaymarn Sor Ubdul chưa hề nếm mùi thất bại sau 15 lần thượng đài, đồng thời được xem là tay đấm thiếu niên xuất sắc nhất của Thái Lan mặc quần xanh được xếp ở “cửa trên”. “Rắn lì đòn” Kwanjai Kieatprapat mặc quần đỏ bị xếp ở cửa dưới. Cả sàn đấu vang rền tiếng hô “Ubdul… Ubdul…”. Hôm nay, các con bạc đã trút cạn hầu bao đặt vào cửa “cọp dữ” Ubdul.

Muay Thai & giấc mơ đổi đời: Võ sĩ giác đấu (P1) - 2

Đúng 13h45, tiếng nhạc truyền thống “ò e í e…” tấu lên. “Cọp dữ” và “rắn lì đòn” bắt đầu thực hiện nghi thức múa truyền thống “Wai-kru”, bày tỏ sự tôn kính đối với thầy mình. “Wai-kru” cũng là cách để tạo ra sức mạnh tinh thần, giúp đấu sĩ thư giãn, chuẩn bị cho cơ thể và tinh thần trước khi nhập cuộc. Ubdul và Kieatprapat chơi ngang ngửa trong hai hiệp đấu đầu tiên.

Nhưng bước sang hiệp thứ ba, “rắn lì đòn” Kieatprapat đã bộc lộ sự đuối sức. Đôi mắt sáng, lầm lì của anh đã biến mất, thay vào đó là nỗi tuyệt vọng khi liên tiếp trúng ba đòn đá bạt hiểm ác vào giữa mặt. Liền sau đó hai cú dậm chỏ của “cọp dữ” từ trên cao khiến “rắn lì đòn” ngã vật ra giữa sàn. Đám đông hô to “Ubdul…Ubdul…”, nhưng tiếng chuông báo hết hiệp kịp cứu “rắn lì đòn” khỏi bị knock-out.

Nhưng đó là khoảnh khắc gượng dậy cuối cùng, tiếng kèn “Wai-kru” nghe giống tiếng kèn đám ma… Ngay phút đầu tiên của hiệp thứ tư, “rắn lì đòn” đã nhận bốn cú lên gối trúng ngực và mặt, khi anh còn đang loạng choạng thì “cọp dữ” Ubdul đã lao tới, bay người lên không trung dùng hết lực cắm tiếp hai cú chỏ vào đỉnh đầu đối phương.

“Rắn lì đòn” Kieatprapat đổ sụp xuống sàn đấu như một ngôi nhà sụp móng vỡ vụn. Trọng tài ngay lập tức kéo “cọp dữ” Ubdul ra và tuyên bố anh thắng knock-out! Cả khán phòng như bùng nổ, tiếng reo hò, tung hô, trong khi “rắn lì đòn” vẫn nằm bất tỉnh giữa sàn đấu, chẳng ai ngó ngàng gì đến anh.

Chúng tôi còn chưa hoàn hồn khi thấy bộ phận y tế lên khiêng “rắn lì đòn” xuống thì cặp đấu sĩ 18 tuổi Thanasak Sithuhubol và Sathandej Skindeoymp xuất hiện. Trận đấu này dự kiến diễn ra trong sáu hiệp, nhưng mới được ba hiệp thì đấu sĩ quần đỏ Skindeoymp đã trúng liền ba đòn đá giữa mặt và một đòn chỏ vào ót ngã lăn ra sàn bất tỉnh, máu phún đầy nơi khóe miệng. Khán đài lại hô vang trước sự gục ngã của Skindeoymp…

Cố gắng lắm chúng tôi mới xem hết trận thứ ba, cậu SV VN tên Nguyễn Hữu Hạnh – đang theo học khoa markerting ở Trường Đại học ABAC – đi cùng đã kéo chúng tôi khỏi đấu trường. Chúng tôi rất ngạc nhiên vì Hữu Hạnh đã ở Bangkok hơn hai năm và ban đầu anh tỏ ra rất háo hức khi được đến đấu trường. Hạnh nói trong hơi thở gấp: “Tôi đã hiểu vì sao các bạn SV Thái cùng trường khuyên không nên đi xem Muay Thái, ép tim quá!”.

Chiếc quan tài bên sàn đấu!?

Muay Thái ra đời cách đây hơn 700 năm và được hình thành bởi những cuộc chiến chống lại những đạo quân xâm lăng, đó là tập hợp những thế cận chiến của các chiến binh trên chiến trường. Ông Sampong, một người am hiểu lịch sử Muay Thái, cho biết: Muay Thái ngày xưa dã man hơn nhiều. Đấu sĩ được phép sử dụng mọi đòn thế, kể cả việc đá vào hạ bộ đối phương và quấn băng tay nhúng keo trộn miểng thủy tinh để tăng tính sát thương khi ra đòn.

Cách đây vài chục năm, những trận đánh Muay Thái chuyên nghiệp thường đặt sẵn một cỗ quan tài cạnh đài, hai giác đấu sĩ được đưa vào sàn đấu là chiếc lồng sắt, trận đấu sẽ không có chuyện cả hai cùng bước ra khỏi lồng mà chỉ có một – là người chiến thắng, còn kẻ bại trận đã có sẵn cỗ quan tài dành cho mình!

Ngày nay Muay Thái cấm tuyệt đối đòn dã man có thể dẫn đến thiệt mạng, nhưng người xem vẫn ớn lạnh khi chứng kiến những cú đá ra đòn quyết định, nhất là cú cắm hai cùi chỏ vào đỉnh đầu đối phương. Ông Sampong cho biết: vì tính chất đối kháng tự do cho phép các võ sĩ sử dụng nhiều bộ phận trên cơ thể ra đòn đánh đã khiến không ít người liệt Muay Thái vào môn võ dã man.

Nhưng với ông thì: “Tôi đã nhiều năm gắn bó với Muay Thái và từng chứng kiến nhiều đấu sĩ bị thương nặng trên sàn đấu, nhưng chưa thấy ai chết cả. Trong một trận đấu Muay Thái rất khó có đối thủ thiệt mạng khi hai đấu sĩ có cùng cân nặng, chiều cao và kỹ năng giao chiến, họ che chắn rất kỹ những chỗ hiểm…”.

Nhưng khi chúng tôi cho biết đã được nghe những câu chuyện thiệt mạng ở những sàn đấu cá cược bất hợp pháp tại những khu xóm lao động ở ngoại ô Bangkok, thì Sampong gật gù: “Do hai võ sĩ đã chênh nhau đẳng cấp, điều đó rất nguy hiểm. Luật Muay Thái nghiêm cấm sự chênh lệch này…”.

Nhưng với ông Amnuay Kesbumrung – thành viên Hội đồng Muay Thái thế giới mà chúng tôi tiếp xúc tại MuayThai Institute, nơi được xem là học viện Muay Thái lớn nhất thế giới, gần sân bay Don Muong mà ông làm chủ – thì: “Tôi đã chứng kiến bốn trường hợp võ sĩ thiệt mạng, nhưng họ không chết ngay trên sàn đấu mà chết tại bệnh viện vì bị chấn thương sọ não hoặc tim”.

Dù bị xem là môn võ dã man nhưng chỉ riêng tại Bangkok đã có đến hàng ngàn trung tâm huấn luyện, lò luyện Muay Thái mà thanh thiếu niên Thái Lan theo học rất đông. Theo ông Amnuay Kesbumrung, ủy viên Hội đồng Muay Thái thế giới, toàn nước Thái có đến hơn 10.000 trung tâm, lò, trại huấn luyện dạy Muay Thái với cả triệu võ sinh tham gia.

Chúng tôi thắc mắc khi tiếp xúc với nhiều công chức, trí thức hay sinh viên các trường đại học ở Bangkok, đa số họ đều tỏ vẻ sợ môn võ này, thậm chí không đi xem thi đấu, sao chỉ thấy thanh thiếu niên nghèo, ở nông thôn chọn học Muay Thái, cả ông Sampong lẫn ông Amnuay đã không chút đắn đo, nhún vai nói: “Đó là con đường mà thanh niên nông thôn chọn lựa để thoát nghèo và mưu sinh tại những đô thị lớn…”.

Mời các bạn đón xem P2: Quả đấm và giấc mơ đổi đời vào 15h Chủ nhật, ngày 10/3/2013.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Binh Nguyên - Duy Bình (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN